Đại học truyền thống – mô hình đào tạo đã lỗi thời trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0?

Gần đây, trên các mạng xã hội, có một câu nói được lan truyền được cho là của một người thành công “Tôi thành công, vì tôi không mất thời gian cho việc học những môn không cần thiết ở giảng đường đại học”, xét một khía cạnh nào đó, quan điểm này rất đúng....

Trong thời gian một vài năm trở lại đây, xuất hiện những khái niệm chưa từng gặp trước đây: tự do tài chính, nghỉ hưu tuổi 30,… khi những người trẻ xác định tạo dựng sự nghiệp từ rất sớm 18 tuổi, hay thậm chí sớm hơn, từ khi còn trên ghế nhà trường phổ thông, khác hẳn với mô hình chuẩn mực truyền thống, mọi việc chỉ bắt đầu sau khi tốt nghiệp Đại học… Rất nhiều người thành đạt khi còn rất trẻ.

Ngày càng nhiều người thành đạt, mà kiến thức được đào tạo ở giảng đường đại học hoàn toàn khác với lĩnh vực mà họ thành công: một kỹ sư vô tuyến điện, một dược sỹ lại trở thành những ông chủ thành đạt trong lĩnh vực bất động sản, một kỹ sư cơ khí, một kỹ sư điện lạnh lại thành công với lĩnh vực nhà hàng,….

Tại Việt Nam, những tấm gương về sự thành đạt như ông Đoàn Nguyên Đức, bên cạnh vai trò ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai, còn là người tiên phong trong việc thành lập học viên đào tạo bóng đá. Ông Huỳnh Uy Dũng, ông chủ của Khu du lịch Đại Nam và một loạt các khu công nghiệp tại Bình Dương, lại là người thiết kế ra các trạm sản xuất ô xy di động trong mùa Covid. Minh bê ta, người chưa từng được đào tạo tại bất kỳ trường nhạc nào, chính là tác giả của ca khúc “Việt Nam ơi” làm lay động cả dân tộc Việt Nam. Hay trên thế giới là tỷ phú Steve Jobs, người sáng lập ra Apple, bỏ học đại học Reed - trường mỹ thuật hàng đầu của Mỹ chỉ sau 6 tháng. Mark Zuckerberg, đã rời Harvard sau năm thứ hai để tập trung vào Facebook. Nhà thiết kế thời trang Ralph Lauren đã bỏ học tại Baruch College -The City College of New York sau 2 năm học. Michael Dell, ông chủ của hãng máy tính Dell, đã bỏ học tại Đại học Texas ở Austin sau khi hoàn thành năm thứ nhất đại học để bán máy tính,… đã chỉ ra cho chúng ta thấy, không nhất thiết phải học Đại học, hoặc ít nhất là, không cần tất cả kiến thức ở Đại học, mới có thể thành công (Tất nhiên, để thành công bên cạnh kiến thức, cần rất nhiều yếu tố, tư duy bẩm sinh, nền tảng gia đình, may mắn,…).

Cuộc cách mạng KHCN 4.0, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, truyền thông,… đã tạo những ngành nghề rất mới, vừa đem lại lợi ích cho cộng đồng, vừa đem lại lợi ích cho cá nhân như các streamer, youtuber, reviewer… mà không qua đào tạo ở bất cứ một trường đại học nào….

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018 đã quy định Cấp bằng theo trình độ, không phân biệt hình thức đào tạo, chính thức xoá bỏ sự phân biệt trong bằng cấp giữa hình thức đào tạo chính quy và tại chức.  Đến giờ, việc này vẫn gây nhiều tranh cãi, nhưng cũng qua đó, giao lại cho doanh nghiệp vai trò của nó – Sử dụng và đánh giá chất lượng lao động dựa trên hiệu quả của quá trình làm việc. Còn nhiệm vụ của các trường Đại học là đánh giá kết quả học tập.

Từ tháng 7/2019, không phân biệt hình thức đào tạo, 
chính thức xoá bỏ sự phân biệt trong bằng cấp giữa hình thức đào tạo chính quy và tại chức.

