Tầm nhìn để lại

Vào tuổi 89, ông vẫn hì hụi làm việc, vẫn lục tìm, sắp xếp những trang tư liệu, bản vẽ, tài liệu về Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VIII). Tôi nghĩ về ông, một con người đã từng giữ chức vụ Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, học vị Tiến sĩ, là trí thức được đào tạo tại Liên Xô (cũ), chuyên gia đầu ngành về thủy điện ở Việt Nam, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, song ở con người ông luôn toát lên vẻ khiêm nhường và gần gũi. Có lẽ vì vậy càng làm cho trí tuệ, nhân cách của ông thêm tỏa sáng.

Ông Thái Phụng Nê được sinh ra trong một gia đình thuần nông, có truyền thống yêu nước. Quê ông ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Hòa Thắng là xã đồng bằng thuộc huyện Phú Hòa, là huyện được tách ra từ thị xã Tuy Hòa. Nơi ông sinh ra và lớn lên giống như nhiều làng quê vùng duyên hải Nam Trung bộ, có núi, có gò đồi ở phía Tây, dải đồng bằng hẹp phía Đông.

Thuở nhỏ, ông học ở thị xã Tuy Hòa, vào lớp 8, ông theo học trường An Nhơn, tỉnh Bình Định; lên lớp 9, ông học trường Lê Khiết tại xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Khi Pháp đóng chiếm thị xã Quy Nhơn, phía Nam tỉnh Bình Định thì đường về Phú Yên hoàn toàn bị cắt đứt. Ông không thể về nhà xin gia đình hỗ trợ, phải tự túc kiếm tiền mua gạo thực phẩm trang trải cuộc sống.

Tháng 10-1954, ông là một trong  41 học sinh của Liên khu V được chọn đi tập kết ra miền Bắc theo chủ trương của Đảng cho đi đào tạo để sau này xây dựng đất nước, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Thời khắc này như một lối rẽ quan trọng trong cuộc đời ông, để rồi như một định mệnh đưa ông đến với ngành thủy điện và gắn bó suốt một đời.

Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Thái Phụng Nê (đứng giữa) chỉ đạo tại công trường

Năm 1964, sau khi bảo vệ xuất sắc luận án Phó Tiến sĩ về lĩnh vực thủy công, trở về nước, ông được phân công giảng dạy tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhưng chỉ được 01 tháng, ông nhận quyết định điều động về Viện Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi, sau đó, ông tình nguyện khoác ba lô đi xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà tại tỉnh Yên Bái do Liên Xô giúp đỡ. Ít ai biết, vị Phó Tiến sĩ trẻ trung ngày ấy đã phải đấu tranh như thế nào, khi đánh đổi cuộc sống an nhàn với công việc giảng dạy ở Hà Nội và hạnh phúc bên người vợ mới cưới, để một mình đến nơi rừng thiêng, nước độc tham gia xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên của miền Bắc.

Cuối năm 1969, khi đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom phá hoại miền Bắc, công trường Thủy điện Thác Bà phát động phong trào thi đua lao động sôi nổi. Nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào đưa tổ máy số 1 vào chạy thử sớm nhất. Nhưng làm sao có thể lắp đặt tổ máy khi chưa tiến hành ngăn dòng, nước vùng hạ lưu vẫn tràn vào. Ông cùng với các chuyên gia Liên Xô đề xuất giải pháp làm bờ bao sau nhà máy để ngăn nước, bên trong bờ bao vẫn thi công. Sáng kiến của ông được lãnh đạo công trường đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, tổ máy số 1 sớm đi vào hoạt động. Việc đưa tổ máy số 1 vào vận hành sớm đã rút ngắn được thời gian thi công 1 năm.

 Đến tháng 02-1972, đế quốc Mỹ lại tiến hành ném bom miền Bắc. Những trận đánh ác liệt của Mỹ đã đánh sập hoàn toàn tổ máy số 1, làm hư hỏng nặng tổ máy số 2 và 3. Thời kỳ này, chỉ có Nhà máy Thủy điện Thác Bà và Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí cấp điện cho Hà Nội. Khi Thủy điện Thác Bà bị đánh phá, nguồn điện cung cấp cho Hà Nội không còn đảm bảo vận hành liên tục được. Ông cùng anh em Nhà máy căng sức ra sửa chữa liên tục suốt ngày đêm. Đến năm 1975, Nhà máy Thủy điện Thác Bà mới phục hồi hoàn toàn, ông được rút về để nghiên cứu, tham gia quy hoạch hệ sông Hồng, xác định công trình nối tiếp thủy điện Thác Bà. Đó chính là Thủy điện Hòa Bình - công trình thế kỷ và ông đã gắn bó với hệ sông Hồng, với dự án Thủy điện Hòa Bình suốt 17 năm, từ những ngày đầu chuẩn bị thi công cho đến năm 1989.

