EVN đạt 01 giải Nhất và 02 giải Ba tại cuộc thi sáng kiến vì cộng đồng lần thứ III

Lễ trao giải cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng lần thứ III" được Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức tối 26/12 tại Hà Nội. 


Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành (đứng giữa) chúc mừng các nhóm tác giả của EVN đạt giải cuộc thi lần thứ III.
 

Sau hơn một năm phát động, cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng lần thứ III"nhận được 400 hồ sơ sáng kiến thuộc lĩnh vực giáo dục, khoa học ứng dụng, môi trường, nông nghiệp, văn hóa xã hội, giao thông, kinh tế, y tế. Cuộc thi được tổ chức hai năm một lần, với mục tiêu tìm ra những sáng kiến, ý tưởng, những dự án sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề cộng đồng, xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương, đóng góp vào sự phát triển bễn vững chung của đất nước.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 03 sáng kiến được vinh danh, trong đó có 1 giải Nhất và 2 giải Ba.

* Giải Nhất là sáng kiến "Nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động lưới điệnu phân phối thông minh thành phố Đà Nẵng" do các tác giả ThS Võ Văn Phương, ThS Lê Văn Phú, ThS Lê Hoài Sơn và kỹ sư Nguyễn Hoàng Nhân.

Công trình nghiên cứu giải pháp kỹ thuật công nghệ, giải pháp tổ chức để xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện, với chức năng chính là tự động xác định vùng sự cố hư hỏng trên lưới điện, tự động cô lập vùng lưới điện bị sự cố và tự động khôi phục cung cấp điện cho khách hàng. Công trình đã được triển khai áp dụng thành công ở PC Đà Nẵng. Khi có sự cố xảy ra trên lưới điện phân phối thành phố Đà Nẵng, hệ thống sẽ được kích hoạt và tự động hóa hoàn toàn, không cần sự can thiệp của nhân viên vận hành lưới điện. Hệ thống tự động hóa sẽ tự động tính toán, phân tích và xác định vùng lưới điện bị sự cố, tự động gửi tín hiệu đi điều khiển các thiết bị đóng cắt trên lưới điện để cô lập vùng lưới điện này.

Là tác giả của công trình đạt giải Nhất với hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối thông minh, anh Lê Văn Phú, cho biết "Hệ thống tự động hóa tự động tính toán, phân tích và xác định vùng lưới điện bị sự cố, tự động gửi tín hiệu đi điều khiển các thiết bị đóng cắt trên lưới điện để cô lập vùng lưới điện này. Từ khi có hệ thống này, người dân chỉ bị mất điện trong thời gian 11 giây – 22 giây, trong khi thời gian khắc phục trước đây chưa triển khai hệ thống mất tới 30 phút – 45 phút", anh Phú nói và cho biết hiện hệ thống đã được triển khai tại Đà Nẵng, mục tiêu sẽ nhân rộng tại các tỉnh miền Trung, các khu vực thường xuyên xảy ra sự cố điện do thiên tai.

Trước đó, “Nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động lưới điện phân phối thông minh thành phố Đà Nẵng” cũng là công trình đã được vinh danh tại Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020, dịp tháng 8/2020.

* Sáng kiến “Ứng dụng hệ thống SCADA nhằm tối ưu hoá công tác quản lý vận hành lưới điện trên nền bản đồ địa lý” của nhóm tác giả Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đạt giải Ba. Sáng kiến này xây dựng sơ đồ lưới điện thành phố Đà Nẵng trên nền bản đồ địa lý Google Earth, tích hợp Google Earth vào phần mềm SCADA tại Trung tâm điều khiển Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng; Nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện, nâng cao năng suất lao động, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện tới khách hàng… Đồng thời cho phép xác định khu vực mất điện ngay trên màn hình SCADA khi có công tác, sự cố đồng thời xác định vị trí của tổ trực thao tác lưu động thông qua hệ thống định vị GPS để có phương án điều động nhân lực phù hợp nhất. Việc quản lý lưới điện trên nền bản đồ địa lý đã mang đến cho điều độ viên cái nhìn trực quan hơn khi vận hành, rút ngắn thời gian tìm kiếm và xử lý thông tin, giúp ra quyết định điều khiển nhanh chóng và chuẩn xác. Giải pháp cũng hỗ trợ những nhân viên không chuyên trách về lưới điện có cái nhìn tổng quan về lưới điện trên nền bản đồ địa lý, dễ dàng nắm bắt lưới điện khi có nhu cầu nắm bắt thông tin.

* Công ty Điện lực Hưng Yên cũng đạt 1 giải Ba với sáng kiến “Nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”. Sáng kiến này nhằm chuẩn hoá thông tin khách hàng và đồng bộ giữa phần mềm quản lý - thực tế lưới điện - hồ sơ kỹ thuật. Dữ liệu được khai thác phục vụ công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành, quản lý kinh doanh một cách thuận tiện và chính xác. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất đến cho khách hàng trong việc kết nối, trao đổi với đơn vị Điện lực và chủ động trong giám sát, theo dõi sử dụng điện. 

Từ các thông tin được chuẩn hóa, khách hàng được gắn chính xác theo từng lộ, từng đoạn đường dây giúp cho việc thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện triển khai an toàn, chính xác, chi tiết, hạn chế phạm vi mất điện, thuận lợi cho việc gửi thông báo tới khách hàng qua SMS, Zalo, thư điện tử đồng bộ với phạm vi mất điện, không còn tình trạng thông báo nhầm, thông báo thiếu. Việc chuẩn hóa thông tin khách hàng và xây dựng được các phần mềm ứng dụng dữ liệu thông tin khách hàng (tiêu biểu là chương trình tra cứu thông tin khách hàng, đo xa trên thiết bị di động), giúp giảm được thời gian công sức cho công nhân trực tiếp. Ước tính, giá trị làm lợi khi áp dụng đề án chuẩn hóa và phần mềm tra cứu này là gần 650 triệu đồng/năm.

Nguồn:Theo Icon.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan