Nâng cao khả năng truyền tải cho các dự án điện mặt trời tại Kon Tum

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) vừa thực hiện Dự án Nâng cao khả năng truyền tải đường dây 110kV Đăk Hà - trạm biến áp 220kV Kon Tum.

Dự án có tổng kinh phí khoảng 68 tỷ đồng từ các nguồn vốn vay thương mại và vốn đối ứng của EVNCPC.

 

Dự án có tổng kinh phí khoảng 68 tỷ đồng từ các nguồn vốn vay thương mại và vốn đối ứng của EVNCPC. Ảnh minh họa: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Để đáp ứng nhu cầu giải tỏa công suất cho các nguồn năng lượng tái tạo và tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực phía Bắc tỉnh Kon Tum, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) vừa thực hiện Dự án Nâng cao khả năng truyền tải đường dây 110kV Đăk Hà - trạm biến áp 220kV Kon Tum.

Theo đó, đường dây 110 kV Đăk Hà – trạm biến áp 20 kV Kon Tum là tuyến năng lượng huyết mạch, cung cấp và tải điện cho các huyện phía Bắc tỉnh Kon Tum như Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei.

Tuy nhiên, với tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời nên Kon Tum đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.

Điều này dẫn đến khả năng mang tải của đường dây không đủ giải tỏa công suất, thường xuyên thực hiện tiết giảm, gây thiệt hại cho các chủ đầu tư và ảnh hưởng đến kinh tế địa phương.

Dự án Nâng cao khả năng truyền tải đường dây 110 kV Đăk Hà - trạm biến áp 220 kV Kon Tum được Công ty Điện lực Kon Tum khởi công vào tháng 3/2020, với quy mô xây dựng mới đường dây mạch kép từ trạm biến áp 220 kV Kon Tum đến trạm biến áp 110 kV Đăk Hà, chiều dài hơn 14 km được xây mới, thay thế toàn bộ tuyến đường dây cũ không đủ công suất bằng cột thép mạ kẽm, sử dụng dây dẫn ACSR-300/39 và đấu nối đường dây 110 kV mạch kép hiện đại.

Hiện, dự án đã hoàn thành và được Công ty Điện lực Kon Tum đóng điện, đưa vào sử dụng trong tháng 3/2021. Việc hoàn thành đưa vào sử dụng dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng ở khu vực các huyện phía Bắc tỉnh Kon Tum.

Gia đình ông Hoàng Danh Chuyền (thôn 1, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) hiện sử dụng 1 trạm biến áp để thực hiện canh tác trên 17 ha trồng cà phê, cây ăn quả và ao nuôi cá.

“Khi chưa nâng cấp đường dây, dòng điện thường xuyên xảy ra tình trạng chập chờn, đôi khi bị mất điện nên rất khó để gia đình chuyên tâm sản xuất. Giờ đây, đường dây điện được nâng cấp đã giúp nguồn điện ổn định nên việc tưới tiêu bằng máy bơm điện đã thuận lợi và tiết kiệm hơn.”, ông Hoàng Danh Chuyền chia sẻ.

Vào tháng 6/2020, Công ty cổ phần Đầu tư điện Ngọc Wang đã đầu tư xây dựng công trình điện mặt trời áp mái trên diện tích hơn 8.000 m2, tại huyện Đăk Hà, với tổng mức đầu tư là 15 tỷ đồng/MW.

Tuy nhiên, khả năng mang tải của đường dây 110 kV Đăk Hà có nhiều hạn chế nên doanh thu của Công ty chỉ đạt 180 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư điện Ngọc Wang chia sẻ, khi tuyến đường dây 110 kV Đăk Hà được đầu tư, nâng cấp, hệ thống điện được truyền tải lên đã thông suốt, không xảy ra tình trạng quá tải; từ đó, giúp doanh thu của Công ty đạt hơn 300 triệu đồng/tháng.

Thông qua Dự án nâng cao khả năng mang tải đường dây 110 kV Đăk Hà - trạm biến áp 220 kV Kon Tum gần 20 nhà máy thuỷ điện nhỏ, vừa và hơn 80 dự án điện mặt trời áp mái sử dụng đường dây đã được đảm bảo cấp điện và truyền tải công suất lên hệ thống điện quốc gia.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum Nguyễn Thanh Phương cho biết, Dự án đã giúp tăng cường an toàn trong vận hành, giải tỏa nguồn công suất cho các nhà máy thủy điện và điện mặt trời trong khu vực với công suất khoảng 240 MW; đồng thời, vừa có khả năng giải tỏa nguồn công suất quy hoạch phát triển điện khu vực trong thời gian tới, vừa đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng.

Nguồn:Theo: BNews Sao chép liên kết
Tin liên quan