Sử dụng điện mặt trời mái nhà cần những lưu ý gì?

Hiện nay nguồn cung năng lượng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng dành cho sản xuất điện đang tăng rất cao. Vì vậy, việc sử dụng điện năng tiết kiệm và hiệu quả chính là giải pháp hữu ích giúp giảm thiểu việc thiếu điện vào những tháng cao điểm mùa khô. Một trong những giải pháp được nhiều gia đình áp dụng đó là việc sử dụng năng lượng mặt trời giúp mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, người dùng cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi lắp đặt để đạt được hiệu suất cao nhất.

Điện năng lượng mặt trời mái nhà là hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời đặt cố định trên các mái nhà của hộ gia đình. Hệ thống này rất phù hợp và dễ lắp đặt với mái nhà ngói, mái tôn,…. Hệ thống các tấm pin mặt trời sẽ được sắp xếp ở trên khe của thanh rail bằng nhôm đã được khoan gắn vào mái nhà.

Khi các gia đình lắp đặt hệ thống điện này sẽ giúp làm mát cho ngôi nhà đồng thời cung cấp điện cho gia đình sử dụng hàng ngày. Điều đặc biệt hơn, các hộ gia đình được đăng ký lắp công tơ hai chiều, khi hệ thống không sản xuất đủ điện cho gia đình có thể chuyển sang dùng nguồn điện lưới. Ngược lại, khi gia đình không sử dụng hết lượng điện năng do hệ thống sản xuất, gia đình có thể bán lại lượng điện thừa cho ngành điện.

Cần phân loại rõ hệ thống điện mái nhà trước khi lắp đặt

Hiện nay, có 3 mô hình điện mặt trời mái nhà phổ biến gồm hệ thống điện mặt trời áp mái độc lập (Off Grid), hệ thống điện mặt trời áp mái nối lưới trực tiếp (On Grid) và hệ thống điện mặt trời áp mái kiểu kết hợp (Hybrid). Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của gia đình mà người dùng nên lựa chọn mô hình phù hợp để lắp đặt, từ đó sẽ đem lại hiệu quả cao nhất.

Hệ thống điện mặt trời áp mái độc lập: Điện năng lượng mặt trời độc lập là hệ thống có thể chuyển hoá điện năng từ năng lượng mặt trời thông qua tấm pin quang điện, tại đây điện năng được lưu trữ trực tiếp trên ắc quy hoạt động một cách độc lập mà không cần điện lưới. Hệ thống điện mặt trời áp mái độc lập được dùng phổ biến ở những nơi không có điện lưới quốc gia, những nơi nó điện nhưng không ổn định….

Hệ thống điện mặt trời mái nhà độc lập

Theo các chuyên gia lĩnh vực này cho rằng, ưu điểm của điện mặt trời áp mái độc lập sẽ giúp các gia đình có thể tự chủ được ngồn điện mà không phải phụ thuộc vào điện lưới quốc gia, có thể lắp đặt ở bất cứ đâu. Đồng thời đảm bảo an toàn cho người sử dụng, giảm thiểu tối đa trường hợp cháy nổ do sét hay trời mưa.

Ngoài ra Hệ thống điệm mặt trời mái nhà độc lập sẽ giúp tiết kiệm chi phí tối đa, hệ thống có thể sản xuất điện cho các thiết bị điện tiêu thụ và tạo nét thẩm mỹ cho ngôi nhà.

Hệ thống điện mặt trời áp mái nối lưới trực tiếp: Hệ thống điện mặt trời áp mái nối lưới trực tiếp được dùng rất phổ biến hiện nay, phù hợp cho các tải tiêu thụ điện năng nhiều vào ban ngày như nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, hộ gia đình…

Hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới trực tiếp

Ưu điểm của hệ thống điện mặt trời áp mái nối lưới, có cấu trúc đơn giản, dễ dàng lắp đặt, chi phí đầu tư và bảo dưỡng thấp, độ bền cao.

Hệ thống này sẽ giúp giảm gánh nặng cho điện lưới quốc gia vào ban ngày, giờ cao điểm và vào mùa nắng nóng. Đáng chú ý hơn, sẽ giúp các hộ gia đình khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới trực tiếp sẽ thu được nguồn lợi từ việc bán điện dư cho lưới điện quốc gia.

Hệ thống điện mặt trời áp mái kiểu kết hợp, vừa lưu trữ vừa hòa lưới(hybrid):

Hệ thống này là sự kết hợp của hai mô hình nói trên, phù hợp với những nơi phải luôn có điện như bệnh viện, khu vui chơi…Lượng điện sau khi thu được từ tấm pin năng lượng sẽ được nạp vào acquy, khi acquy đầy lượng điện dư sẽ chuyển từ điện 1 chiều thành xoay chiều sau đó được chuyển đến tải để sử dụng. Nếu lượng điện chuyển đến tải không sử dụng hết thì sẽ chuyển lên lưới điện quốc gia.

Hệ thống điện mặt trời áp mái kiểu kết hợp, vừa lưu trữ vừa hòa lưới

Hệ thống điện mặt trời hybrid sẽ tổng hợp ưu điểm của 2 hệ thống điện năng lượng áp mái độc lập và trực tiếp.

Từ đó sẽ giúp nâng cao đời sống, thương hiệu cho hộ gia đình và doanh nghiệp.

