Ký ức không phai
Thời gian cứ dần trôi nhưng cứ đến tháng 5 hàng năm, đúng vào dịp kỷ niệm đóng điện vận hành đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1, tôi và những người đồng nghiệp luôn dâng trào cảm xúc tự hào trong lòng....
Chúng tôi, những lứa công nhân đầu tiên được Sở Truyền tải điện 1 (nay là Công ty Truyền tải điện 2 – PTC2) tiếp nhận khi hệ thống đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam đang đươc thi công. Ngày 27/5/1994 đường dây 500 kV Bắc - Nam đã được hoàn thành, đóng điện và đưa vào vận hành. Đến nay sau 28 năm đường dây 500 kV Bắc - Nam đã khẳng định vị trí vô cùng to lớn, không chỉ phát huy tốt vai trò điều hào, trao đổi, chuyển tải năng lượng điện bù đắp cho sự thiếu hụt công suất tại mỗi thời điểm ở các vùng miền, mà còn ghi dấu mốc quan trọng với việc lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống điện Quốc gia được liên kết thống nhất trong toàn quốc, có tính ổn định và độ tin cậy cao cho toàn hệ thống, tạo tiền đề đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công nhân PTC2 sử dụng thiết bị bay UAV kiểm tra đường dây
Còn nhớ những ngày đầu tiên khi mới bước chân vào nghề, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác là lứa công nhân đầu tiên tham gia công tác nghiệm thu, được đào tạo để tiếp nhận vận hành hệ thống đường dây tải điện 500kV. Lúc bấy giờ anh em công nhân chúng tôi đều là những người đầu tiên mới bước vào nghề với bao bỡ ngỡ, lo lắng không biết mình có đảm đương được nhiệm vụ cao cả này không, khi nhìn hệ thống đường dây tải điện siêu cao áp 500kV sừng sững, hùng vĩ trải dọc dãy Trường Sơn.
Những lần đầu tiên đi kiểm tra đường dây 500kV trước khi đường dây được đóng điện đi vào vận hành chính thức, tôi thực sự choáng ngợp trước hệ thống đường dây tải điện 500kV. Bởi vì trước đó, ở khu vực Đà Nẵng, Đơn vị chúng tôi chỉ quản lý duy nhất đường dây 110kV Huế - Đà Nẵng – Quảng Ngãi mà đa phần là cột bê tông ly tâm. Duy nhất các cột 110kV tại các điểm xung yếu và vượt các đèo Phú Gia, Hải Vân là cột sắt. Thời ban đầu chúng tôi còn nhiều thiếu thốn lắm, phương tiện, dụng cụ thô sơ, đơn giản mỗi lần sửa chữa đường dây đơn vị họp bàn đưa ra đến mấy phương án, phải ngủ tập trung tại đơn vị, thức dậy từ 4h sáng, ăn cơm bếp tập thể để thực hiện công việc… Có lẽ một điều may mắn với tôi đã được tham gia trực tiếp thi công đường dây 110kV từ Trạm biến áp 500kV Pleiku – Biển Hồ. Ở đây tôi và những đồng nghiêp đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm trọng thực tiễn.
Đường dây 500kV mạch 1 vượt đèo Hải Vân
Đường dây 500kV Bắc nam với tôi và một số đôgn nghiệp mọi cái đều mới mẻ, vừa làm, vừa tìm tòi vừa học hỏi từ những đồng nghiệp được chuyển từ các đơn vị xây lắp sang. Hồi đấy, để đi kiểm tra đường dây 500kV mỗi nhóm công tác chỉ có 2-3 người được phân công leo lên kiểm tra vài khoảng cột, cột nào cũng cao, chúng tôi làm việc dưới ánh mặt trời gay gắt của miền Trung. Mỗi lần kiểm tra xong vài khoảng cột thì đã qua tầm trưa, ai cũng mệt nhưng đều thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành được công việc. Ngày nối tiếp ngày trong nhiều tháng liền chúng tôi đã quen với công việc của mình, ngày nối ngày, tháng nối tháng đường dây 500kV Bắc - Nam luôn đảm bảo vận hành. Chúng tôi những người thợ đường dây luôn vui mừng vì đã tham gia đảm bảo cho dòng điện 500kV đã truyền tải thông suốt.
