Hiện đại hóa ngành điện TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Phát triển lưới điện thông minh

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, Tổng công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh (EVN HCMC) đã và đang không ngừng nỗ lực với tinh thần “điện đi trước một bước”.

Đội ngũ kỹ sư Công ty Thí nghiệm điện lực (Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh) nghiên cứu sản xuất đồng hồ điện 3 pha. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

 

EVN HCMC ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để hiện đại hóa lưới điện, nâng cao quản lý, vận hành. Đồng thời phát triển đội ngũ kỹ sư, công nhân ngành điện có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu phát triền doanh nghiệp, đóng góp vào thành quả chung của Tp. Hồ Chí Minh.

Bài 1: Phát triển lưới điện thông minh

Phát huy những thành quả đã đạt được, trong giai đoạn 2015 – 2020, Tổng công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh (EVN HCMC) tiếp tục đầu tư, ứng dụng các công nghệ mới nhằm phát triển lưới điện thông minh và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của đơn vị.

Tự động hóa lưới điện

Theo Tổng công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh, trong những năm qua, việc xây dựng lưới điện thông minh được triển khai bài bản. Cụ thể, từ tháng 3/2017, Trung tâm điều khiển được trang bị hệ thống SCADA/DMS đạt chuẩn quốc tế, có khả năng giám sát và điều khiển từ xa lưới điện toàn thành phố theo thời gian thực được đưa vào vận hành.

Năm 2018, EVN HCMC đã hoàn tất chuyển đổi 100% các trạm biến áp 110 kV đáp ứng tiêu chí không người trực vận hành (54/54 trạm) dựa trên việc ứng dụng các công nghệ SCADA điều khiển từ xa, hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động, hệ thống camera giám sát an ninh. Qua đó, đã giúp nâng cao năng suất lao động trong toàn Tổng công ty thông qua việc cắt giảm gần 500 nhân viên trực trạm. Từ đây, một lưới điện được vận hành tự động hình thành.

Năm 2019, Tổng công ty đã hoàn tất triển khai hệ thống giám sát, điều khiển từ xa (Mini-SCADA) cho 100% các phát tuyến lưới điện trung thế (770 tuyến dây) thông qua việc lắp đặt và đưa vào vận hành hơn 1.700 thiết bị đóng cắt thông minh kết hợp với hạ tầng viễn thông dùng riêng chuyên biệt. Các đơn vị trong Tổng công ty đã tự nghiên cứu và xây dựng thành công hệ thống lưới điện vận hành tự động hoá hoàn toàn, không cần người điều khiển cho khoảng 180 tuyến dây công cộng.

Theo ông Luân Quốc Hưng, Trưởng ban Kỹ thuật của EVN HCMC, nhờ vào các hệ thống này, hiện nay, hơn 90% số vụ sự cố trung thế đã được khôi phục cấp điện với thời gian ngắn hơn 5 phút thay vì phải đợi 2 tiếng như trước đây.

Hiện lưới điện 110kV đảm bảo vận hành tiêu chí N-1 (khi có sự cố xảy ra trong hệ thống điện hoặc để bảo dưỡng, sửa chữa thì hệ thống điện vẫn vận hành ổn định, đáp ứng các tiêu chuẩn vận hành, giới hạn vận hành cho phép và cung cấp điện an toàn, liên tục).

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc EVN HCMC cho biết, phát triển lưới điện thông minh là xu hướng chung của thế giới. Các yếu tố chính của lưới điện thông minh được triển khai bài bản, đầy đủ, có kế hoạch chi tiết. Việc này đã đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, thậm chí là hoàn thành trước thời hạn như hoàn thành trước 2 năm kế hoạch chuyển đổi 100% trạm biến áp 110 kV vận hành theo tiêu chí không người trực; hoàn thành trước 1 năm đối với chỉ tiêu tự động hóa lưới điện phân phối

Lưới điện thông minh chính là nền tảng để Tổng công ty đạt được những kết quả tốt trong việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ khách hàng.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2019, số lần mất điện trung bình của lưới điện (SAIFI) là 0,77 lần/năm và thời gian mất điện trung bình của lưới điện (SAIDI) là 58,4 phút/năm, tỉ lệ tổn thất điện năng là 3,48%.

