Trộm cắp điện năng – vấn nạn của xã hội

Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện nhiều nhưng lại muốn dùng điện “chùa”, sản phẩm làm công tơ điện quay chậm bán tràn lan trên mạng … là một trong số những nguyên nhân khiến “vấn nạn trộm cắp điện năng” không những còn tồn tại mà còn diễn ra với các thủ đoạn trắng trợn, tinh vi, và phức tạp  hơn trong thời gian qua.

Trộm cắp điện là hành vi lấy điện trái phép không qua công tơ; tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ; và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện; cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số công tơ và các hành vi lấy điện gian lận khác.

Một số hành vi liên quan đến trộm cắp điện như: Tự tiện đấu nối; câu móc lấy điện trên hệ thống điện; cố ý làm hỏng công tơ để dùng điện; khoan lỗ vỏ công tơ để chặn đĩa quay; lật nghiêng hoặc đảo ngược công tơ…; cắt đứt hoặc xâm phạm chì niêm phong; tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ; và các thiết bị liên quan đến đo đếm điện; đấu tắt cuộn dòng…

Số vụ trộm cắp điện chưa hạ nhiệt

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã phát hiện và xử lý 1.636 vụ vi phạm sử dụng điện với số tiền bồi thường tương ứng 571 triệu đồng. Trong đó, phát hiện 28 vụ trộm cắp điện và đã chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan thẩm quyền xử phạt hành chính với số tiền 77 triệu đồng.

Ảnh minh họa: Internet

Trong quý 2 năm 2021, PC Phú Yên đã phát hiện 39 vụ trộm cắp điện, tăng 20 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, sản lượng truy thu bồi thường do vi phạm sử dụng điện hơn 50.000 kWh, tương ứng số tiền bồi thường hơn 287 triệu đồng. Các hồ sơ trộm cắp điện được hoàn thiện và chuyển cơ quan thẩm quyền địa phương ra quyết định xử phạt 71,5 triệu đồng.

Theo báo cáo của PC Quảng Nam tính từ đầu năm 2021 đến nay, toàn Công ty đã phát hiện và xử lý 3.949 trường hợp vi phạm sử dụng điện; trong đó có 186 vụ trộm cắp điện, truy thu 96.689 kWh điện, với tổng số tiền hơn 304 triệu đồng; đồng thời chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ lên đến 279 triệu đồng.

Cùng với đó, PC Đắk Nông cho biết đã xử lý 45 vụ trộm cắp điện, truy thu 21.732 kWh điện, tổng số tiền bồi thường 750 triệu đồng từ đầu năm 2021 đến nay.

Đủ “chiêu” ăn cắp

Hiện trường một vụ “câu” trộm điện bằng cách lợi dụng ghip đấu dây phía trước đồng hồ

Nhìn chung, các hình thức trộm cắp điện ngày càng tinh vi, phức tạp và trắng trợn hơn. Những hình thức thô sơ như câu trực tiếp thì bây giờ gần như không còn mà thay vào đó, người ta sử dụng nam châm để trộm điện, nhiều khách hàng còn sử dụng thiết bị tạo dòng kết hợp với dây nguội bên ngoài làm dây nối đất khiến điện kế dừng lại hoặc chạy ngược lại. Đặc biệt, ngoài người dân liều lĩnh, thì ngày càng xuất hiện nhiều đối tượng am hiểu về điện “ăn trộm" điện hết sức tinh vi. Các đối tượng này cũng luôn tìm cách đối phó, gây khó dễ cho đơn vị kiểm tra xử lý.

Một cách trộm điện khác là khoan lỗ bên trên điện kế rồi chọc que vào đĩa làm điện kế quay chậm hoặc dừng lại. Phát hiện đĩa kế có nhiều vết xước nhưng vẫn không xử lý hình sự được vì không bắt được tận tay ai khoan, chọc vô điện kế. Một thủ đoạn trộm điện nữa cũng tinh vi không kém đó là mở niêm chì của điện kế và thay đổi kết cấu bên trong để làm giảm lượng điện năng mà điện kế đo được.

Thiết bị trộm điện bán công khai, mua thoải mái trên thị trường

Xuất phát từ lòng tham, nhiều người không e ngại mà tìm đến những thiết bị ăn trộm điện được bán trôi nổi trên thị trường. Không mất quá nhiều công sức và tiền bạc, họ chỉ phải bỏ ra vài trăm nghìn đồng là có thể lắp thêm một số thiết bị đơn giản để có thể dùng điện thoải mái mà chỉ phải đóng 50% số lượng điện tiêu thụ hàng tháng.

Thiết bị ăn trộm điện có điều khiển từ xa được rao bán tràn lan trên thị trường

Không chỉ vậy, hiện nay trên một số các trang mạng có chia sẻ tỷ mỉ cách ăn trộm điện, cách xóa mọi dấu vết ăn trộm điện tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Điều đặc biệt ở đây đó là bài viết nhận được không ít sự quan tâm của các bạn đọc xoay quanh chủ đề chính là với loại công tơ một pha thì trăn trộm điện như thế nào, công tơ hai pha ăn trộm điện ra sao…

Nguyên nhân nào khiến tình trạng ăn trộm điện năng chưa hạ nhiệt?

Câu trả lời thích đáng nhất được bàn đến ở đây là do nhận thức của người dân, ý thức, trách nhiệm công dân kém. Họ nhìn thấy cái lợi ích trước mắt là giá thành điện năng tăng, nhu cầu sử dụng của họ thì ngày một nhiều, tâm lý chung của họ là muốn dùng thoải mái nhưng lại không muốn  chi trả cho sự quá đà của mình hay nói cách khác là muốn “dùng nhiều mà trả ít”, muốn được “dùng chùa”. Nhưng bản thân họ không hề nhìn thấy cái tác hại, sự nguy hiểm mà “vấn nạn trộm cắp điện”  xảy ra khi họ chỉ vô tình sơ ý. Thực tế, đã có nhiều trường hợp tai nạn điện dẫn đến chết người mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc trộm cắp điện. Phải chăng cái giá đó là quá đắt cho bản tính thiển cận của họ.

Hành vi trộm cắp điện không chỉ gây khó khăn trong quản lý, kiểm soát tổn thất điện năng, thất thoát về tài chính, mất công bằng trong sử dụng điện mà còn gây mất trật tự an toàn xã hội.

Theo quy định mới tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 của Chính phủ, hành vi trộm cắp điện ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo luật sư Đặng Văn Tiến, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Đối chiếu theo các điều khoản quy định xử lý tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 của Chính phủ thì đối tượng vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ điện năng khi sai phạm sẽ bị xử lý hành chính. Cùng với đó, một trong những điểm đáng lưu ý là việc, khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2 triệu đồng trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, tổ chức, cá nhân khi phát hiện những hành vi sai phạm thuộc một trong số những hành vi nêu trên thì hoàn toàn có thể trình báo cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật” phân tích thêm.

Thiết nghĩ để phòng, chống nạn trộm cắp điện, điều quan trọng là cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra sử dụng điện. Đặc biệt cần phải có sự tham gia, vào cuộc và phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và ngành Điện trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý kiên quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Mỗi khách hàng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ quy định pháp luật trong sử dụng điện, bảo đảm sử dụng điện hiệu quả, an toàn và tiết kiệm. Hãy tiết kiệm điện đúng cách “tiết kiệm điện hôm nay, thắp sáng ngày mai”.

Tác giả: Hoàng Phượng
Tin liên quan