Thạc sỹ Thái Duy Nam – Hành trình bén duyên với nghề “giáo”
Bằng những kinh nghiệm được tôi luyện trong thực tế, năm 2024 thạc sỹ Thái Duy Nam – Phó phòng Điều độ Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đã tham gia giảng dạy, kèm cặp trực tiếp 5 lớp với 304 giờ cho 197 học viên, biên soạn 25 tài liệu giảng dạy và 300 câu hỏi kiểm tra trực tiếp soạn hoặc thẩm định. Với thành tích trên thạc sỹ Thái Duy Nam là một trong những giảng viên nội bộ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vinh danh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tốt nghiệp Trường Đại học bách khoa Đà Nẵng năm 2003, kỹ sư Thái Duy Nam được PTC2 tiếp nhận vào công tác tại Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng. Theo sự phát triển của hệ thống lưới truyền tải điện của PTC2, tháng 4/2008 Nam cùng một số đồng nghiệp được lãnh đạo PTC2 tin tưởng giao nhiệm vụ nghiệm thu, đóng điện đưa vào vận hành Trạm biến áp 500kV Dốc Sỏi (Quảng Ngãi).
Thạc sỹ Thái Duy Nam – Phó phòng Điều độ PTC2
Bằng những nỗ lực, tận tâm với nghề chỉ trong một thời gian ngắn, tháng 11/009 Thái Duy Nam đã PTC2 bổ nhiệm làm Trạm phó, trạm phó phụ trách trạm biến áp 500kV Quảng Ngãi. Với vai trò này, Nam cùng đồng nghiệp liên tục nghiệm thu đóng điện nhiều ngăn lộ 110 - 220 - 500kV của trạm đúng theo thiết kế, kỹ thuật. Nhiều năm liên tục Trạm luôn vận hành an toàn, đảm bảo cung cấp điện liên tục phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và các vùng phụ cận.
Dù bận rộn với công việc nhưng anh Thái Duy Nam không ngừng học tập nâng cao trình độ, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trong nghề. Vừa học vừa làm, năm 2010 anh Thái Duy Nam đã hoàn thành và nhận bằng thạc sỹ hệ thống điện của trường Đại học bách khoa Đà Nẵng.
Cùng với sự phát triển vượt bậc của hệ thống lưới điện và trạm biến áp của PTC2 ngày càng phát triển, vai trò của phòng Điều độ Công ty được phát huy hơn bao giờ hết. Tháng 07/2011 thạc sỹ Thái Duy Nam được PTC2 tin tưởng, giao nhiệm vụ Phó Trưởng phòng Điều Độ cho đến nay.
Từ khi bước vào ngành truyền tải điện, với sự năng động và tâm huyết của mình, anh Nam đã có 26 giải pháp sáng kiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được Hội đồng sáng kiến các cấp công nhận đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Anh Nam nhớ lại những ngày đầu tiên khi đang công tác tại trạm biến áp 500kV Đà Nẵng. Lúc bấy giờ ở trạm có rất nhiều aptomat, mỗi lần đồng nghiệp muốn thao tác thiết bị lại phải dò, đọc từng mạch rồi mới tiến hành cắt aptomat nào cho đúng. Từ đó Anh nghĩ cần liệt kê chức năng của từng aptomat rồi dán vào cánh tủ để anh em có thể tiến hành thao tác một cách nhanh chóng, chính xác và đảm bảo an toàn. Trạm trưởng rất ủng hộ ý tưởng này nên lập tức cho triển khai. Anh Nam tâm sự: “Đấy là sáng kiến đầu tay và cũng là sáng kiến đơn giản nhất của mình”.
Không chỉ vậy, Thái Duy Nam đã tham gia nhóm đề tài “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý đường dây truyền tải điện, trong đó ứng dụng trí tuệ nhân tạo” do Phó giám đốc PTC2 Nguyễn Duy Dũng làm chủ nhiệm đề tài. Là thành viên của nhóm đề tài, Nam được giao thực hiện nghiên cứu phần mềm kết nối online với các ứng dụng quản lý khác của EVN, EVNNPT như: PMIS, HRMS, định vị sự cố, Emis… Để hoàn thành phần việc của mình, Nam đã cùng các cộng sự nghiên cứu và kết nối thành công, tôi tâm huyết nhất là theo dõi trào lưu công suất các đường dây trên lưới phục vụ quản lý vận hành của phần mềm được đánh giá cao trong quá trình nghiệm thu và ứng dụng đề tài.
