Tuyên truyền tiết kiệm điện là hoạt động đường dài, cần kiên trì, nhẫn nại
Đó là mục tiêu, định hướng đối với công tác tuyên truyền tiết kiệm điện mà Công ty Điện lực Hà Tĩnh(PC Hà Tĩnh) đã, đang triển khai trong những năm qua và những năm tới.
Trong những năm qua, Hà Tĩnh nói chung và ngành điện Hà Tĩnh nói riêng luôn quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền tiết kiệm điện. Công tác này đã mang lại hiệu quả rõ nét thể hiện ở sản lượng điện tiết kiệm của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước; ý thức sử dụng điện tiết kiệm của người dân nhờ đó ngày càng được nâng cao. Song bên cạnh đó, một bộ phận người dân và doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng áp dụng, thực hành các giải pháp tiết kiệm điện, gây không ít khó khăn cho công tác tuyên truyền tiết kiệm điện.
Công tác tuyên truyền tiết kiệm điện tới khách hàng luôn được PC Hà Tĩnh sát sao thực hiện
Có dịp trò chuyện với chị Trần Thị Thùy Linh - tuyên truyền viên Điện lực Lộc Hà mới hiểu thêm phần nào những nỗ lực của các đơn vị điện lực trong công tác tuyên truyền tiết kiệm điện. Qua đó cũng thấy rõ một số quan điểm và suy nghĩ của khách hàng, người dân đối với công tác này. Chị Linh cho biết: Thực tế cho thấy hiện nay đại đa số người dân đều hiểu tiết kiệm điện “ích nước, lợi nhà”, góp phần ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu mục đích, ý nghĩa của việc làm này, thậm chí trước đây trong suy nghĩ của một số khách hàng, ngành điện “ngược đời”, bán điện nhưng lại kêu gọi tiết kiệm điện…
Một vài câu chuyện “khó quên” được các anh chị em tuyên truyền viên kể lại: Có lần anh em tới một cơ sở kinh doanh trên địa bàn để kêu gọi tiết kiệm điện. Bước vào, thấy cửa chính mở toang, trong khi có tới 4 cái điều hòa đang bật ở chế độ thấp; lượng khách hàng khi đó không nhiều nhưng hệ thống quạt điện đang hoạt động đồng thời, nhiều vị trí quạt bật nhưng không ai sử dụng,… Thấy vậy một anh trong tổ tuyên truyền nhanh chân đến nói nhỏ với nữ nhân viên “nên đóng kín cửa và tăng nhiệt độ điều hòa lên 27 độ C để bớt tốn điện”.
Thay vì thực hiện theo khuyến cáo, bạn nữ “tặng” ngay cho anh này một cái “nguýt dài”, quay ngoắt người đi và không quên “thả” lại cho anh câu trả lời không mấy thiện chí “chúng tôi dùng được thì chúng tôi trả được, miễn là ngành điện các anh cứ cung cấp dịch vụ điện cho tốt là được,… kinh doanh buôn bán thì phải chấp nhận chứ cắt cắt, giảm giảm thì sao thu hút được khách hàng?”.
Hay một lần khác, khi anh em công nhân đến nhà khách hàng A để tuyên truyền thì gặp đúng lúc vợ chồng chủ nhà đang tranh luận gay gắt về việc bác chồng thường xuyên quên tắt các thiết bị điện; bóng đèn, quạt điện cứ gọi là bật 24/7 dẫn đến tiền điện mấy tháng hè tăng cao. Bị vợ “cằn nhằn” thế là bác chồng “bực lây trút giận”, “mời khéo” anh em về với thái độ bực dọc, trách móc “các chú hết lúc đến tuyên truyền rồi à?”, vậy là… anh em đành ngậm ngùi “thôi lần sau quay lại vậy”.
Nhận định khác về sự khó khăn trong công tác tuyên truyền tiết kiệm điện được anh Biện Tiến Luân - tuyên truyền viên Điện lực Kỳ Anh chia sẻ: Một trong những nguyên nhân tác động tới hiệu quả của công tác tuyên truyền tiết kiệm điện tại Hà Tĩnh đó còn là yếu tố thời tiết và khí hậu đặc thù. Theo anh Luân: Mùa hè, nhiệt độ trên địa bàn thường dao động từ 38 - 42độ C, nắng nóng gay gắt kéo theo nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát gia tăng, khi đó quan điểm của khách hàng “thà tiết kiệm các khoản khác chứ tiết kiệm điện là điều không thể”.
Trong khi đó, những lúc thanh toán tiền điện, điều người dân thắc mắc, kiến nghị thường là “tại sao nhà tôi không dùng thêm thiết bị gì mà tiền điện tăng cao hơn những tháng trước”, “tại sao cũng từng đó thiết bị, từng đó con người… mà nhà hàng xóm lại thấp hơn nhà tôi”… ấy nhưng “họ” lại quên soát xét lại bản thân mình đã thực sự quan tâm đến các biện pháp tiết kiệm điện hay chưa? Liệu các thành viên trong gia đình có “bỏ sót” các “mẹo” sử dụng điện tiết kiệm nên mới dẫn đến tình trạng tăng cao của hóa đơn tiền điện? Chưa kể, nhiều hộ gia đình biết rõ đường dây và các thiết bị điện sử dụng lâu ngày đã bị xuống cấp, kém chất lượng nhưng lại không có điều kiện để thay hoặc không có kế hoạch bão dưỡng kịp thời.
Theo ông Phan Văn Anh - Trưởng Phòng kinh doanh PC Hà Tĩnh: Những câu chuyện, tình huống nêu trên cho thấy rằng, có lẽ khó khăn lớn nhất đối với công tác tuyên truyền tiết kiệm điện vẫn nằm ở ý thức và thói quen sử dụng thiếu “kiểm soát” của một số thành viên trong gia đình chúng ta; thói quen đó chưa thực sự “ăn sâu bám rể” nên việc biến “hành động trở thành thói quen”, biến phong trào tiết kiệm điện trở thành một nét văn hóa là điều hoàn toàn không dễ. Do đó, việc nâng cao nhận thức đối với một bộ phận khách hàng chưa có ý thức sử dụng điện hợp lý cần có nhiều thời gian và giải pháp phù hợp, nhất là đội ngũ tuyên truyền viên phải chuyên nghiệp, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ thì công tác này sẽ đem lại những hiệu quả cao hơn.
Song không chỉ ở PC Hà Tĩnh mà còn nhiều đơn vị khác, các tuyên truyền viên đều là những CBCNV kiêm nhiệm. Họ thường làm các công việc như: công nhân kinh doanh, công nhân quản lý vận hành, giao dịch viên,... nên hầu hết công tác tuyên truyền đều được kết hợp với những công việc như đi thay công tơ, xử lý CRM, làm việc trên lưới… do vậy thời gian tuyên truyền, hướng dẫn người dân cũng có phần hạn chế.
“Xác định công tác tuyên truyền tiết kiệm điện là hoạt động đường dài, thường xuyên và cần sự kiên trì, nhẫn nại, thời gian tới, Công ty chúng tôi tiếp tục tuân thủ thực hiện phương châm mưa dầm thấm lâu, quán triệt đội ngũ tuyên truyền viên không vội vàng, chán nản, nỗ lực thay đổi quan điểm, nhận thức của người dân để từng bước đưa phong trào thi đua tiết kiệm điện đi vào cuộc sống, trở thành nét văn hóa đẹp của cả cộng đồng, từ đó mới mong mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền tiết kiệm điện. Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của ngành chức năng rất cần đến sự đồng hành, ủng hộ, hợp tác của khách hàng để đưa chương trình tiết kiệm năng lượng thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội”- Trưởng phòng kinh doanh PC Hà Tĩnh chia sẻ thêm./.