Công ty Truyền tải điện 1 – Dấu ấn 40 năm phát triển với sức mạnh và niềm tin vững bước đi lên

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, trong hoàn cảnh đất nước khi ấy còn khó khăn và thiếu thốn, đội ngũ CBCNV Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) đã thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ của mình, khắc phục khó khăn, đảm bảo quản lý vận hành an toàn, liên tục trong điều kiện lưới điện cũ kỹ, thiếu tin cậy. Sau 40 năm, cùng với nhiều đổi thay của đất nước, lưới Truyền tải do Công ty quản lý đã không ngừng phát triển, vươn sâu, vươn xa đến hầu hết các khu vực.

Bề dày lịch sử truyền thống

Cách đây 40 năm về trước, lúc 0h ngày 1/5/1981, Công ty Truyền tải điện 1 (Mà tiền thân là Sở Truyền tải – Công ty Điện lực 1) được thành lập, có trụ sở đầu tiên được tại số nhà 53 Lương Văn Can. Khi mới được thành lập, Công ty được giao tiếp quản 7 trạm 110kV với 11 máy biến áp, tổng dung lượng là 261 MVA và 145 km đường dây 110 kV xung quanh khu vực Hà Nội – Hà Tây. Hiện nay, khối lượng tài sản mà công ty đang quản lý vận hành 2.970,99 km đường dây 500kV, 7.228,51 km đường dây 220kV, 14 trạm biến áp 500kV, 58 trạm biến áp 220kV. Tổng công suất trên 45.300 MVA (trong đó dung lượng máy biến áp 500kV là 15.000 MVA, dung lượng máy biến áp 220kV là trên 24.375 MVA, dung lượng máy biến áp 110kV là 1.491 MVA)..

Có thể nói, Công ty Truyền tải điện 1 là một trong những đơn vị hoạt động chuyên ngành truyền tải điện đầu tiên của Việt Nam. Ban đầu khi cơ sở vật chất thiếu thốn, với vài chục m2 nhà xưởng lợp tôn, phương tiện dụng cụ nghèo nàn với bộ khung cán bộ trên dưới chục người cùng gần 200 CBCN từ các đơn vị Điện lực 1, Điện lực Hà Nội, Xây lắp điện… đã chung lưng đấu cật bắt tay ngay vào việc biên soạn các quy trình, quy phạm quản lý kỹ thuật song song với chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo con người… nhằm đáp ứng công việc.

Ngay sau ngày thành lập, PTC1 đã phải đốt đuốc trong đêm để kiểm tra, dò tìm sự cố, rồi hàng loạt thử thách như thay sứ khoảng vượt sông Hồng (Khoảng vượt lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ với cột cao 156m), kéo dây vượt sông Cấm, xây lắp trạm Yên Phụ, PK1, Thủy Nguyên… Giờ đây, những công việc nói trên trở nên quá đỗi bình thường nhưng ngày đó, đội ngũ của PTC1 với hai bàn tay trắng lại chưa hề có kinh nghiệm phải mày mò, nghiên cứu chế tạo từng chiếc gông thay sứ, từng chiếc hàm ép để thi công tại hiện trường, thì vô cùng khó khăn gian khổ. Giải quyết được những công việc khó khăn lớn như thế là bằng chứng hùng hồn về sức sáng tạo, bản lĩnh, độ vững vàng của đội ngũ cán bộ công nhân Công ty ngay trong những ngày đầu thành lập.

Tiếp đến những năm 90 của thế kỷ XX, với ưu thế vượt trội về năng lực và tinh thần trách nhiệm, Công ty Truyền tải điện 1 là đơn vị chủ chốt của điện lực miền Bắc, đi đầu và có những đóng góp quan trọng trong việc xây lắp, thí nghiệm, hiệu chỉnh các TBA 110kV ở các tỉnh miền núi như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái.. và đặc biệt là đưa điện lưới quốc gia vào các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng. Vào thời điểm đó, Liên Xô cũ tan rã, nguồn thiết bị viện trợ không còn, CBCNV Công ty đã phải dày công nghiên cứu, vừa thiết kế vừa gia công chế tạo hơn 300 tủ bảng và điều khiển bằng việc khai thác các thiết bị lẻ trên thị trường và thiết bị tận dụng để lắp đặt các tủ bảng hợp bộ, có thể nói bước chân của người thợ Truyền tải điện 1 đã len lỏi đến vùng sâu, vùng xa, trở thành cú hích quyết định cho nền công nghiệp địa phương vốn còn nhỏ bé và kém phát triển. Cũng chính những bước chân đó đã góp phần làm tươi mới những cánh đồng khô hạn miền Trung và cải thiện đời sống, sinh hoạt của đồng bào vùng khó khăn.

Tuyến đường dây 500kV Lai Châu - Sơn La

Ngày 5/4/1992 công trình đường dây 500kV lịch sử được khởi công xây dựng. Những người làm công tác tuyền tải điện cũng háo hức khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện để tiếp nhận đưa công trình vào vận hành. Hàng trăm CBCNV của Công ty được tuyển chọn đi đào tạo ở trong và ngoài nước. Nhiều trang thiết bị và phương tiện hiện đại được mua sắm. Nhà xưởng được xây dựng thêm. Ngày 27/5/1994 đường dây 500 kV chính thức hòa lưới, hệ thống điện toàn quốc được thống nhất. Trong quá trình chuẩn bị sản xuất, Công ty được Bộ Năng Lượng tin tưởng giao nhiệm vụ biên soạn hệ thống quy trình, quy phạm quản lý, vận hành chung cho toàn quốc. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề vì đường dây 500kV lần đầu tiên được xây dựng và đưa vào vận hành ở Việt Nam. Các nhà khoa học và quản lý còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Tuy thế, toàn bộ kỹ sư, chuyên viên và những công nhân dày dạn kinh nghiệm của Công ty đã gồng mình nghiên cứu, chắt lọc từ hàng ngàn trang tài liệu bằng tiếng nước ngoài, so sánh, đối chiếu với điều kiện cụ thể của Việt Nam và cuối cùng đã hoàn thành xuất sắc công việc đầy khó khăn này.

Bước chuyển mình về chất lượng

Giai đoạn những năm 1997 - 2001, đánh dấu một bước chuyển mình về chất khi lưới điện Công ty đã khá phát triển, nhiều thiết bị cũ được thay thế để đảm bảo điều kiện duy trì cấp điện. Đặc biệt, các thiết bị đến từ các nước Châu Âu tiên tiến với những công nghệ hoàn toàn mới. Đây là yêu cầu khó khăn đối với các đơn vị xây lắp chuyên ngành. Được sự tin tưởng của EVN, Công ty Truyền tải điện 1 đã chủ động dịch thuật tài liệu, phối hợp với các chuyên gia để thay thế hàng loạt thiết bị chính; đã nâng công suất gấp đôi, gấp ba trong thời gian ngắn, đảm bảo chất lượng công trình sau khi đưa vào vận hành tại các TBA 220kV Hà Đông, Chèm, Mai Động, Đồng Hòa, Thanh Hóa, Ninh Bình, Vinh Nghệ An, Thái Nguyên.

Đặc biệt, hàng chục ngàn tấn thiết bị siêu trường, siêu trọng đã được lắp đặt chủ yếu vào ban đêm nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới việc cấp điện cho khách hàng khu vực Thủ đô, các Thành phố và trung tâm phụ tải khu vực phía Bắc.

Các sự kiện nêu trên đã phản ánh bước tiến dài về khả năng rút ngắn khoảng cách trong làm chủ công nghệ so với các nước tiến tiến hàng đầu trên Thế giới. Đồng thời cũng tự khẳng định năng lực tổ chức quản lý các hoạt động sản xuất gắn kết đồng thời các yếu tố vận hành - kỹ thuật - kinh tế của Công ty. Theo đúng tư tưởng của Ban lãnh đạo Công ty thời kỳ đó: "Muốn tổ chức tốt công tác vận hành, phải có năng lực sửa chữa, thi công tốt. Quản lý tốt phải thể hiện được sự đồng bộ, hiệu quả giữa lĩnh vực kỹ thuật và lĩnh vực kinh tế”.

Từ năm 2001 tới nay, sau một loạt thành công trong hoạt động xây lắp, Công ty đã được giao và cũng đã khẳng định năng lực trong hoạt động Quản lý dự án.  Trạm cắt 220 kV Nho Quan, với tổng mức đầu tư lên tới 165 tỷ đồng là dự án đầu tiên được Công ty tổ chức quản lý, điều hành và đóng điện trong 08 tháng, đó là khoảng thời gian rất ngắn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và chặt chẽ về thủ tục pháp lý. Điều này là cơ sở để Công ty tiếp tục được giao và hoàn thành tốt hàng trăm dự án quan trọng và phức tạp khác sau này.

Công nhân Công ty Truyền tải Điện 1 vận hành tại trạm biến áp 500kV Sơn La

Nhờ những nỗ lực đó, suốt 40 năm qua, khi còn là đơn vị trực thuộc Điện lực miền Bắc cũng như khi trở thành thành viên trong đại gia đình Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, Truyền tải điện 1 luôn là một trong những người đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, là lực lượng nòng cốt, xung kích có thể và sẵn sàng ứng cứu các đơn vị bạn theo sự phân công của cấp trên. Cũng nhờ những cố gắng như vậy mà suốt 40 năm qua, Công ty liên tục tiến bộ.

Sản xuất tăng trưởng trung bình 13 -15%, sản lượng 2020 đạt 89,360 tỷ kWh gấp gần hai chục lần so năm 1995, bằng gần 300% so với năm 2009; lưới truyền tải điện ngày càng có độ tin cậy cao, suất sự cố giảm mạnh, tỷ lệ tổn thất luôn dưới mức cho phép, năm 2020 đạt 2,15%.  Bảo đảm an toàn cho con người và thiết bị. Đời sống việc làm của người lao động không ngừng được cải thiện. Ban lãnh đạo Công ty, cán bộ quản lý các cấp có trình độ, đạo đức và nghị lực. Cơ cấu tổ chức và hệ thống quản lý nội bộ rõ ràng. Sáng tạo trong lao động, mạnh dạn triển khai ứng dụng công nghệ. Có lực lượng lao động có chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm và ý thức trách nhiệm cao. Tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên của Công ty trên dưới đoàn kết một lòng xây dựng Công ty phát triển dựa trên chiến lược phát triển chung của Tổng công ty và Văn hóa EVNNPT.

TTĐ Hòa Bình sử dụng Flycam kiểm tra đường dây trên tuyến 500 kV Bắc - Nam

Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ CNCNV Công ty đã phấn đấu không mệt mỏi vì sự an toàn, ổn định, liên tục của dòng điện Quốc gia, đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 40 trôi năm qua, góp phần trong sự đổi thay kỳ diệu của đất nước, lưới truyền tải do Công ty quản lý đã không ngừng phát triển, vươn sâu, vươn xa trên tất cả tỉnh thành khu vực miền Bắc.

Ghi nhận những thành tích đó, CBCNV Công ty đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất (năm 1995); Huân chương độc lập hạng 3 (năm 2001); Huân chương độc lập hạng nhất (năm 2015);  danh hiệu Anh hùng lao động cho tập thể trạm biến áp 220kV Đồng Hòa (nay là Truyền tải điện Đông Bắc 2, 2001); danh hiệu Anh hùng lao động cho cá nhân đồng chí Đậu Đức Khởi, nguyên Giám đốc Công ty (2001); danh hiệu anh hùng lao động cho tập thể CBCNV Công ty (2005) và hàng chục Huân chương lao động hạng nhì, hạng ba; nhiều cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ và hàng trăm bằng khen các loại của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, các Bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương nơi có lưới truyền tải điện đi qua cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bắt kịp xu hướng phát triển chuyển đổi số

Hiện Công ty đã trang bị hệ thống giám sát, điều khiển từ xa cho các trạm biến áp. Đã trang bị nhiều hệ thống công nghệ phục vụ vận hành, sản xuất như hệ thống quan trắc sét, giám sát dầu online, hệ thống đo đếm xa để các hoạt động sản xuất khoa học, hiện đại hơn. Trang bị hàng chục hệ thống công nghệ thông tin quản lý lao động, tài chính. Việc triển khai sớm các hệ thống công nghệ thông tin này phản ánh tư duy áp dụng triển khai cách mạng công nghệ 4.0 từ rất sớm trong EVN, EVNNPT và PTC1. Các dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản trị được linh hoạt và hiệu quả hơn.

Để triển khai kế hoạch chuyển đổi số của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) trong giai đoạn tiếp theo, ông Nguyễn Phúc An, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) chia sẻ: Tổng công ty cần trang bị, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu có sẵn tự động như: phân tích dữ liệu giám sát dầu online, dữ liệu đo xa, định vị sự cố tích hợp báo cáo sự cố tự động, hệ thống camera giám sát an toàn hiện trường…

Cùng với đó, việc thí điểm nhận diện khuôn mặt tích hợp theo dõi nhật kí vận hành và đội công tác; tiếp tục ứng dụng kiểm tra thiết bị bay không người lái bằng UAV, giám sát hành lang tuyến đường dây bằng camera cố định tại các vị trí giao chéo với đường quốc lộ, khu vực đông dân cư; sớm triển khai Áp dụng Quản lý vận hành lưới truyền tải điện trên nền tảng bản đồ địa lý GIS... cũng được PTC1 đề xuất.

Mặt khác, Công ty đang đẩy mạnh ứng dụng các thiết bị Internet vạn vật (IoT) trong giám sát đường dây với một số tuyến đường dây có khoảng cột dài.

Về các ứng dụng số trong đầu tư xây dựng và quản trị doanh nghiệp, Công ty Truyền tải điện 1 sẽ hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng trạm biến áp (TBA) không người trực và Tổ thao tác lưu động PTC1, nâng cấp hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ chuyển đổi số. Đồng thời kiến nghị EVNNPT nâng cấp, bổ sung thiết bị điều khiển đa điểm MCU và trang bị hệ thống hội nghị truyền hình cho các Tổ thao tác lưu động, TBA, đội truyền tải điện; nâng cấp hệ thống truyền hình điều hành trực tuyến kết nối giữa PTC1, truyền tải điện khu vực, TBA và các đội truyền tải điện.

Bốn mươi năm đã đi qua, trong ký ức các thế hệ người lao động Truyền tải điện 1 vẫn nguyên vẹn những kỷ niệm của một thời gian khổ, gần như từ hai bàn tay trắng, đã xây đắp nên Công ty lớn mạnh ngày nay. Vẫn còn đó hình ảnh người công nhân đường dây với trang thiết bị hết sức thô sơ, đốt đuốc, thắp đèn dầu lặn lội trong đêm đi tìm và xử lý sự cố hàng ngày…Bằng tinh thần đoàn kết, khơi dậy và phát huy nội lực, động viên tính chủ động sáng tạo, vươn lên làm chủ kỹ thuật mới… Mỗi CBCNV Công ty có quyền tự hào về những thành tích đạt được trong quá trình xây dựng và trưởng thành để từ đó đưa Công ty Truyền tải điện 1 ngày càng phát triển bền vững.

Quốc Chiêu

Tác giả: Quốc Chiêu - Điện và Đời sống
Tin liên quan