Dòng điện quốc gia đồng hành cùng sự phát triển của Kiên Giang

Những năm qua, ngành điện liên tục đầu tư, nâng cấp hệ thống điện, đảm bảo nguồn điện phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.


 

Từ đó, các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công nghiệp từng bước ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, lợi nhuận tăng. 

Doanh thu nghìn tỷ nhờ điện

Thành lập từ những năm 1996, hiện, bình quân mỗi tháng Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên - Kiên Giang (CTCPXMHTKG) tiêu thụ khoảng 1,5 triệu kWh điện, tương đương 3,2 tỷ đồng. Đồng chí Dương Thanh Hà - Phó Giám đốc Sản xuất - Điều hành CTCPXMHTKG cho biết: “Năm 2019, CTCPXMHTKG đạt doanh thu 600 tỷ, lợi nhuận 30 tỷ. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhờ có dòng điện quốc gia, CTCPXMHTKG ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, góp phần giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm đáng kể. Kết quả này có sự đóng góp đáng kể của dòng điện”.

Dẫn chúng tôi đi tham quan hệ thống sản xuất xi măng của công ty, ông Dương Thanh Hà không ngớt lời khen ngợi đối với sự nhiệt tình của ngành điện trong việc hỗ trợ doanh nghiệp địa phương các vấn đề về điện. Chỉ vào hệ thống băng tải từ bến xuất nhập hàng hóa lên nhà máy sản xuất của công ty, ông Dương Thanh Hà cho biết: “Đơn cử như hệ thống băng tải này, nếu không có dòng điện thì chúng tôi phải thực hiện thuê nhân công vận chuyển thủ công. Đoạn đường từ bến lên nhà máy gần 200m, mỗi công nhân vác một lần chỉ 1 bao 50kg, nhưng hiện nay hệ thống băng tải này có khả năng truyền tải một lần 2 tấn, năng xuất tăng gấp 40 lần”. Theo ông Dương Thanh Hà, ứng dụng hệ thống băng tải vào sản xuất là một trong những khâu nhỏ trong toàn hệ thống sản xuất xi măng của CTCPXMHTKG. Nhiều công đoạn trước đây sử dụng hệ thống máy móc hoạt động bằng xăng, dầu thì nay đều chuyển qua sử dụng bằng các loại thiết bị, máy móc hoạt động bằng điện. 

Tương tự CTCPXMHTKG, nhờ có dòng điện quốc gia, hiện nay, dây truyền sản xuất bao bì của Công ty Cổ phần Bao bì Hà Tiên (Hakipack) gần như khép kín. Sau 22 năm thành lập (1998-2020), sản phẩm của Hakipack không chỉ cung cấp cho khách hàng trong nước mà vươn xa tới thị trường khó tính như các nước khu vực Châu âu, Mỹ... Hiện, Hakipack là một trong số các công ty hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất các loại bao bì phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu với công suất tương đương 45 triệu vỏ bao/năm.

Hiện, mỗi tháng Hakipack tiêu thụ 320.000 kWh điện, tương đương 600 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Hakipack cho biết: “Nhờ dòng điện quốc gia tạo đà, từ tháng 11-1998, từ một công ty với 130 cán bộ và chỉ sản xuất một mặt hàng vỏ bao xi măng cung cấp cho 2 đối tác liên doanh, đến nay, Công ty Cổ phần Bao bì Hà Tiên (Hakipack) có vốn điều lệ hơn 40 tỷ đồng, sản phẩm có mặt khắp cả nước và thị trường thế giới”. Theo ông Nguyễn Văn Cường, kết quả trên là nhờ từ khi thành lập đến nay, Hakipack không ngừng phát triển mở rộng mặt bằng, đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ… mà đi đầu là sự hỗ trợ của ngành điện về việc cung ứng nguồn điện ổn định và liên tục tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới. Theo đó, từ năm 2008 đến nay, Hakipack thực hiện chính sách chất lượng, tôn trọng khách hàng, luôn thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9001 và hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 được tổ chức TUV Rhemland (một tổ chức quốc tế chứng nhận độc lập kiểm soát về kỹ thuật, an toàn) chứng nhận. Ngoài ra, sản phẩm của Hakipack đạt tiêu chuẩn Châu Âu, được kiểm tra bởi phòng thí nghiệm chất lượng có uy tín của Pháp và Tây Ban Nha công nhận đạt các tiêu chuẩn về chất lượng.

