Vệ sinh máy sấy quần áo sao cho đúng cách

Hiện nay máy sấy quần áo đang được nhiều gia đình lựa chọn làm vật dụng thiết yếu hàng ngày, đặc biệt là những gia đình ở những thành phố đông đúc không có sân phơi. Tuy nhiên, để sử dụng máy sấy quần áo được hiệu quả và đảm bảo vệ sinh thì người dùng cần làm sạch đúng cách, tránh gây ra những ảnh hưởng tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Máy sấy quần áo có công dụng làm khô, diệt khuẩn, khử mùi cho quần áo khi giặt xong. Vì vậy việc thường xuyên vệ sinh giúp đảm bảo máy luôn sạch sẽ hoạt động tốt, bền lâu, tuổi thọ tăng cao, nhằm hạn chế những lỗi hỏng không đáng xảy ra khi sử dụng.

Theo các chuyên gia, người dùng cần nắm được thời điểm nào thì nên kiểm tra và vệ sinh máy sấy? Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết đó là quần áo khi sấy lâu khô thì người dùng nên kiểm tra thiết bị. Nguyên nhân chính có thể do những xơ vải tích tụ gây kẹt nghẽn trong ống thông hơi, ngăn cản luồng hơi thoát ra ngoài. Ngoài ra, khi thấy thân máy và khu vực điều khiển nóng hơn bình thường, việc đầu tiên là người dùng cần ngắt nguồn điện để rà soát từng bộ phận của máy, đặc biệt là bộ phận thông hơi.

Vậy vệ sinh máy sấy quần áo người dùng cần làm gì?

Lưới lọc (khay chứa xơ vải) và lỗ thông hơi là hai khu vực chính tích tụ sợi vải vụn, do đó, chỉ cần bạn làm sạch hai bộ phận này bạn có thể đảm bảo an toàn cho thiết bị.

Trước khi vệ sinh máy sấy, hãy luôn kiểm tra các khuyến nghị của nhà sản xuất và ngắt nguồn điện của thiết bị. Sau đó, bạn kéo khay/lưới chứa xơ vải ra và đổ rác vào thùng. Bước hai, bạn lấy khăn ẩm lau sạch các xơ vải còn sót lại trong khay lẫn khu vực đặt khay để đảm bảo bên trong sạch sẽ hoàn toàn. Theo Architectural Digest, xơ vải dễ cháy nên bạn nên vệ sinh lưới lọc thường xuyên, đặc biệt nếu bạn sử dụng máy với tần suất cao.

Đối với bộ phận lỗ thông hơi của máy sấy nằm ở phía sau thiết bị, bạn tháo kẹp ra và làm sạch từng phần riêng rẽ. Các lỗ thông hơi của máy sấy nên được kiểm tra và làm sạch ít nhất mỗi năm một lần, tùy thuộc vào quy mô của hộ gia đình và cách sử dụng máy sấy. Nếu bạn sử dụng máy sấy thường xuyên, một năm, bạn nên làm sạch bộ phận này khoảng 2-3 lần.

Với ống thông hơi, bạn có thể dùng chổi cọ, bàn chải nhỏ quét sạch bên trong ống để làm sạch các sợi vải, tóc... còn bám lại trên thân ống. Bạn có thể làm sạch ống bằng cách sử dụng máy hút bụi cầm tay. Sau cùng, bạn gắn lại ống thông hơi vào vị trí ban đầu.

Bước cuối, bạn bật nguồn, khởi động máy sấy, để nó chạy không tải trong vài phút cho đến khi thấy máy hoạt động ổn.

Ngoài ra người dùng cần vệ sinh bên ngoài máy sấy bởi đây là nơi quyết định tính thẩm mỹ. Vì thế, người dùng nên thường xuyên vệ sinh bên ngoài để đảm bảo máy luôn mới, giữ được độ bóng bẩy không bị xuống cấp.

Một số lưu ý khi vệ sinh máy sấy quần áo

Nếu trước đó bạn đã có sử dụng máy thì cần mở cửa và nắp bình ngưng của máy (với gia đình sử dụng máy sấy quần áo ngưng tụ), để máy được nguội hoàn toàn rồi mới vệ sinh.

Tuyệt đối lưu ý ngắt nguồn điện trước khi vệ sinh máy sấy.

Chú ý vệ sinh kĩ bộ phận lưới lọc và lỗ thông hơi, vì đây là hai khu vực chính tích tụ sợi vải vụn.

Trong quá trình vệ sinh ống thông hơi mà bạn thấy ống có dấu hiệu bị nứt, hư hỏng thì nên gọi thợ có chuyên môn đến kiểm tra kỹ và thay mới bộ phận này nếu cần.

Với các loại vải nhiều xơ, tốt nhất nên phơi ngoài không khí thay vì cho vào máy sấy. Việc làm đó giúp giữ lồng sấy sạch sẽ, và máy chạy quá tải.

Đặc biệt nếu thấy ống thông hơi có bất cứ vấn đề gì (nứt, hư hỏng), thì cần gọi thợ kiểm tra, không nên tự ý sửa chữa.

Ngoài ra, các nhà sản xuất khuyên rằng nên vệ sinh định kỳ 3 tháng/lần và tuyệt đối không dùng dung dịch có tính tẩy rửa mạnh vì có thể gây hỏng và dẫn đến cháy nổ.

Tác giả: Nhật Anh
Bài tin liên quan
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51