Phí ôtô vào nội đô 'có thể lên tới 100.000 đồng mỗi lượt'

Khung mức phí đối với xe vào trung tâm Hà Nội được xây dựng từ 50.000 đến 100.000 đồng mỗi lượt, theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện.

Chiều 30/10, ông Viện đã trao đổi với báo chí về Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông".

Theo đó, dự kiến khung mức thu phí được tính trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí, lưu lượng xe.

Mức thu phí thấp nhất để bù đắp chi phí đầu tư, quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng mỗi lượt. Tuy nhiên, với nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi người tham gia giao thông và căn cứ vào mức chi trả của người dân hiện nay (phí trông giữ xe ôtô khoảng 50.000 đến 100.000 đồng), đề án đưa ra mức phí cao nhất 100.000 mỗi lượt.

"Mức phí này nhằm tác động đến người sử dụng phương tiện, không đi vào khu vực thu phí nếu không cần thiết", ông Viện lý giải và thông tin thêm khung mức phí trên được đề xuất làm căn cứ sau này xây dựng dự án. Mức phí cụ thể sẽ được xác định khi thực hiện dự án với phương án thu chi cụ thể cũng như tính toán số lượng phương tiện.

Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện trao đổi với báo chí, chiều 30/10. Ảnh: Võ Hải.

"Nếu HĐND TP ban hành nghị quyết về việc thu phí xe vào nội thành tại kỳ họp cuối năm 2021, UBND TP sẽ xây dựng dự án đầu tư, phương án quản lý theo lộ trình; triển khai tích cực thì dự án có thể hoàn thành vào năm 2024", ông Viện nói.

Nhóm bị thu phí là ôtô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực nguy cơ ùn tắc giao thông (trừ xe ưu tiên, xe công an, quân đội, cứu thương, cứu hỏa, ôtô vận tải hàng hóa...).

Các phương tiện được miễn phí có điều kiện gồm xe hộ gia đình, ôtô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí; một số trường hợp sẽ được giảm phí, trong đó có ôtô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi ...).

Vị trí dự kiến 87 trạm thu phí ôtô vào nội đô Hà Nội. Đồ hoạ: Tiến Thành.

Phạm vi thu phí được xây dưng trên ba nguyên tắc. Thứ nhất, khu vực nguy cơ ùn tắc giao thông. Thứ hai, khu vực có thể tổ chức giao thông thuận tiện, các phương tiện không cần đi vào nội đô mà có thể vòng tránh, đi qua địa bàn thành phố. Thứ ba, khu vực có điều kiện lắp đặt các trạm thu phí, ít ảnh hưởng đến giao thông và hạn chế gây ùn tắc.

Trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên, Hà Nội dự kiến đặt 87 trạm thu phí tại 68 vị trí: Vành đai 3 – Cầu Thanh Trì – Pháp Vân – Mai Dịch – Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long – Võ Chí Công – Cầu Nhật Tân – Đường Hoàng Sa – Đường Trường Sa – Đường Lý Sơn – Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào vành đai 3.

Theo tính toán của các đơn vị xây dựng đề án, số phương tiện sẽ tránh không đi vào khu vực thu phí khoảng 12 đến 18%; cộng cả số người thay đổi thói quen đi lại, chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng hay xe đạp, đề án đưa ra mức giảm phương tiện vào nội đô khoảng 20%.

Trước băn khoăn 87 trạm thu phí có thể gây ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đề án đưa ra phương án trạm thu phí áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng. Các camera giám sát được lắp đặt trên các giá long môn để nhận diện biển kiểm soát ôtô và tự động trừ phí. "Vị trí các trạm phí không có barie nên không gây mất mỹ quan đô thị", ông Viện cho hay.

Cũng theo Giám đốc Sở Giao thông Vân tải Hà Nội, đề án mới là nghiên cứu đề xuất của Sở trên cơ sở giao nhiệm vụ của UBND TP Hà Nội; sắp tới Sở sẽ báo cáo cấp thẩm quyền xem xét trình HĐND thành phố.

Tác giả: Võ Hải
Nguồn:Theo VNexpress Sao chép liên kết
Tin liên quan