Từ một số những phân tích trên, phải chăng mô hình Đào tạo Đại học đã trở nên lạc hậu, lỗi thời.  Chúng ta cần một Mô hình Đào tạo Đại học mới, có sáng tạo, mang tính đột phá, “phá huỷ” tư duy cũ trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0?

Cần tư duy sáng tạo, đột phá. Đôi khi cần chấp nhận tư duy ngược, ý tưởng "điên rồ"

Thay vì loay hoay cải tiến chương trình đào tạo, cải cách sách giáo khoa,… cố gắng làm theo một mô hình đi trước như Harward, MIT, Oxford,… có nên chăng chúng ta chỉ nên lấy đó làm tư liệu để tham khảo, trên cơ sở đó xây dựng mô hình phát triển của riêng mình. Khi đã đi sau, cần phải làm khác người đi trước, thậm chí làm ngược, tạo ra sự đột phá, phá huỷ những mô hình cũ hay có thể gọi là “Sáng tạo mang tính phá huỷ”.

Cả lý luận và thực tiễn đã chứng minh, nếu những người đi sau, có nỗ lực đến bao nhiêu, với mong muốn đạt được những thành tựu giống người đi trước, thì mãi mãi là người đi sau.

1. Làm trước để trải nghiệm, để tìm hiểu, để biết mình cần học gì, phù hợp với ngành nghề gì?

Đã từ rất lâu, việc vào đại học như một tiêu chuẩn đánh giá con người. Có người lựa chọn ngành nghề, trường đại học theo trào lưu, theo xu hướng, theo mong muốn của gia đình, hay theo nguyện vọng cá nhân,…. Tuy nhiên có bao nhiêu người sau 4 - 5 năm học trên ghế giảng đường đại học, hay sau khi tốt nghiệp đại học mới nhận ra mình không đủ khả năng, không phù hợp, hoặc đơn giản là không thích làm trong ngành/chuyên ngành hay lĩnh vực đó?

Theo các báo cáo, mỗi năm có hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp, con số thực tế còn nhiều hơn thế gấp nhiều lần, và không kể tới những người tìm được việc làm không liên quan đến lĩnh vực được đào tạo tại trường Đại học…. Cả giai đoạn học đại học, ngoài chi phí học tập không phải con số nhỏ, tạo ra gánh nặng cho gia đình, bản thân người học, còn là sự mất mát về thời gian, tuổi trẻ không thể lấy lại. Mất 4 đến 5 năm cho việc phải học những thứ không phù hợp, không giúp ích gì hoặc rất ít cho công việc, cuộc sống của mình sau này, nhưng thế chưa đủ, mất thêm chừng đó thời gian ( 4 đến 5 năm) cho việc mất đi các cơ hội nghề nghiệp, trải nghiệm, học tập những kiến thức yêu thích, cần thiết cho công việc của mình. Một sự lãng phí về tiền bạc, thời gian và tuổi trẻ.

Bao nhiêu trong số những nhân viên này có trình độ Đại học? Câu trả lời là "Không nhỏ"

Mô hình ngược lại, làm trước, học sau, Học qua trải nghiệm, học trong công việc. Làm để biết mình phù hợp, mình thích với điều gì, còn thiếu những kiến thức gì để có thể làm tốt những điều mình thích, từ đó mới có cơ sở để lựa chọn mình cần học Ngành gì, chuyên ngành gì, môn học gì, cần học hỏi gì từ Thầy, từ Trường học.

2. Tư duy đào tạo

Mục đích của Đào tạo Đại học không phải là tạo ra những người có Bằng đại học, mà hướng tới mục đích cuối cùng, tạo ra những con người có khả năng, có kiến thức, trình độ chuyên môn cao giải quyết các vấn đề thực tế của cuộc sống, tạo ra của cải vật chất nuôi sống, làm giàu cho bản thân người học và xã hội.

Với định hướng như vậy, cần một cơ chế để vai trò của các doanh nghiệp, sự hợp tác liên trường, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước,… tham gia nhiều hơn, rộng hơn, sâu hơn trong quá trình đào. Hạ tầng của doanh nghiệp, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, nhân lực cấp cao, giàu kinh nghiệm… sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo.

