Một chuyến đi, bao cảm xúc!

Tôi có dịp theo chân các đoàn viên PC Đà Nẵng thực hiện hành trình “Về nguồn”, đến với các địa danh lịch sử tại tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Qua từng địa điểm, có lẽ ai trong chúng tôi cũng cảm nhận được sự linh thiêng, những khó khăn vất vả, sự hi sinh cao cả của cha ông để có được nền độc lập, giữ vững từng tấc đất quê hương.

“Ai có qua Thành cổ

Xin nhè nhẹ bước chân

Còn người nằm dưới cỏ

Mảnh đạn thù trong thân”...

Chúng tôi đến Quảng Trị vào một ngày cuối tháng 8. Với các đoàn viên thanh niên PC Đà Nẵng, có người là lần đầu tiên, có người đây là lần trở lại. Nhưng lần này có chút gì đó đặc biệt khi chúng tôi, những người trẻ đến đây nhân dịp kỷ niệm 50 năm trận chiến 81 ngày đêm ác liệt tại Thành cổ (từ 28/6 đến 16/9 năm 1972). Mỗi chúng tôi đều mang một cảm giác riêng, nhưng có lẽ tựu trung là cảm xúc bồi hồi, biết ơn, và niềm tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc.

Đoàn thanh niên PC Đà Nẵng làm lễ viếng và dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị được người dân trong vùng xem là vùng "đất tâm linh" vì nơi đây bất cứ tấc đất nào cũng có bom đạn và máu xương các binh sĩ hai bên. Đoàn chúng tôi dâng hương và vòng hoa kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì Tổ quốc. Chúng tôi còn được nghe chị hướng dẫn viên thuyết minh về địa danh này, trong không khí trang nghiêm tĩnh lặng, với chất giọng Quảng Trị đầy xúc cảm, anh em đã không ít người rơm rớm nước mắt. Câu chuyện về 81 ngày đêm lịch sử năm 1972, về kỉ vật bức thư của người liệt sĩ trẻ Lê Văn Huỳnh - người trai trẻ sinh viên đại học năm 4 mới cưới vợ được mươi ngày đã gác lại tất cả để theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Khói hương nghi ngút làm cay mắt hay là những giọt lệ nhớ thương, cảm phục của những lớp người sau trước sự hi sinh của lớp người đi trước.

Điểm đến tiếp theo quả thật là nơi mang lại nhiều ấn tượng nhất trong chuyến đi - địa đạo Vịnh Mốc. Công trình được bắt đầu từ đầu năm 1965 và được hoàn thành vào ngày 18/2/1966. Điều đặc biệt là vị chỉ huy công trình Lê Xuân Vy lúc bấy giờ học vấn chỉ vừa hết tiểu học, và dụng cụ hiện đại nhất trong tay ông là chiếc la bàn cũ kỹ. Nhưng khi được tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới thấy sự vĩ đại của cha ông ta. Hệ thống địa đạo gồm ba tầng: tầng nông nhất sâu 12m, tầng sâu nhất đến 23m, có 13 cửa thông ra ngoài, trong đó có 7 cửa thông ra biển. Cuộc sống dưới địa đạo thiếu ánh sáng, ẩm ướt vào mùa đông, nóng bức vào mùa hạ, điều kiện vệ sinh không đảm bảo nên hầu như đa số cư dân địa đạo đều bị ký sinh trùng, bạc da và các bệnh về xương, mắt. Đặc biệt người dân đã sống suốt 6 năm trong hầm mà ko hề có ánh sáng, đèn chỉ được thắp khi hội họp, cấp cứu bệnh nhân, chăm sóc trẻ sơ sinh... Khó khăn là vậy, gian khổ là vậy nhưng tại thời điểm đó, người dân nơi đây chỉ có duy nhất một sự lựa chọn: “tồn tại hay không tồn tại”.

Trong chuyến đi “Về nguồn” lần này, Đoàn thanh niên PC Đà Nẵng chúng tôi còn đến Huế để tham quan và nghe giới thiệu về những địa điểm từng gắn bó với tuổi thơ của Bác Hồ như Trường Quốc học Huế, nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụm di tích đình làng Dương Nỗ. Đến đây, được lắng nghe về khoảng thời gian 2 năm Bác Hồ sống ở nơi này vào thời niên thiếu nhưng có lẽ rất sâu đậm trong tâm trí Bác khi trong thời gian ngắn, Bác vừa trải qua nỗi đau mất mẹ và em trai. Những câu chuyện nhỏ nhưng lại vô cùng xúc động, càng làm tô đậm thêm lòng kính yêu dành cho Bác của mỗi anh chị em chúng tôi trong đoàn.

Tạm biệt hành trình “Về nguồn” năm 2022, những xúc cảm còn nguyên vẹn trong lòng mỗi đoàn viên thanh niên PC Đà Nẵng

Được lớn lên và sinh ra trong thời bình là một may mắn đối với thế hệ trẻ chúng tôi. Chuyến đi thật sự ý nghĩa bởi nó giúp chúng tôi chiêm nghiệm về những giá trị đúng đắn của con người giữa sự sống và cái chết, giữa hòa bình với chiến tranh. Về tính triết lý con người sinh ra rồi mất đi là lẽ tự nhiên nhưng những gì họ để lại cho đời là vĩnh viễn. Điều ấy cũng có nghĩa rằng khi tưởng niệm tôn vinh về những người đã mất là để nhắc nhở mọi người hôm nay phải sống sao cho xứng đáng, để quá khứ làm động lực thúc đẩy cho hiện tại và tương lai.

Đâu đó trong chúng tôi bâng quơ có những lúc nản chí vì áp lực công việc, những khi gặp khó khăn muốn chùn bước… thì qua chuyến đi này, ai cũng muốn cố gắng nhiều hơn, phấn đấu đóng góp nhiều hơn cho đơn vị, cho quê hương, đất nước. Thầm cảm thấy tự hào vì mình là người được lựa chọn trong chuyến đi, mỗi chúng tôi - thế hệ thanh niên, lao động trẻ phải luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với đất nước, xác định lý tưởng sống cao đẹp, hăng say trong lao động, không ngừng học tập trau dồi kiến thức, xây dựng tinh thần đoàn kết để  cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tạm biệt chuyến đi “Về nguồn” do Đoàn thanh niên PC Đà Nẵng tổ chức mà câu thơ của cựu chiến binh Phạm Đình Lân như ngân vang mãi: "Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật. Cho hôm nay, tôi đến nghẹn ngào!"

Tác giả: Yên Bình
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51