
Ông Đỗ Văn Sáng, Trưởng phòng Tiết kiệm năng lượng Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội). Ảnh: Cấn Dũng
Triển khai đồng bộ
Thời gian qua, chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai rộng khắp tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, tạo nền tảng cho việc xây dựng một nền kinh tế sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng nhằm đáp ứng những mục tiêu phát triển mới của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Do đó, việc tiếp tục mở rộng phổ biến các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả được coi là ưu tiên hàng đầu tại các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trên cả nước.
Chia sẻ với phóng viên về những thành công của việc triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại thành phố Hà Nội, ông Đỗ Văn Sáng, Trưởng phòng Tiết kiệm năng lượng Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương thành phố Hà Nội) cho biết, thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thành phố Hà Nội.
Nhiệm vụ của Ban Chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thành phố Hà Nội là tổ chức thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố; Điều phối, hướng dẫn các Sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai Chương trình; Kiến nghị chính sách và áp dụng các biện pháp cần thiết để triển khai có hiệu quả Chương trình; phối hợp với các cơ quan chức năng đôn đốc việc kiểm tra công tác thực hiện Chương trình; Báo cáo định kỳ và theo yêu cầu của Chương trình.
Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 của chương trình là phấn đấu đưa Hà Nội đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5,0 đến 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng, giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 4,0%; 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng khai thác, sử dụng phương tiện theo hướng tiết kiệm năng lượng; 80% doanh nghiệp tại khu công nghiệp và 70% doanh nghiệp tại cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; đạt 330 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố được công nhận danh hiệu sử dụng năng lượng xanh.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng gửi văn bản đến các quận/huyện/thị xã, EVNHANOI và các cơ sở sử dụng năng lượng báo cáo tình hình sử dụng năng lượng và lập danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; đôn đốc các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện trách nhiệm theo quy định; tiếp nhận hồ sơ thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
Đồng thời, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực Công Thương của thành phố Hà Nội; tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 với 84 danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực Công Thương.
“Ngoài ra, hàng năm chúng tôi còn tổ chức đánh giá thực hiện kế hoạch và khen thưởng động viên cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhằm tạo phong trào triển khai tốt việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các đơn vị”, ông Đỗ Văn Sáng cho hay.
Cũng theo ông Đỗ Văn Sáng, Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã triển khai hiệu quả các sự kiện tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: Giờ Trái đất, Hội nghị cao điểm hè, Hội chợ triển lãm quốc tế "Công nghệ năng lượng - môi trường Hà Nội".
Tổ chức Hội nghị, hội thảo phổ biến kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn về quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình. Tuyên truyền ấn phẩm, sổ tay, cẩm nang, truyền hình, báo điện tử và các hoạt động tuyên truyền khác.
Đặc biệt, Sở cũng xây dựng Chương trình đánh giá, công nhận danh hiệu cơ sở sử dụng năng lượng xanh. Tính đến năm 2025, Chương trình đã hỗ trợ trên 500 đơn vị tham gia, công nhận danh hiệu cho 330 cơ sở sử dụng năng lượng xanh.
Những kết quả đáng ghi nhận
Ông Đỗ Văn Sáng cho biết, sau khi triển khai đồng bộ các hoạt động, kết quả sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố rất đáng mừng. Tổng năng lượng tiết kiệm giai đoạn 2021 - 2024 của toàn thành phố đạt 541,7 kTOE .
Sở Công Thương Hà Nội được Bộ Công Thương đánh giá là đơn vị đi đầu trong việc triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cả nước. Mô hình triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của thành phố Hà Nội đã trở thành mô hình điển hình và được nhiều địa phương nghiên cứu, học tập, áp dụng triển khai.
Ông Đỗ Văn Sáng nói thêm, kinh nghiệm để thành phố Hà Nội thành công trong việc triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là phải tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Trong quá trình thực hiện cần động viên, tìm kiếm sự hưởng ứng tham gia của doanh nghiệp; sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát từ Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội. Phải căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp: quảng bá hình ảnh, đổi mới trang thiết bị, công nhận cơ sở sử dụng năng lượng xanh…

Hoạt động tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thành phố Hà Nội triển khai mạnh trong thời gian qua. Ảnh minh hoạ
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ phải đúng, trúng mục tiêu đưa ra và phải có sự đánh giá lại sau khi kết thúc phần hỗ trợ, triển khai tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để các đơn vị khác biết và tham gia, bám sát QĐ 280/QĐ-TTg, xây dựng kế hoạch Chương trình dài hạn và hàng năm phù hợp với thực trạng và điều kiện đặc thù của các tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, nên hỗ trợ doanh nghiệp đồng bộ cả chiều rộng và chiều sâu như: Phổ biến tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến tài liệu kỹ thuật chuyên ngành; hỗ trợ kỹ thuật triển khai kiểm tra năng lượn, xây dựng mô hình quản lý năng lượng, áp dụng các phần mềm, công cụ tiên tiến.
“Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác nâng cao năng lực cho các Trung tâm thuộc Sở Công Thương địa phương để triển khai có hiệu quả chương trình.
Song song với đó, định kỳ hàng năm tổ chức hội nghị toàn quốc đánh giá trao đổi kinh nghiệm thực hiện chương trình giữa các Sở Công Thương, đơn vị sự nghiệp triển khai hoạt động công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thuộc các địa phương, tăng cường khả năng liên kết vùng, tăng hiệu quả tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp”, ông Đỗ Văn Sáng nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam đang bước vào một “thời đại năng lượng mới”, với yêu cầu, đối tượng sử dụng và cách thức vận hành năng lượng rất khác so với trước đây. Nhu cầu năng lượng sẽ tăng đột biến trong thời gian tới, không chỉ phục vụ cho tăng trưởng kinh tế thông thường, mà còn để đáp ứng các ngành công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đô thị thông minh… vốn đòi hỏi tiêu chuẩn cực kỳ nghiêm ngặt về hiệu suất và phát thải.
Theo icon.com.vn
Share