Quá trình học tập, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp
là một phần không thể thiếu trong quá trình đào tạo.

Không kể các phòng thí nghiệm trọng điểm phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, với các ngành học ứng dụng, các trường Đại học sẽ hạn chế đầu tư các phòng thí nghiệm thực hành, việc đào tạo kỹ năng thực hành sẽ được thực hiện tại các doanh nghiệp, thực hành trong các phòng thí nghiệm ảo, nhà máy ảo với sự trợ giúp của công nghệ, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR).  Đó là các môi trường mà công nghệ, các vấn đề thời sự, cấp bách,  sát với thực tiễn, thường xuyên được cập nhật, nhờ đó sau khi tốt nghiệp, người học không mất thời gian thích nghi với công việc mới.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, phát triển của Internet, ngày càng có nhiều lựa chọn trong phương pháp dạy và học. Đại dịch Covid đã vô tình thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng, công cụ giao tiếp trực tuyến như Zoom Meeting, Google Meet, Microsoft Team, hình thức học trực tuyến, từ xa ngày càng trở nên phổ biến. Các lớp học được tổ chức với hàng nghìn người học, giảng viên đến từ mọi nơi trên thế giới, có thể tổ chức bất cứ lúc nào, ở đâu mà không phụ thuộc vào không gian và thời gian. Học liệu không còn chỉ là sách, tài liệu trong thư viện nhà trường, mà có thể tìm thấy ở mọi nơi trên môi trường Internet.

Có thể lựa chọn cách thức dạy và học trực tiếp hoặc trực tuyến.

Trong quan niệm truyền thống, cách học truyền thống, những điều giáo viên nói là chuẩn mực, luôn luôn đúng, cách học Thầy đọc, sinh viên ghi chép. Sinh viên được đào tạo để giải quyết các vấn đề đã tồn tại, học những cái mọi người đã làm, tư duy làm theo mà không tạo ra được động lực phát triển tư duy phản biện, tư duy tìm ra những cái mới, chưa ai gặp, chưa ai làm… Với tư duy đó, giáo dục Đại học đã tạo ra một thế hệ kỹ sư giải quyết rất tốt các công việc, các vấn đề được giao, kiểu “cầm tay chỉ việc”, trong khi lại khá lúng túng trong các việc cần sự sáng tạo, đột phá ở tầm vĩ mô, tìm ra vấn đề, ra đầu bài,….

Mô hình giáo dục hiện đại khuyến khích thảo luận, tư duy phản biện, đặt câu hỏi.

Một số mô hình kinh doanh thành công trong thời kỳ 4.0 như Grab, Uber – kinh doanh tắc xi không xe, Airbnb kinh doanh cư trú mà không sở hữu bất kỳ một bất động sản nào,… đã cho thấy mô hình cạnh tranh trong giai đoạn này đang từng bước chuyển dịch từ việc làm tốt hơn những việc mà nhiều người đã làm sang việc tạo ra các mô hình khác biệt, chưa ai làm.

Người học được khuyến khích đặt câu hỏi, phản biện, đề xuất những ý tưởng, những “idea” khác biệt, đột phá, thậm chí “điên rồ”

3. Chuyên ngành, chương trình đào tạo

Cấu trúc chương trình đào tạo Đại học gồm khối Kiến thức Đại cương, kiến thức chuyên ngành, đồ án/luận văn tốt nghiệp gồm 120 tín chỉ với bằng cử nhân, 150 tín chỉ với kỹ sư. Sau khi hoàn thành chương trình đại học, bao nhiên phần kiến thức, bao nhiêu tín chỉ được sử dụng và có ích cho công việc? Và bao nhiêu kiến thức cần cho công việc mà chúng ta không được đào tạo khi học Đại học?

  • Tâm lý học – có phải chỉ dành cho sinh viên Sư phạm?
  • Ngôn ngữ lập trình – có phải chỉ dành cho sinh viên Công nghệ thông tin?
  • Kỹ năng mềm: có phải chỉ dành cho sinh viên Quản trị Kinh doanh?
  • PR và thiết kế các sản phẩm truyền thông – có phải chỉ dành cho sinh viên Ngoại giao, hay Báo chí và tuyên truyền?
  • Thông tin và tư vấn sử dụng thuốc – có phải chỉ dành cho sinh viên Dược?

