• Đời sống - Xã hội
  • Tăng cường các giải pháp đảm bảo điện, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

    14:24, 28/04/2025

    Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện giao Bộ trưởng Bộ Công Thương “chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân”.

    Công tác giám sát vận hành và bảo dưỡng được tăng cường để đáp ứng cho mùa nắng nóng năm 2025 (Ảnh: Nguyên Long/Icon.com.vn)

    Thực hiện yêu cầu này, theo kế hoạch, ngày 28/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ chủ trì hội nghị công bố Điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII (theo hình thức trực tiếp và trực tuyến). Đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung các giải pháp cung ứng điện, từ ổn định vận hành hệ thống nguồn điện, lưới điện, đến sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. 

    Để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt mục tiêu tăng tưởng kinh tế từ 8% trở lên, dự báo tăng trưởng phụ tải điện cả năm 2025 phải đạt 12,2% so với năm 2024. Tính theo sản lượng điện thương phẩm ước khoảng 300,9 tỷ kWh (phương án dự phòng lên tới 305,6 tỷ kWh nhằm đáp ứng kịch bản tăng trưởng cao). Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống dự kiến đạt 54.510 MW (tăng 11,35% so với năm 2024 là 48.950MW). 

    Trong bối cảnh từ đầu năm đến nay vẫn chưa có nguồn điện lớn nào được hòa lưới, để kịp thời đáp ứng nhu cầu điện trong những tháng cao điểm năm 2025 (các tháng 5, 6, 7) và thời gian tới, đảm bảo không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương “tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã có trong quy hoạch, trong đó, khẩn trương đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Nhơn Trạch 3 vào vận hành trong tháng 6 năm 2025, NMNĐ Nhơn Trạch 4 vào vận hành trong tháng 8 năm 2025; hòa lưới Tổ máy số 1 dự án NMNĐ Quảng Trạch 1 vào trước ngày 02 tháng 9 năm 2025; đưa Tổ máy số 1 dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng vào vận hành trong tháng 8 năm 2025, Tổ máy 2 vận hành vào tháng 10 năm 2025”.

    Thực hiện nhiệm vụ “chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân”, rất nhiều giải pháp cấp bách đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các Cục, Vụ chức năng và các doanh nghiệp liên quan triển khai thực hiện, trên nguyên tắc “phải bảo đảm cung cấp an toàn tuyệt đối điện năng cho nền kinh tế đất nước, đặc biệt là những tháng mùa khô và những ngày lễ lớn của đất nước”.

    "Đối với tất cả các đơn vị đều có 3 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, là tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công thương về các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030; Các chỉ đạo của Bộ tại các quyết định phê duyệt kế hoạch cung ứng điện, kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia; Biểu đồ cung cấp than, kế hoạch cung cấp khí cho sản xuất điện năm 2025. Trọng tâm thứ hai, là các Tập đoàn, Tổng công ty và chủ đầu tư các nhà máy điện tăng cường phối hợp chặt chẽ với NSMO trong việc tính toán, cập nhật, công bố nhu cầu huy động điện, bảo đảm bám sát thực tế, bám sát được kịch bản và đủ thời gian để các chủ đầu tư các Nhà máy điện chuẩn bị đủ nguồn than, khí để phục vụ cho việc phát điện. Thứ ba, là tất cả các đơn vị đều phải lập kế hoạch rất cụ thể, có phân công kíp trực trong ngày lễ, và trong thời điểm nắng nóng cao điểm, để sẵn sàng xử lý, nếu có sự cố xảy ra".

    Về nhiệm vụ vận hành các nhà máy thủy điện theo chỉ đạo “Bảo đảm tích nước tối đa theo quy trình vận hành liên hồ chứa, phù hợp với tình hình dự báo khí tượng thủy văn để bảo đảm dự phòng và khả năng phát điện tối đa trong các tháng cao điểm” cũng như việc đảm bảo hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than/khí của EVN, ông Võ Quang Lâm - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết cụ thể về 3 nhóm giải pháp lớn.

    "Đối với các nhà máy nhiệt điện thì đảm bảo độ khả dụng của các nhà máy điện (kể cả than, khí, diesel); làm tốt công tác sửa chữa, bảo dưỡng theo trạng thái, căn cứ vào tình hình thực tế của các nhà máy điện lập ra các kịch bản để chuẩn bị vật tư, thiết bị dự phòng và có kế hoạch sửa chữa sớm, đặc biệt là bám sát kịch bản vận hành hệ thống điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Công ty vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) để lập kế hoạch vận hành theo tháng và theo tuần, đối với thời kỳ cao điểm thì sẽ bám sát kế hoạch vận hành theo ngày vì chu kỳ dự báo ngắn lại thì xác suất, độ chính xác sẽ cao hơn".

    Trong những năm gần đây, vào những thời gian cao điểm mùa khô, do tình hình hạn hán diễn biến bất thường, nhiều nhà máy thuỷ điện xuống dưới mực nước chết nên nguồn nhiệt điện than, khí, kể cả diezel được phát huy cao độ. Nhiều thời điểm nhiệt điện than được huy động rất cao, chiếm tới 60% tổng sản lượng toàn hệ thống (cao điểm mùa khô các tháng 5,6/2023-2024). Vì vậy, đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu (than, khí) cũng như vận hành an toàn, liên tục của các nhà máy nhiệt điện than là vô cùng quan trọng. 

    Thực tế tại một số nhà máy nhiệt điện than khu vực miền Bắc, kỹ sư Nguyễn Văn Linh - Trưởng ca vận hành Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (tổng công suất 600MW) và kỹ sư Bùi Ánh Dương - Trưởng ca vận hành nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh (tổng công suất 1.200MW) cho biết.

    "Công tác giám sát vận hành và bảo dưỡng được tăng cường để đáp ứng cho năm 2025 này. Công nghệ của Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn được đáp ứng của G7, là công nghệ hiện đại, dây chuyền tự động từ cung cấp nhiên liệu cho đến phát ra điện năng. Trong quá trình vận hành, phải đảm bảo được quản lý, vận hành tốt, không để xảy ra sự cố chủ quán cũng như hạn chế tối đa sự cố khách quan xảy ra; và tăng cường giám sát chất lượng than đầu vào và tăng cường hiệu chỉnh để đảm bảo cho chỉ tiêu điện năng tốt. Về chương trình phát điện mùa khô, lãnh đạo Công ty đã có kế hoạch rõ ràng, thông báo, triển khai cả một chương trình, phương án phát điện mùa khô. Căn cứ theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty, các phòng, ban phân xưởng, chúng tôi nghiêm chỉnh thực hiện theo quy trình, nhiệm vụ. Cụ thể là tăng cường giám sát, kiểm tra các thiết bị, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa sự cố tiềm ẩn hoặc những cái có nguy cơ ảnh hưởng đến thiết bị và xử lý khẩn trương, không chủ quan. Còn các cá nhân trong ca thì giám sát các vấn đề trên thị trường điện, giá cả thị trường điện và phối hợp với điều độ viên của hệ thống điện quốc gia để thực hiện phát điện tổ máy trong nhà máy".

    Cùng với tập trung đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án truyền tải, thực hiện các giải pháp cấp bách về truyền tải, mua điện từ nước ngoài, như dự án Đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên, các công trình đường dây 500kV Hải Phòng - Thái Bình, Than Uyên - Lào Cai đảm bảo hoàn thành trước ngày 02 tháng 9 năm 2025… Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương “chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo; hướng dẫn, khuyến khích sáng tạo trong thực hiện công tác tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao nhất”. 

    Ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Công Thương nhấn mạnh, "chúng tôi tăng cường giám sát công tác lập kế hoạch, công tác chuẩn bị nhiên liệu, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị điện để đảm bảo độ khả dụng của các nguồn điện, qua đó là tăng cường độ ổn định, độ dự phòng cho hệ thống điện, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm mùa khô. Các nguồn điện cũng đã tăng cường giám sát và đảm bảo độ sẵn sàng, độ tin cậy. Về phía khách hàng, doanh nghiệp sử dụng điện, chúng tôi cũng mong muốn làm tốt công tác truyền thông về tiết kiệm điện và quản lý nhu cầu phụ tải điện. Chúng tôi xin cảm ơn sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp sử dụng điện trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả".


    Nguyên Long (Theo Icon.com.vn)

    Share