Cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024 đã được thực hiện như thế nào?
Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định công tác cung cấp điện mùa khô, nhất là các tháng cao điểm năm 2024 đã được đảm bảo.
Không để thiếu điện
Dựa trên Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6 - 6,5%, cuối năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3110/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024. Trong đó, dự kiến cả năm 2024 tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 306,259 tỷ kWh; các tháng cao điểm mùa khô là 109,183 tỷ kWh.
Qua theo dõi tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như những diễn biến của thời tiết, ngày 19/4/2024, Bộ Công Thương đã có quyết định điều chỉnh Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024. Theo đó, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 3110/QĐ- BCT được điều chỉnh là 310,6 tỷ kWh, trong đó mùa khô là 150,916 tỷ kWh và mùa mưa là 159,684 tỷ kWh.
Tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6,7) trong năm 2024 để dự phòng điều hành công tác đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia tại Điều 1 Quyết định số 3376/QĐ-BCT được điều chỉnh là 111,468 tỷ kWh.
Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, trong đó quý I tăng 5,66%, quý II tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã kéo theo nhu cầu điện tăng cao.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, quý I, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 69,4 tỷ kWh - tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng và tỷ trọng huy động từ thủy điện đạt 10,62 tỷ kWh, chiếm 15,3%; nhiệt điện than đạt 39,99 tỷ kWh, chiếm 57,6%; tua bin khí 6,06 tỷ kWh, chiếm 8,7%; năng lượng tái tạo đạt 11,45 tỷ kWh, chiếm 16,5%; điện nhập khẩu 1,15 tỷ kWh, chiếm 1,7%.
Trong 06 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 151,74 tỷ kWh, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, nhu cầu phụ tải cũng như công suất đỉnh đã đạt mức kỷ lục mới. Sản lượng điện tiêu thụ ngày lớn nhất (ngày 14/6/2024) đạt 1,02 tỷ kWh và công suất lớn nhất đạt 49.533 MW (ngày 19/6/2024). Còn sản lượng tháng 7/2024 đạt 27,7 tỷ kWh, góp phần đưa tổng sản lượng điện sản xuất 7 tháng đạt 179,44 tỷ kWh, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song ngành điện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đưa các dự án nguồn điện lớn đi vào vận hành, huy động tối đa các nguồn lực để đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.
Công nhân ngành điện thực hiện kiểm tra thiết bị trong mùa khô 2024 (Ảnh: EVN)
Kinh nghiệm từ đổi mới điều hành
Sau đại dịch Covid-19 đến nay, kinh tế nước ta có sự phục hồi rõ nét, nhu cầu điện tiếp tục tăng trưởng cao (năm 2024 là 2 con số). Tuy nhiên, Việt Nam luôn phải đối mặt với thách thức an ninh cung cấp điện bởi nhiều yếu tố từ ảnh hưởng ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt khó lường; tình hình địa chính trị thế giới phức tạp tác động đến giá nhiên liệu và chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó là tốc độ triển khai các dự án nguồn và lưới điện còn gặp nhiều khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng, giá điện còn thấp…
Rút kinh nghiệm từ tháng 6/2023 và yêu cầu thực tiễn của tình hình trong nước và thế giới, Bộ Công Thương đã đổi mới tư duy chỉ đạo, quản lý điều hành công tác cung cấp điện. Cụ thể, đã bổ sung thêm các kế hoạch vận hành hệ thống và cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô đi kèm với kế hoạch cung cấp nhiên liệu than, khí… bên cạnh kế hoạch năm và điều chỉnh kịp thời theo quý. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng dự báo tình hình, tổng hợp kết quả theo tuần để có điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế nhằm chủ động trong mọi tình hình.
Vào đầu các tháng cao điểm mùa khô, Bộ Công Thương đã thành lập các đoàn công tác để kiểm tra công tác chấp hành quy định của pháp luật cũng như chỉ đạo của Bộ; làm việc với nhiều địa phương, đơn vị ở các khối sản xuất, truyền tải, phân phối, cung cấp nhiên liệu… nắm bắt tình hình, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị về tiết kiệm điện; thường xuyên chỉ đạo các địa phương, ngành điện tăng cường thực hiện Chỉ thị Tiết kiệm điện của Thủ tướng và các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; chủ động công tác cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình thủy văn, phụ tải, công suất nguồn, huy động từng loại hình nguồn điện… để cộng đồng nắm bắt, chia sẻ với ngành điện, cùng chung tay tiết kiệm năng lượng; thường xuyên quán triệt, đánh giá, rút kinh nghiệm trong triển khai nhiệm vụ.
Cùng đóng góp vào thành công nêu trên, các doanh nghiệp ngành năng lượng, đặc biệt là EVN đã quyết liệt triển khai các giải pháp cụ thể, đồng bộ để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho đất nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý vận hành, cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024 từ tháng 4 đến tháng 7 đã được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho nền kinh tế cũng như sinh hoạt của nhân dân. Kết quả này sẽ là những kinh nghiệm quý báu để cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng cũng như các doanh nghiệp năng lượng xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cho năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.