Một người bất kỳ, khi ra đời, để có thể làm tốt công việc, thì cần tất cả kiến thức nêu trên, không phụ thuộc vào chuyên ngành đào tạo, trường Đào tạo. Có thể thấy, càng ngày, tính đa dạng trong yêu cầu giải quyết công việc, các vấn đề của cuộc sống càng tăng. Học sâu một chuyên ngành là chưa đủ, kể cả khi làm việc trong lĩnh vực của chuyên ngành đó.

Ngoại ngữ: ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ. Chúng ta được học tiếng Anh – ngôn ngữ quốc tế để giao tiếp, tiếp cận văn hoá, cơ hội công việc… và trong thời kỳ 4.0 các khái niệm trí tuệ nhân tạo (AI) Máy học, Cloud computing,… tham gia vào cuộc sống và cùng chúng ta giải quyết các vấn đề là máy móc, là thiết bị, không phải con người, vì thế cần phải học một thứ ngoại ngữ khác, ngôn ngữ lập trình, coding,…

Ngoại ngữ không chỉ là ngôn ngữ giao tiếp giưã người với người,
mà còn là giao tiếp giữa người và máy móc, công nghệ.

Mô hình học tất cả các môn học (học phần) của một chuyên ngành, học sâu một chuyên ngành giờ không còn phù hợp. Để giải quyết các vấn đề hiện nay, ngoài một lượng kiến thức chuyên sâu nhất định thì cần rất nhiều các kiến thức tổng hợp, liên ngành, đa ngành. Có thể từng bước, có lộ trình bỏ khái niệm ngành, chuyên ngành.

Lượng kiến thức cần nhiều hơn, rộng hơn, do đó, việc được chọn lọc, được học đúng những kiến thức cần thiết, hữu dụng mang yếu tố quyết định, giảm chi phí, tiền bạc, thời gian.

4. Vai trò của người thầy

Theo quan niệm truyền thống, trong mối quan hệ “Thầy” và “Trò”, Thầy luôn được hiểu là giỏi hơn, làm tốt hơn Trò. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên của 4.0, với sự trợ giúp của Khoa học công nghệ, lượng kiến thức trước đây cần tích luỹ hàng năm, thậm chí gần như cả cuộc đời, thì giờ có thể  tích luỹ trong khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều… Kiến thức đến từ Internet, từ Website, từ các mạng xã hội Facebook, tiktok, youtube… từ những người thầy đến thế giới ảo mà có khi cả cuộc đời chúng ta không một lần gặp mặt.

Mô hình chuẩn mực của các giảng viên đại học: Thi đầu vào trường với điểm cao, tốt nghiệp thủ khoa hoặc loại giỏi, tiếp tục được bồi dưỡng đào tạo ở bậc cao hơn, thạc sĩ, tiến sĩ,…  28 tuổi, 30 tuổi đứng trên bục giảng với kinh nghệm chủ yếu đến từ thời gian học tập và nghiên cứu, trong khi va chạm với những vấn đề thực tiễn rất ít….

Sẽ ra sao nếu một người giảng viên giảng dạy về phân tích thị trường với những biến số nhất định trong sách vở, tài liệu và thiếu đi những yếu tố bất ổn, mà chỉ có trải nghiệm thực tế mới có được. Khi đó những kiến thức được học có chắc là những kiến thức mới nhất, cập nhật nhất, đã được kiểm chứng??? Những kiến thức đó có thể áp dụng cho công việc thực tế có hiệu quả, mà không gây ra tổn thất hay sai lầm đáng tiếc nào?

Do đó, quá trình đào tạo cần những người thầy đến từ thực tiễn, những doanh nhân thành đạt, chuyên gia, những kỹ sư lành nghề… những người có nhiều kinh nghiệm, trải qua nhiều mất mát, thất bại, những bài học xương máu mà không trường lớp nào có thể dạy được.

