Nỗi ám ảnh mang tên thả diều đêm
Thả diều là thú vui tao nhã từ bao đời nay, nhưng nếu không tuân thủ các quy tắc an toàn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, thậm chí thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến tính mạng do diều vướng vào đường dây điện gây chập cháy, mất điện diện rộng. Không những vậy, tiếng sáo diều liên tục suốt ngày đêm còn là nỗi ám ảnh đối với người dân.
Mùa hè, nhu cầu sử dụng điện tăng cao cũng là thời điểm thú chơi diều vào mùa. Diều với đủ loại, mầu sắc, kích cỡ bay lượn trên bầu trời. Cá biệt có những cánh diều sáo sải cánh từ 3 đến 5 mét, được gắn từ 5 đến 7 ống sáo. Ngày lộng gió, diều sáo có thể được thả xuyên đêm, khi đó tiếng sáo phát ra không còn là bản nhạc du dương mà trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người. Không chỉ vậy, thú chơi thả diều còn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự cố lưới điện.
Diều vướng vào đường dây điện gây chập cháy, mất điện. |
Qua công tác quản lý vận hành lưới điện của Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Dương, đến cuối tháng 6 vừa qua toàn tỉnh xảy ra 72 sự cố lưới điện có nguyên nhân do thả diều. Tuy số vụ việc đã giảm so với năm trước, nhưng nguy cơ mất điện từ thả diều vẫn hiện hữu, cho dù các biện pháp ngăn chặn vẫn đang được duy trì.
Theo Điện lực Tứ Kỳ- địa phương có số sự cố lưới điện do thả diều nhiều nhất tỉnh, mặc dù xảy ra 22 vụ sự cố tính từ đầu năm đến nay, nhưng việc ngăn ngừa và xử lý hành vi vi phạm này còn gặp nhiều khó khăn.
Theo quy định, thả diều gây sự cố lưới điện là hành vi vi phạm an toàn hệ thống lưới điện, bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 134 của Chính phủ với mức xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, người thả diều gây sự cố lưới điện còn có thể bị xử lý hình sự tội “Vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực” theo Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù. Tình trạng âm thanh sáo diều vượt ngưỡng còn là hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 155 của Chính phủ.