Tuổi 89, Ông vẫn đang miệt mài cống hiến cho ngành điện nước nhà

Suốt 3 năm đầu, ông và các đồng nghiệp chuyên tâm vào việc nghiên cứu, khảo sát địa chất, địa hình, lựa chọn tuyến, đi dọc sông Đà từ thượng nguồn đến hạ du, đo đạc, khảo sát những nơi dự kiến xây đập, để lập tổng quan khai thác sông Đà. Qua bao khó khăn tranh luận về quan điểm trị thủy sông Hồng theo hướng Hệ thống sông Lô - Gâm hay sông Đà, rồi đến lựa chọn phương án xây nhà máy thủy điện ngầm hay hở. Theo tính toán, nếu ngầm hóa Nhà máy công trình Thủy điện Hòa Bình sẽ đảm bảo an toàn hơn cho Nhà máy trước những trận đánh ác liệt của đế quốc Mỹ, đồng thời, tiết kiệm hơn 4% kinh phí. Nhưng tại thời điểm đó, Việt Nam chưa có nhà máy thủy điện ngầm nào, rất khó phản biện những ý kiến trái chiều. Năm 1978, diễn ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt. Để bảo vệ quan điểm ngầm hóa Thủy điện Hòa Bình, Trưởng ban Quản lý Thủy điện Hòa Bình Thái Phụng Nê phải đối mặt với những tình huống căng thẳng, quyết liệt của những người phản đối. 

Những tưởng “vạn sự khởi đầu nan”, mọi khó khăn đã được giải quyết khi công trình Thủy điện Hòa Bình đã đi vào thi công, thì đến thời điẻm ngăn sông vào năm 1983 lại xảy ra những ý kiến trái chiều khi Viện Thiết kế Thủy công Matcơva (Liên Xô) cử một đoàn chuyên gia sang khảo sát và đưa ra ý kiến là chưa thể ngăn sông, phải lui lại 1 năm.

Quan điểm của ông là, nếu ngăn sông vào năm 1983 thì công trình sẽ hoàn tất năm 1989. Để chậm lại 1 năm chi phí tăng lên và theo đó mức đầu tư sẽ tăng lên đáng kể. Nhưng nếu cương quyết ngăn sông, công việc không thuận lợi, trách nhiệm cá nhân của ông trước tập thể, trước nhân dân sẽ rất nặng nề. Sau nhiều ngày suy nghĩ, rà soát, kiểm tra, lục tung mọi ngóc ngách vấn đề, vượt lên những e ngại về trách nhiệm cá nhân, ông quyết định và cuộc ngăn sông diễn ra suôn sẻ.

Từ năm 2003, áp lực rất lớn từ việc phải đảm bảo cung cấp nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo Quy hoạch phát triển điện lực V hiệu chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đặc biệt là chủ trương phát huy nội lực trong nước để phát triển thủy điện. Giữa lúc gần như tất cả các dự án lớn đều chậm tiến độ, xin tăng vốn thì các dự án thủy điện ông chỉ đạo với tư cách là Phái viên của Thủ tướng Chính phủ theo cơ chế 797-400 đều rút ngắn được tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình.

Đầu năm 2004, Chính phủ duyệt dự án khả thi thủy điện Sơn La. Theo quy trình quy định, sẽ phải mất ba năm để thiết kế kỹ thuật dự án. Sau đó, chuẩn bị công trường, như: Làm đường giao thông vào công trường, san lấp mặt bằng, chuẩn bị điện nước...Ông đề nghị được thực hiện cơ chế đặc thù, đó là, chia nhỏ thiết kế kỹ thuật ra, hạng mục nào đã nghiên cứu, tính toán chắc chắn thì triển khai trước.

Kết quả, thay vì, năm 2006, xong thiết kế kỹ thuật để bắt đầu thi công thì cuối năm 2005 đã khởi công chính thức Công trình thủy điện Sơn La đồng thời ngăn sông Đà với đầy đủ hạ tầng phục vụ thi công.

Mặc dù đã cuối năm 2005, nhưng bỗng sông Đà có lũ bất thường. Nước ầm ập chảy về với lưu lượng trên 3.000 m3/s. Đê quai có nguy cơ vỡ. Mà như thế toàn bộ máy móc, người xe ở trên đê quai và hố móng phía dưới có nguy cơ bị cuốn phăng. Nước lên nhanh, réo ầm ầm. Anh em đề nghị ông rời đi nhưng ông kiên quyết  đứng trên đê quai, yêu cầu gia cố, nâng cao mặt đê và ông cứ đứng đó điều hành, anh em tiếp tục làm, không ai bỏ chạy. 