Trong quá trình học tập, rất cần những người Thầy đến từ thực tiễn

Giáo viên là một nghề nghiệp như bao nghề nghiệp khác, với những đặc trưng nghề nghiệp của riêng mình tuân theo đầy đủ các quy luật cung cầu của thị trường, công bằng của cuộc sống. Mức thu nhập tỉ lệ thuận với lợi ích đem lại, lợi ích do xã hội, được thị trường chấp nhận. Bất kỳ ngành nghề nào, sẽ bán được sản phẩm mà xã hội, thị trường cần. Sản phẩm của mình có tốt, xuất sắc đến bao nhiêu nhưng xã hội không cần thì cũng bị đào thải.

Trong thời kỳ 4.0 đã hình thành các trường Đại học ảo, với những giáo viên là những người thuộc nhóm giỏi nhất trong lĩnh vực của mình đến từ mọi nơi trên thế giới, những lớp học hàng nghìn, hàng trăm nghìn người. Thu nhập của giáo viên có thể lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng, những con số không tưởng trông mô hình giáo dục Đại học truyền thống.

Để nhận được mức lương, mức đãi ngộ mong muốn, sự thừa nhận của xã hội, thì sức ép, áp lực vô hình đặt lên người giáo viên cũng rất lớn, thay vì chịu sự giám sát của một nhóm, một bộ phận chuyên trách, giờ là sự giám sát của toàn xã hội.

Sự cạnh tranh sẽ xuất hiện, mỗi người giáo viên phải tự ý thức về việc nâng cao, cập nhật kiến thức thường xuyên (khi chu kỳ thay đổi, cập nhật trong thời kỳ 4.0 ngày càng ngắn lại, kiến thức có thể lạc hậu sau 1 năm, 1 tháng, và cũng có thể sau 1 ngày), xây dựng thương hiệu cá nhân,  rèn luyện bản lĩnh, thái độ,… một cách tự giác. Mọi hành vi tiêu cực, thiếu chuẩn mực sẽ vĩnh viễn bị loại bỏ.

Bất kỳ ai có kiến thức, kinh nghiệm và khả năng sư phạm và mong muốn truyền đạt kiến thức đều có thể trở thành giáo viên, khái niệm Giáo viên sẽ không xuất phát từ ngạch bậc, chức danh nghề nghiệp, hay bằng cấp, chức danh thạc sĩ, tiến sĩ… khi đó, vai trò của người thầy sẽ chuyển dần từ việc dạy kiến thức thuần tuý, sang người đồng hành, tư vấn, người huấn luyện viên

5. Định hướng

Một mô hình phù hợp trong giai đoạn hiện nay, phải được làm rõ được quyền, trách nhiệm và tối ưu lợi ích của từng chủ thể trong mối quan hệ giữa người học – Nhà trường – Doanh nghiệp (rộng hơn chính là thị trường, xã hội)

Mối quan hệ giữa người học – Nhà trường – Doanh nghiệp

Với người học:

Người học khi có nhu cầu, có thể học ở bất kỳ thời điểm nào, kể cả khi đang là học sinh Phổ thông, được chủ động lựa chọn môn học thuộc bất kỳ một chuyên ngành, một ngành học nào, hình thức học (trực tiếp hoặc trực tuyến), trường Đại học. Có thể lựa chọn:

  • 2 tín chỉ Tâm lý học tại Đại học sư phạm,
  • 8 tín chỉ tiếng Hàn tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn,
  • 4 tín chỉ Cơ sở dữ liệu tại Đại học Khoa học và Công nghệ,
  • 4 tín chỉ Nhiệt động kỹ thuật tại Đại học Điện lực,
  • 8 tín chỉ Lập trình Python tại Đại học FPT,
  • 4 tín chỉ tiếng Anh cơ sở tại Đại học sư phạm ngoại ngữ,
  • 2 tín chỉ về Tài chính tiền tệ tại Học viện Ngân hàng,
  • 4 tín chỉ về Logistic và vận tải quốc tế tại Đại học Ngoại thương,
  • 3 tín chỉ Tôn giáo và quan hệ quốc tế tại học viện ngoại giao,…
  • 3 tín chỉ Kinh tế học du lịch & Khách sạn tại đại học RMIT,
Người học được chủ động lựa chọn thời gian học, môn học, trường học
và cách học theo mong muốn của mình