Thạc sỹ Thái Duy Nam làm việc tại Trung tâm giám sát trạm biến áp không người trực (B02) PTC2
Riêng đề tài “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý đường dây truyền tải điện, trong đó ứng dụng trí tuệ nhân tạo” đã được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) nghiệm thu và ứng dụng rộng rãi trong toàn Tổng công ty. Ưu điểm của đề tài này là ứng dụng phần mềm quản lý đi kèm trí tuệ nhân tạo AI và công nghệ điện toán đám mây trong công tác quản lý đường dây truyền tải điện, ứng dụng thiết bị bay được lập trình để tự động thực hiện công tác kiểm tra đường dây. Đề tài đặt mục tiêu là số hóa tiến đến chuyển đổi số theo mục tiêu chung của EVNNPT: Tăng cường năng lực quản lý kỹ thuật; giảm thời gian cập nhật thông tin, thống kê lập báo cáo; chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại. Tiếp cận trình độ khoa học công nghệ hiện đại; ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động sản xuất và công tác quản lý vận hành lưới truyền tải điện; nâng cao năng suất lao động.
Để thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, Thái Duy Nam đã phối hợp tốt với các phòng Công ty, Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia; Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Trung, các Công ty Điện lực trong khu vực để có phương thức vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng trên các đường dây và các trạm biến áp hợp lý. Để giảm thiểu thời gian mất điện là thấp nhất, giảm tối thiểu số giờ vận hành theo phương thức bất lợi gây tăng tổn thất điện năng, Nam đã chủ động đề xuất, làm việc và phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm điều độ, Điện lực liên quan kết hợp bố trí lịch công tác hợp lý để thực hiện thí nghiệm định kỳ hoặc sửa chữa đường dây.
Với những kiến thực được học tập bài bản cùng những kinh nghiệm được đúc kết trong thực tiễn, thạc sỹ Thái Duy Nam cũng một số đồng nghiệp khác được PTC2 tin tưởng giao nhiệm vụ làm giảng viên nội bộ để tổ chức đào tạo, kèm cặp cho những nhân viên mới.
Trong lĩnh vực này Thái Duy Nam tham gia hướng dẫn các khóa đào tạo quản lý vận hành trạm biến áp và đường dây cho công nhân viên mới tuyển dụng trong các năm 2019 đến 2024; hệ thống giám sát xa từ Trung tâm vận hành trạm biến áp không người trực; huấn luyện kỹ năng thao tác thiết bị cho nhân viên vận hành trạm biến áp, Tổ thao tác lưu động; trực ban vận hành B02; chủ trì và hỗ trợ hướng dẫn xây dựng bài giảng E-learning, đóng gói, đưa lên phần mềm E-learning của EVN; tham gia biên soạn câu hỏi kiểm tra chức danh vận hành trực trưởng kíp, trực chính, trực phụ các trạm biến áp, Tổ thao tác lưu động, Trực ban phòng Điều độ.
Thạc sỹ Thái Duy Nam báo cáo tình hình vận hành Trung tâm giám sát trạm biến áp không người trực (B02) PTC2 với lãnh đạo EVNNPT
Dân gian có câu ‘Học thầy không tày học bạn”, những nhân viên mới được PTC2 tiếp nhận đã nhanh chóng kết hợp nhuần nhuyễn những kiến thức trong học tập ở trường cũng như những kiến thực tiễn được những người bạn, người anh đồng nghiệp trực tiếp hướng dẫn, nhờ vậy họ đã tiếp thu được nhiều kiến thức, kỹ năng nhất, phục vụ cho công việc sau này.
Khi nói về công việc làm “thầy” của mình, Thái Duy Nam bộc bạch: Để có được thành công, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất và hơn thế nữa là phải luôn nỗ lực. Những ngày đầu làm “thầy” anh phải nghiên cứu soạn thảo giáo án, tài liệu theo từng nội dung cần truyền đạt. Điều mà “thầy” Nam quan tâm nhất đó là hỏi – đáp, từ những hỏi và đáp là cách truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm nhanh nhất trong công tác đào tạo nội bộ.
Không chỉ giỏi về chuyên môn, Thái Duy Nam còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào văn hóa thể thao do Tập đoàn, Tổng công ty và Công ty phát động. Nam đã tham gia hiến máu nhân đạo 19 lần trong dịp hưởng ứng Tuần Lễ Hồng EVN và các đợt hiến máu do địa phương phát động.
Ghi nhận những thành tích trong công tác của anh, Thái Duy Nam nhiều năm liền được các cấp tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cùng nhiều danh hiệu thi đua khác. Bằng những kinh nghiệm được tôi luyện trong thực tế, riêng năm 2024 thạc sỹ Thái Duy Nam – Phó phòng Điều độ Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đã tham gia giảng dạy, kèm cặp trực tiếp 5 lớp với 304 giờ cho 197 học viên, biên soạn 25 tài liệu giảng dạy và 300 câu hỏi kiểm tra trực tiếp soạn hoặc thẩm định. Với thành tích trên thạc sỹ Thái Duy Nam là một trong những giảng viên nội bộ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vinh danh nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.