Hạ tầng lưới điện được xây dựng theo định hướng hiện đại hoá và thông minh cũng góp phần tích cực vào Đề án xây dựng đô thị thông minh của UBND Tp. Hồ Chí Minh, cụ thể là việc đảm bảo điện cho các hệ thống đèn đường, camera giao thông (lĩnh vực giao thông); hệ thống các bệnh viện, trường học (lĩnh vực y tế, giáo dục), hệ thống camera an ninh (lĩnh vực an ninh trật tự), hệ thống đèn chiếu sáng công cộng; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; chia sẻ dữ liệu dùng chung về hạ tầng điện; phát triển năng lượng sạch.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, trong giai đoạn 2015 – 2020, Tổng công ty đã triển khai nhiều giải pháp để từng bước kiện toàn và hiện đại hóa lưới điện thông qua việc xây dựng và tổ chức triển khai “Đề án phát triển lưới điện thông minh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn năm 2025”; trong đó, Tổng công ty tập trung duy trì lưới điện 110 kV đáp ứng vận hành theo tiêu chí N-1, riêng các trạm cấp điện cho khu vực trung tâm đạt tiêu chí N–2 (dự phòng đến 2 nguồn); tái cấu trúc lưới điện trung, hạ thế để giảm bán kính cung cấp điện và nâng cao độ tin cậy, ổn định...

Đầu tư công nghệ mới

Để đảm bảo quản lý và vận hành hiệu quả lưới điện thông minh, Tổng công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh đã cơ bản số hoá hoàn tất quản lý kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao năng lực quản lý vận hành lưới điện. EVN HCMC đã triển khai quy hoạch hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho truyền dẫn tín hiệu, điều khiển hệ thống điện với phương án dự phòng 1-1 về mặt đường truyền, đảm bảo an toàn thông tin và các yêu cầu cho quản lý vận hành, tự động hóa lưới điện.

Ông Luân Quốc Hưng, Trưởng ban Kỹ thuật của EVN HCMC cho biết, bên cạnh việc phát triển các công nghệ lưới điện thông minh kể trên, Tổng công ty luôn chú trọng đầu tư cho các công nghệ mới khác; trong đó, nổi bật là công nghệ sửa chữa điện nóng (live-line working). EVN HCMC là đơn vị  đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ này và đến nay đã đưa vào vận hành 16 tổ thi công live-line trung thế; đang hoàn tất triển khai một tổ live-line 110 kV. Đáng chú ý, đơn vị đã tự nghiên cứu sản xuất thành công các thiết bị vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao.

Bên cạnh đó, EVN HCMC cũng đầu tư, ứng dụng các công nghệ hiện đại như công nghệ ngầm hoá (đã cơ bản ngầm hoá toàn bộ khu vực trung tâm thành phố), sử dụng các thiết bị có độ tin cậy cao, tổn thất thấp (thiết bị cách điện GIS cao, trung thế; MBA Amorphous); triển khai thử nghiệm chẩn đoán phòng ngừa sự cố (máy đo PD, camera nhiệt)… Hiện Tổng công ty đang hoàn tất quy trình để trở thành đơn vị phân phối đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị theo điều kiện vận hành (CBM).

Đội ngũ kỹ sư, chuyên viên EVN HCMC ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để quản lý, vận hành Trung tâm điều độ hệ thống điện Tp. Hồ Chí Minh đảm bảo điện ổn định 24/24. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đơn vị này đang hướng tới mục tiêu cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Theo đó, ứng dụng các công cụ như Customer Self Service (công cụ tự phục vụ khách hàng); chăm sóc khách hàng qua mạng xã hội; nhắn tin theo thời gian thực thay vì email; trò chuyện trực tiếp qua video.

Hiện nay khách hàng có thể đăng ký, yêu cầu các dịch vụ cấp điện mới, tăng cường công suất, thay đổi vị trí đo đếm, thông báo sự cố, tư vấn sử dụng điện an toàn tiết kiệm,...mà không cần phải đến trụ sở điện lực mà thông qua 9 kênh đăng ký dịch vụ điện bao gồm: Tổng đài 1900545454; website https://cskh.evnhcmc.vn; email cskh@evnhcmc.vn; tổng đài nhắn tin SMS 8055/8655; ứng dụng EVNHCMC chăm sóc khách hàng cài đặt trên thiết bị di động; trang EVNHCMC trên Zalo; cổng dịch vụ công trực tuyến của UBND Tp. Hồ Chí Minh; Cổng dịch vụ công Quốc gia; chatbot (công cụ trả lời tự động).

Nguồn:Theo: Báo Tin tức Sao chép liên kết
Tin liên quan