Vừa đảm bảo nguồn điện sinh hoạt, thu hút vốn đầu tư từ khách hàng và đối tác. Giúp việc sản xuất điện không bị gián đoạn ngay cả khi trời lạnh và ít nắng.

Cần tìm hiểu kỹ những điều kiện cần khi lắp đặt điện mái nhà

Các hộ gia đình cần căn cứ vào nhu cầu sử dụng thực để tính toán số điện tiêu thụ trong một năm, để từ đó tính ra công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà kWp và hiệu suất của các tấm pin năng lượng mặt trời.

Cần phải đo lường tỉ mỉ và lựa chọn cẩn thận các loại vật liệu, tuân thủ theo các quy định của nhà sản xuất trong lắp đặt để có thể đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn và hiệu quả;

 Ngoài ra, khi lắp đặt, cần chú ý đến hệ thống khung đỡ. Hệ thống khung thường được làm bằng các vật liệu như thép hoặc nhôm:

Khung đỡ thép: Với ưu điểm là giá thành thấp,dễ gia công, lắp đặt nhưng lại khá nặng, dễ bị rỉ và cần bảo dưỡng thường xuyên.

Khung đỡ nhôm: Nhẹ hơn nhiều so với khung đỡ thép, lại không bị rỉ và ít bảo trì. Tuy nhiên, giá thành lại cao và với mỗi hệ mái khác nhau cần hệ khung thiết kế khác nhau.

Sau khi lắp đặt xong Hệ thống điện mặt trời mái nhà thì các hộ gia đình cần lắp đặt hệ thống tiếp đất (tiếp địa) để có thể đảm bảo hệ thống năng lượng mặt trời vận hành an toàn. Các bộ phận cần tiếp đất bao gồm: Tấm pin, khung đỡ tấm pin, máng cáp (nếu có), inverter, thiết bị chống sét lan truyền. Đồng thời, đối với các khu vực lắp đặt trên mái cao cần có hệ thống thu sét trực tiếp tránh hiện tượng sét đánh làm hỏng hóc tấm pin.

Phần cáp điện cho hệ thống điện mặt trời áp mái cũng cần được quan tâm đặc biệt để đảm bảo độ an toàn. Thông thường, cáp điện dùng cho hệ thống này được chia làm 2 loại: Cáp DC và Cáp AC. Dây cáp DC chuyên dụng cho điện mặt trời kết nối các tấm pin mặt trời và các thành phần điện khác của hệ thống quang điện. Cáp AC được sử dụng để kết nối đầu ra AC của biến tần với lưới điện.

Điều đáng chú ý nữa, đó là người dùng cần lựa chọn tấm pin có thể hoạt động tốt ngay cả khi ánh sáng yếu. Lựa chọn bộ inverter (bộ chuyển đổi điện một chiều thành điện xoay chiều) chất lượng, phù hợp công suất. Cả hai phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận xuất xưởng/chứng nhận chất lượng thiết bị của nhà sản xuất, thiết bị có hiệu suất, tuổi thọ và thời gian bảo hành cao để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Ngoài ra, khi lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên mái nhà cần lưu ý:

Hệ thống pin nên được thiết kế có khoảng cách giữa pin mặt trời và mái/sàn để đảm bảo thông gió tản nhiệt.

Nguồn điện mà pin mặt trời phát ra là dòng điện một chiều DC ở mức có thể gây nguy hiểm, do đó trong quá trình lắp đặt cần có các trang bị bảo hộ lao động phù hợp, sử dụng găng tay và giày bảo hộ khi lắp đặt.

Không đứng lên các tấm pin có thể gây vỡ hoặc xước bề mặt kính; không lắp đặt các tấm pin bị ướt hoặc lắp đặt trong điều kiện mưa gió.

Pin phát ra điện 1 chiều nên cần chú ý đấu đúng cực trong quá trình lắp đặt.

Đảm bảo các mối nối phải được cách điện đúng kỹ thuật; hệ thống giá đỡ phải đảm báo chắc chắn trong điều kiện gió bão.

Cần có chế độ dưỡng hệ thống điện mặt trời mái nhà thường xuyên

Bảo trì, vận hành: Hệ thống điện mặt trời cần được quan tâm bảo trì chủ yếu về hệ thống tủ điện, dây dẫn điện và các ốc vít ở vị trí trọng điểm; Hệ thống điện mặt trời mái nhà được vận hành một cách tự động. Gần như nhà đầu tư không cần trực tiếp vận hành.

Vệ sinh: Tùy vào chất lượng không khí ở khu vực mà thời gian vệ sinh tấm pin khác nhau. Thời gian được khuyến khích là 3 tháng một lần trong điều kiện bình thường. Vào mùa mưa chúng ta có thể tạm ngưng việc vệ sinh vì mưa lớn có thể thay chúng ta vệ sinh tấm pin.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện từ đầu năm đến nay tăng rất cao (như than, khí, dầu ….) thì việc sử dụng điện năng lượng mặt trời rất cần thiết và hết sức có ý nghĩa, góp phần giảm bớt chi phí cho gia đình, doanh nghiệp, đồng thời còn góp phần giảm tải cho hệ thống điện quốc gia.

Tác giả: Hải Triều
Bài tin liên quan
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51