Đảm bảo điện cho phát triển công nghiệp

Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, đặc biệt là phát triển công nghiệp, những năm gần đây, Công ty Điện lực Kiên Giang (PC Kiên Giang) đã chú trọng đầu tư, xây dựng hệ thống điện đồng bộ, hiện đại cung ứng đến các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Hứa Thanh Nhàn - Giám đốc PC Kiên Giang cho biết: “Năm 2019, PC Kiên Giang thực hiện tổng sản lượng điện 2.544 triệu kWh, trong đó, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 40,12%. Sản lượng điện ở các khu, cụm công nghiệp luôn có mức tăng trưởng cao đạt khoảng 30%. Gắn với công tác đầu tư, ngành điện luôn chú trọng, quan tâm, đặt lên hàng đầu công tác bảo đảm cung cấp điện an toàn, chất lượng, ổn định phục vụ hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang hoạt động ở các khu, cụm công nghiệp”. 

Năm 2019, toàn khu Công nghiệp Thạnh Lộc tiêu thụ 59.105.800 kWh điện, tăng trưởng 30% so năm 2018. Tại Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang trong khu Công nghiệp Thạnh Lộc hiện có gần 3.500 lao động tương ứng 3.500 máy may hoạt động bằng điện. Mỗi tháng, Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang tiêu thụ 470.170 kWh, tương ứng 658 triệu đồng. Ông Cao Thanh Lương - Giám đốc Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang cho biết: “Để đi đến quyết định đầu tư nhà máy tại khu Công nghiệp Thạnh Lộc, điều đầu tiên chúng tôi quan tâm là hệ thống hạ tầng, nhất là nguồn điện. Có thể nói, từ khi đi vào hoạt động đến nay, ngành điện tỉnh luôn hỗ trợ và tạo điều kiện đảm bảo nguồn điện ổn định, liên tục cho chúng tôi hoạt động hiệu quả”.  

Theo ông Hứa Thanh Nhàn, đối với các khu công nghiệp trong tỉnh, hiện, PC Kiên Giang đầu tư cơ sở hạ tầng lưới điện riêng, đồng bộ đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục, đủ công suất yêu cầu cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Các hệ thống điện ở các khu công nghiệp đều có khả năng mang tải cao, kết nối mạch vòng liên lạc, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khu công nghiệp hiện nay cũng như thời gian tới. Chẳng hạn, khu công nghiệp Thạnh Lộc và khu cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành) đã được đầu tư hệ thống lưới điện đồng bộ để đảm bảo cấp điện theo quy hoạch. Theo đồng chí Hứa Thanh Nhàn, các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đều được cấp điện bằng các nhánh đường dây trung thế riêng, đảm bảo đủ công suất yêu cầu của các doanh nghiệp. 

Ngoài thu hút doanh nghiệp đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp, những năm gần đây, tỉnh ta tạo điều kiện để một số doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy ở khu vực nông thôn, nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp này khi đi vào hoạt động đã được PC Kiên Giang phối hợp với chính quyền cơ sở tạo điều kiện về mặt bằng nhằm xây dựng hệ thống điện cung ứng thuận lợi đến địa điểm sản xuất, kinh doanh.

Hy vọng, với những nỗ lực của ngành điện trong việc cung cấp điện cho phát triển công nghiệp sẽ là điều kiện để ngành công nghiệp tỉnh ta phát triển đột phá và bền vững trong thời gian tới.

Theo ông Hứa Thanh Nhàn, dự kiến, sản lượng điện thương phẩm năm 2020 là 2.730 triệu kWh tăng 186 triệu kWh so với năm 2019. Hiện nay, Công ty Điện lực Kiên Giang được Tổng công ty Điện lực miền Nam  giao quản lý vận hành hệ thống lưới điện với khối lượng 5.401,4km đường dây trung thế, 7.604,5km đường dây hạ áp. Vận hành 12 trạm biến áp 110kV với tổng công suất 708MVA. Dự kiến công suất lớn nhất năm 2020 là 470 MW. Trong những năm tới, ngành điện tiếp tục đầu tư, mở rộng hệ thống điện đầu nguồn, đáp ứng yêu cầu thực tế, bảo đảm đúng quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV thuộc Dự án quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, giai đoạn 2016-2025 có xét đến năm 2035.

Nguồn:Icon.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan