Ước mơ của cậu bé tên Thành
Chuyến xe đưa đoàn công tác chúng tôi xuôi về thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào một ngày cuối tháng Giêng năm 2020. Đã là đầu xuân nhưng tiết trời ẩm ương của miền Trung vẫn còn sót lại những đợt rét dai dẳng. Mưa, lạnh kèm theo những luồng gió từ biển thổi vào càng làm tăng thêm sự tê tái, sắt se...
Lần đó, chúng tôi đến thăm gia đình anh Võ Công Lý, công nhân đội QLVH Điện lực Kỳ Anh, Công ty Điện lực Hà Tĩnh - một trong những đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. “Vợ anh Lý không có công ăn việc làm ổn định, phải sống cảnh nhà trọ, phòng thuê, vậy mà chị ấy còn không may mắc cả hai căn bệnh quái ác là ung thư thanh quản và hở van tim. Đã thế, cậu con trai đầu lòng của anh chị cũng bị ốm đau từ nhỏ, một đồng lương anh Lý lo lắng cho cả gia đình, đúng là khó khăn chồng chất khó khăn”. Chia sẻ này của anh Nguyễn Tiến Long - Chủ tịch Công đoàn Công ty càng khiến chúng tôi thấy xót xa và cảm thương cho hoàn cảnh trái ngang của người đồng nghiệp.
Xe dừng lại trước căn phòng chưa đầy 20m2, đó là nơi sinh sống của gia đình anh Lý. Cảnh tượng đơn sơ đến chạnh lòng. Tất cả chúng tôi đều phải đứng, bởi ngoài chiếc giường vợ anh đang nằm thì không còn chỗ trống để đặt bất cứ thứ gì. Có chăng, chỉ có một chiếc bàn xếp mà theo anh Lý đó vừa là bàn ăn, vừa là bàn học của các con. Ái ngại nhìn quanh, tôi chợt ấn tượng với những tờ Giấy khen mang tên Võ Công Thành được dán gần kín cả bức tường mốc đen, cũ kỹ.
Khi chúng tôi đến, bố con anh Lý đang loay hoay chuẩn bị bữa trưa. Nhìn cậu bé nhỏ thó ngồi trên giường, cẩn thận bón cho mẹ từng thìa cháo, chúng tôi - ai cũng thấy tội nghiệp và thương cháu đang tuổi ăn tuổi học mà đã phải vất vả chăm lo cho mẹ, tất bật đỡ đần, gánh vác với bố công việc nhà. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết Thành là con đầu của vợ chồng anh Lý, hiện đang là học sinh lớp 9. Từ khi sinh ra cháu đã không được khỏe mạnh như các bạn cùng lứa, vì thế việc học của cháu bị ảnh hưởng rất nhiều. Mặc dù vậy, sớm ý thức được hoàn cảnh của mình, lại có niềm đam mê với việc học, ngay từ những ngày học tiểu học, Thành đã luôn cố gắng vươn lên trong học tập, 9 năm liền đều đạt học sinh giỏi xuất sắc của trường.
- Cháu Thành học giỏi quá anh nhỉ! Tôi nói… mà lòng thấy phấn khởi thay cho người đồng nghiệp.
- Dạ vâng, cũng may là cháu rất chăm ngoan, học giỏi các anh chị ạ!
Nói rồi, anh Lý đưa mắt nhìn sang chiếc giường - nơi Thành đang ngồi xếp bằng đút cháo cho mẹ… rồi anh lại quay sang nhìn chúng tôi… nhấp nhấp đôi mắt buồn, giọng trầm ngâm: “Không giấu gì các anh chị, cháu nó ham học lắm. Nếu có điều kiện ắt hẳn tôi đã dành nhiều thời gian, công sức đầu tư cho cháu. Nhưng, ngặt nỗi “nhà tôi” đau ốm triền miên, thời gian ở viện còn nhiều hơn ở nhà. Nhiều lúc nhìn con học trong điều kiện thiếu thốn, thua bạn, kém bè tôi thấy bất lực và thương con lắm nhưng đành phải dằn lòng... Nhất là từ ngày vợ tôi bị bạo bệnh, tôi không còn có thời gian để quan tâm, bày vẽ cho cháu nhiều, việc học đều do cháu tự nỗ lực, phấn đấu”.
Dường như ý thức được tâm tư, nỗi niềm của người bố dạn dày sương gió, Thành chưa bao giờ để bố phải bận lòng về mình. Ngoài giờ học, hầu hết thời gian Thành dành để hỗ trợ bố mẹ việc nhà, thay bố chăm sóc mẹ và đưa đón, kèm cặp em học. Mới ít tuổi nhưng cậu bé đã sớm tự lập, chia sẻ bớt gánh nặng cho bố bằng những bữa cơm do chính tay mình đi chợ, nấu ăn; lo cho em những lúc bố bận đi làm hay đưa mẹ đi chữa bệnh… vậy mà khi nhắc đến việc học đôi mắt cậu bé sáng lên, niềm tin, ý chí thể hiện rõ trên khuôn mặt.
Không có tiền mua sách nâng cao hay đăng ký đi học thêm, ngoài giờ học trên lớp, Thành luôn chủ động học hỏi bạn bè, thầy cô để củng cố thêm kiến thức, nhờ đó sức học của cháu ngày càng tiến bộ. Đặc biệt, càng lớn cháu càng lộ rõ năng khiếu, đam mê với các môn học tự nhiên, nhất là môn Vật lý. Niềm vui lớn nhất và cũng là món quà ý nghĩa đầu tiên Thành dành cho bố mẹ chính là Giải nhất môn Vật lý cấp huyện năm lớp 8. Cũng từ thành tích ấy, năm lớp 9 Thành tiếp tục giành giải Nhì môn Vật lý cấp tỉnh. Không dừng lại ở đó, cháu còn thử sức mình ở môn Toán và lĩnh vực sáng tạo khoa học kỹ thuật với những kết quả khá ấn tượng.
Thành nói: “Gia đình chính là nguồn động lực lớn nhất để cháu nỗ lực mỗi ngày. Thương bố vất vả sớm hôm, thương mẹ ốm đau, bệnh tật nên cháu luôn tự chủ động trong việc học hành và sinh hoạt của mình. Dù biết với hoàn cảnh hiện tại, con đường phía trước của cháu sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dù có chông gai đến mấy thì cháu vẫn sẽ không nản chí, nỗ lực phấn đấu học tập thật tốt để sau này có cơ hội giúp đỡ gia đình, thay bố mẹ lo cho em. Giờ đây, cháu chỉ ước sức khỏe của mẹ sớm bình phục, ước cả nhà được sống trong một căn phòng rộng rãi, sạch sẽ hơn, cứ nghĩ đến đó, cháu lại có thêm động lực và niềm tin để… mơ về một tương lai hạnh phúc”.
Quả thật, uớc mơ của Thành là một ước mơ giản dị. Hoàn cảnh gia đình anh Lý và sự nỗ lực của Thành cũng không phải là một trường hợp hiếm hoi. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao, khi đứng trong cảnh tượng đó, không gian đó, chứng kiến những gì đang diễn ra trong căn phòng đó, tôi và những người đồng nghiệp không thể nào cầm lòng được.
Đưa bàn tay sần sùi, chai sạn, run run nhận món quà từ đại diện Công đoàn, nước mắt anh Lý chực rơi… nhưng rồi… như kịp kìm nén để cứ thế chảy ngược vào trong, giọng chân thành anh nói: “Cảm ơn Lãnh đạo Công ty, cảm ơn Công đoàn các cấp luôn quan tâm động viên, giúp đỡ gia đình tôi trong suốt thời gian qua, tôi chẳng biết lấy gì đền ấp ân tình này, chỉ biết cố gắng thật nhiều, hết mình, hết lòng trong công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Chia tay gia đình anh Lý, chặng đường trở về của chúng tôi như ngắn lại, cái lạnh của những ngày rét ngọt đầu xuân dường như được xua tan bằng lửa ấm yêu thương. Chắc hẳn trên chuyến xe kia trở về, mỗi người đều có những tâm tư và cảm nhận của riêng mình. Tôi cũng thế… miên man, miên man trong dòng suy nghĩ… mặc cho ngoài kia những luồng gió rét vẫn liên tục, liên tục thổi vào…
(Còn tiếp)
Bút ký ( kỳ 1): Phương Thảo