Sau khi hoàn thành một số lượng tín chỉ nhất định (110 tín chỉ với khối cử nhân, 140 tín chỉ với khối kỹ sư), nếu có nhu cầu, có thể đăng ký làm đồ án/luận văn tốt nghiệp (với số lượng 10 tín chỉ) ở một trường bất kỳ, và với một chuyên ngành bất kỳ vào vào bất kỳ thời điểm nào người học mong muốn và phù hợp với lịch tổ chức của cơ sở đào tạo. Nếu bảo vệ thành công, sẽ được cơ sở đào tạo này cấp bằng cử nhân hay kỹ sư.

Ngừoi học – Người tiêu dùng – Người trả phí sẽ được lựa chọn những gì thực sự cần thiết, sử dụng những dịch vụ tốt nhất, xứng đáng với chi phí họ bỏ ra, đảm bảo chi phí cho việc học tập là một quá trình đầu tư sinh lời, thời gian hoàn vốn và bắt đầu có lãi khi làm việc cho doanh nghiệp, chính là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng của cơ sở đào tạo.

Với chương trình đào tạo mềm dẻo linh hoạt, bên cạnh lựa chọn làm việc cho doanh nghiệp, người học hoàn toàn có đủ kiến thức để tạo lập doanh nghiệp, hướng đi khác biệt của riêng mình.

Trường Đại học

Việc đào tạo được chia sẻ cùng với doanh nghiệp, bằng hạ tầng cơ sở vật chất, bằng các đề bài, câu hỏi thực tiễn, cấp thiết,… giúp các trường Đại học giành nhiều nguồn lực hơn cho việc nghiên cứu, sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển những lĩnh vực thế mạnh. Trường Đại học tập trung vào giảng dạy, và đánh giá kết quả quá trình học tập của người học tại trường.

Nhà trường chịu trách nhiệm đào tạo và đánh giá kết quả của người học

Trường Đại học không phải lo phân bổ nguồn lực cho công tác tuyển sinh, chất lượng đào tạo do người sử dụng lao động đánh giá - Doanh nghiệp, mức lương, thu nhập của người học sau khi tốt nghiệp sẽ chính là sức hút người học đến với Trường. Nếu mức lương nhận được cao, sẽ tạo dựng được thương hiệu và những người có nhu cầu sẵn sàng chi trả mức học phí cao để học tại Trường Đại học đó. 

Công tác quản lý sẽ đơn giản hơn rất nhiều, khi người học là những người thực sự có mong muốn, có nhu cầu, cán bộ giảng viên sẽ làm việc hoàn toàn tự giác. Thay vì quản lý theo chương trình đào tạo, sẽ quản lý theo môn học, việc phân công giảng dạy, đánh giá, thống kê theo môn học, chứng nhận kết quả sẽ đơn giản hơn rất nhiều, có thể dễ dàng áp dụng các quy trình số hoá, chuyển đổi số cho công tác quản lý.

Với doanh nghiệp

Doanh nghiệp được tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo, các vấn đề thực tiễn, cấp bách, các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công việc được đưa vào chương trình đào tạo, nhờ đó người học được học đầy đủ kiến thức chuyên sâu, vừa nắm được các kiến thức hỗ trợ, giúp thích nghi nhanh với công việc.

Doanh nghiệp sẽ nhận được nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị kiến thức toàn diện, thích nghi nhanh với công việc và không tốn thời gian cho việc đào tạo lại.

Doanh nghiệp định giá sản phẩm đào tạo – người lao động qua chất lượng, hiệu quả công việc

"Đi sau, nhưng làm khác người đi trước, các công cụ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho sự làm khác, làm ngược, bằng cách này chúng ta sẽ đi trước một cách vượt trội các nước đi trước chúng ta. 4.0 đi liền với từ Distructive, tức là phá huỷ, đột phá. Gọi là sự sáng tạo mang tính phá huỷ"* 

*Bài viết có sử dụng một số nội dung và trích dẫn trong phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông khi nói về Giáo dục trong thời kỳ 4.0

 

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Bùi Gao

Tác giả: Bùi Gao
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51