Thời gian qua đi, đến nay đã 28 năm vận hành lớp công nhân đầu tiên chúng tôi từ những thanh niên ngoài 20 tuổi, tò te bước vào nghề với lòng hăng hái say mê, bao năm lăn lộn với từng khoảng tuyến, từng vị trí cột. Không ngừng phấn đấu, rèn luyện học hỏi kinh nghiệm trong thực tiễn, trong thi công, sửa chữa lưới truyền tải điện. Đến nay hầu hết chúng tôi đã thực sự trưởng thành có những người đã trở thành lãnh đạo, nhiều người đã là thợ bậc cao có nhiều kinh nghiệm trong công tác vận hành, sửa chữa. Các thế hệ đồng nghiệp của chúng tôi từn bước làm chủ được những công nghệ tiên tiến, có đủ trình độ, kỹ thuật chuyên môn để thi công, sửa chữa, giám sát các công trình đường dây 500kV mạch 2, đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Dốc Sỏi - Pleiku cùng nhiều công trình khác.
Công nhân PTC2 sử dụng thiết bị bay UAV xử lý diều vướng mắc trên dây dẫn
Từ khi đường dây 500kV mạch 1 được đưa vào vận hành, PTC2 tiếp nhận hơn 586km từ Đèo Ngang vào đến Pleiku, 2 Trạm biến áp 500kV: Đà Nẵng, Pleiku (Riêng Trạm biến áp 500kV Pleiku được PTC2 bàn giao cho PTC3 năm 1998). Đến nay lưới truyền tải điện của PTC2 càng ngày càng phát triển mạnh. Lưới truyền tải điện 500kV của PTC2 đã tăng lên 10 xuất tuyến với 2.565km; 4 trạm biến áp 500kV: Quảng Trạch, Đà Nẵng, Thạnh Mỹ, Dốc Sỏi tổng dung lượng 2.850MVA; 49 xuất tuyến đường dây 220kV dài 2.130km và 15 trạm biến áp 220kV với tổng dung lượng 4.250MVA (riêng hệ thống lưới điện 110kV đã được PTC2 bàn giao cho Tổng công ty Điện lực miền Trung).
Còn nhớ những ngày đầu từ công tác kiểm tra ngày, kiểm tra đêm, sửa chữa đường dây truyền tải điện bằng thiết bị thô sơ, lạc hậu… Đến nay PTC2 đã ứng dụng hàng loạt công nghệ chuyển đổi số. Nổi bật trong số đó là: sửa chữa đường dây 500kV đang mang điện, sửa dụng máy bay trực thăng sửa chữa đường dây, Vệ sinh sứ cách điện hotline; sử dụng thiết bị bay UAV để kiểm tra tuyến; Nghiên cứu xây dựng hệ thống tích hợp giám sát và quản lý mạng lưới truyền tải điện tại các tỉnh miền Trung trên nền tảng công nghệ GIS và IoT; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống camera giám sát đường dây; lắp đặt camera quang sát tuyến đường dây sử dụng đường truyền cáp quang trên dây chống sét tại vị trí cột có hộp đấu nối quang; ứng dụng hệ thống theo dõi sức khỏe từ xa cho cán bộ công nhân viên …
Công nhân PTC2 sửa chữa đường dây 500kV mạch 1
Thời gian cứ dần trôi nhưng cứ đến tháng 5 hàng năm, đúng vào dịp kỷ niệm đóng điện vận hành đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1, tôi và những người đồng nghiệp luôn dâng trào cảm xúc tự hào trong lòng. Nhìn những đường dây sừng sững giữa trời, vượt núi băng ngàn mang dòng năng lượng đi khắp mọi miền của Tổ quốc. Những thành quả của các thế hệ công nhân truyền tải điện thật đáng tự hào và họ sẽ tiếp tục vượt mọi khó khăn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, đưa nguồn năng lượng Truyền tải vươn xa, đưa nguồn sáng đến mọi miền của đất nước./.