Bài toán lớn nhất với những người làm thủy điện Sơn La là đập. Một đập cao 138m - tương đương tòa nhà 45 tầng  phải chịu được áp lực nước lớn, phải vượt được các con lũ lịch sử nên công trình đập đặt mục tiêu an toàn là số 1.

Ông chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đập theo công nghệ bê tông đầm lăn. Với công nghệ này chỉ tiêu hao khoảng 60kg xi măng cho 1m3 bê tông trong khi công nghệ đầm dùi hiện hành là 220kg. Với công nghệ đầm dùi, một tháng mới chỉ nâng được thân đập thêm 4,5m, trong khi công nghệ đầm lăn nâng thêm 9m...

Thời điểm 2006 - 2007, Việt Nam đứng trước áp lực thiếu điện. Người dân nhiều nơi bị cắt điện luân phiên. Rút ngắn thời gian thi công Công trình thuỷ điện Sơn La không chỉ giải quyết được tình trạng thiếu điện, mà còn giảm được chi phí. Với sự tham vấn hiệu quả, thuyết phục của Ông, Chính phủ đã quyết định cho thực hiện xây dựng đập theo công nghệ bê tông đầm lăn mặc cho nhiều ý kiến phân vân, thậm chí phản đối quyết liệt. 

Điều kiện tiên quyết khi áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn là ở miền Bắc phải có tro bay. Ở thời điểm đó, Việt Nam không đâu có sẵn loại tro này. Sau quá trình thử nghiệm đã tìm ra phương pháp sản xuất tro bay. Nhưng chưa đủ, để chứng minh bê tông đầm lăn đạt cường độ thiết kế, đảm bảo an toàn, ông yêu cầu phải có bãi thử nghiệm ngay cạnh đại công trường theo quy trình quốc tế. Sau 60 ngày, 90 ngày, 180 ngày phải khoan lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng... công nghệ bê tông đầm lăn chính thức được áp dụng thành công tại Việt Nam. Kết quả, đập Thủy điện Sơn La, thay vì phải thi công trong năm năm thì chỉ hơn ba năm đã hoàn thành.

Theo thiết kế ban đầu, Nhà máy Thủy điện Sơn La có tám tổ máy 300MW. Để thi công, mỗi tổ máy mất ít nhất sáu tháng mới lắp xong. Nếu làm tám tổ, riêng thời gian lắp đã mất bốn năm. Sau khi bàn bạc, ông chỉ đạo thiết kế lắp đặt sáu tổ máy, nâng công suất mỗi tổ lên 400MW. Với công suất một tổ máy 400MW thì kiện hàng nặng nhất tới 280 tấn - bằng tải trọng của bảy xe container lớn, vận chuyển đường miền núi sẽ là lực cản lớn nhất.  Vận chuyển sáu tổ máy là sáu cuộc trường chinh, việc vận chuyển thiết bị thành công là một minh chứng cho nội lực, sự sáng tạo của những người làm điện.

Với tinh thần “ra công trường như như ra trận”, tận dụng mọi cơ hội, công trình Thủy điện Sơn La đã hoàn thành vào năm 2012, sớm ba năm so với kế hoạch. Mỗi năm, Nhà máy Thủy điện Sơn La sản xuất điện tương đương khoảng 7.000 tỉ đồng, làm lợi cho đất nước khoảng 21.000 tỉ đồng. 

Sau khi Nhà máy Thủy điện Sơn La đưa vào vận hành, ông lại lên đường đến với công trình Thủy điện Lai Châu vào đúng thời điểm các ngân hàng thiếu vốn, lãi suất tăng vọt lên đến 22%. Có tháng EVN chỉ cấp được 40 tỉ đồng, trong khi nhu cầu phải 200 tỉ đồng. Công nhân bị nợ lương tới 6 - 7 tháng, chỉ có đủ tiền ăn. Vượt qua muôn vàn khó khăn, ông cũng chèo lái để ngày 20-12-2016, tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, công trình Thủy điện Lai Châu đã được khánh thành, vượt tiến độ hoàn thành sớm 01 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.

Từ những năm 80 thế kỷ trước, tên tuổi của ông đã gắn liền với các công trình thủy điện. Nói ông là một người “mang nặng một tấm lòng với thủy điện” có lẽ cũng chả có gì là quá lời. Ở ông luôn toát lên một con người lý luận kết hợp với thực tiễn, sản xuất kết hợp với nghiên cứu, mềm dẻo và có tính hiện thực. Ở ông, trong công việc không chỉ toát lên một tấm lòng mà quan trọng hơn là một tầm nhìn tiên tri./

Tác giả: Mai Quốc Hội
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51