Vì sao chưa thể 'chia tay' nhiệt điện than?

Một số ý kiến lo ngại, việc tiếp tục phát triển các dự án điện than trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đang đi ngược với xu thế mới của khu vực và toàn cầu, góp phần gia tăng phát thải khí nhà kính. Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia đầu ngành khẳng định, nhiệt điện than là 'xương sống' của ngành điện ở Việt Nam. Do đó, phải giữ được mức độ ổn định chứ chưa thể 'đoạn tuyệt' với nhiệt điện than.

Đầu tháng 9, Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo Quy hoạch điện VIII cập nhật để lấy ý kiến các đơn vị, bộ, ngành. Theo dự thảo mới này, năng lượng tái tạo (NLTT) vẫn được ưu tiên phát triển song có điều chỉnh, một số nguồn điện NLTT sẽ giảm và điện than sẽ tăng thêm so với Tờ trình số 1682/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3 năm 2021 cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tại một số tọa đàm trực tuyến góp ý về Quy hoạch điện VIII được tổ chức vừa qua, có ý kiến cho rằng, tiếp tục phát triển các dự án điện than mới đến năm 2045 là trái với xu thế mới của khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, không nên "thắt chặt" NLTT.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ khuyến nghị, Việt Nam đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, nhưng dự thảo lại tăng công suất điện than và cắt giảm năng lượng xanh, NLTT. Đây là điều cần cân nhắc.

Ông Tuấn dẫn chứng, việc phát triển điện than cần nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, không nên nhìn dưới góc độ kỹ thuật hay kinh tế năng lượng. Đặc biệt, vừa qua, Nghị viện châu Âu đã biểu quyết, ủng hộ ý tưởng áp thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây là bước đi đầu tiên trong việc tạo lập một tiêu chuẩn kỹ thuật mới mà các nước xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu, trong đó có Việt Nam phải quan tâm.

"Do đó, nếu hàng hóa của chúng ta bị đối tác định giá lượng khí thải quá cao từ việc sử dụng nguồn năng lượng không thân thiện với môi trường, sẽ bị áp trần nhất định khi đưa hàng hóa đó vào châu Âu" - ông Tuấn phân tích.

Điện than vẫn còn giữ một vị trí quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện quốc gia

Những băn khoăn nêu trên rất chính xác. Vì tăng trưởng xanh là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước ta.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế tình hình sản xuất, cung ứng điện hiện nay, nhiều chuyên gia cũng nhận định, điện than vẫn là nguồn năng lượng rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam - đánh giá: "Quy hoạch điện VIII đã có điểm tích cực là cố gắng sửa chữa những điểm còn tồn tại ở Quy hoạch điện VII với những cải thiện đáng kể".

Mặc dù lo ngại việc tỷ trọng điện than tăng lên so với Tờ trình số 1682 có khả năng khiến nhiệt điện than gặp nhiều hạn chế về khả năng tiếp cận nguồn tài chính; giá than tăng mạnh cũng sẽ gây rủi ro trong tương lai. Tuy nhiên, ông Huân cho rằng, cũng không thể cắt giảm ngay điện than và phải có lộ trình giảm dần trong thời gian tới:

Chúng ta không nên có cái nhìn quá hà khắc về phát triển điện than. Đặc biệt, cần tìm cách tháo gỡ dựa trên sự cân đối về hệ thống điều độ, vận hành, nâng công suất mạng lưới hay các giải pháp về lưu trữ – ông Huân nêu quan điểm.

Đại diện của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cũng đánh giá: "Nhu cầu điện năng của nước ta đang rất cao, trong khi sắp tới năng lượng sạch, NLTT vẫn chưa thể đáp ứng được. Do đó, việc bỏ điện than phải có lộ trình, không thể bỏ ngay được vì sẽ gây ra thiếu điện. Phát triển năng lượng sạch cũng phải có lộ trình cho phù hợp, không thể đưa vào ồ ạt. Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh theo xu hướng giảm dần điện than và lấy NLTT thay thế".

Phù hợp xu hướng chuyển dịch năng lượng thế giới

Mặc dù nhiệt điện than đang mang lại những lo ngại, song theo các chuyên gia, việc phát triển nguồn năng lượng này ở mức độ hợp lý vẫn rất cần thiết trong bối cảnh nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng tăng cao. Điện than vẫn còn giữ một vị trí quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện, rất phù hợp với nền kinh tế Việt Nam, đồng thời đáp ứng nhu cầu điện giá rẻ, giúp tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định: Nhiệt điện than là “xương sống” của ngành điện ở Việt Nam, do đó, phải giữ được mức độ ổn định, và chúng ta không thể bỏ được". Ông Ngãi dẫn chứng, thế giới vẫn duy trì điện than như riêng Trung Quốc hiện có trên 700.000 MW, trong khi Việt Nam dự kiến chỉ có 40,7 GW thì điều đó không đáng lo ngại.

Ông Ngãi phân tích thêm, tỷ trọng điện NLTT (điện mặt trời, điện gió...) ngày càng lớn đang gây ra nhiều bất cập trong việc vận hành hệ thống điện, hiệu quả không cao. Dù nguồn phát từ NLTT có bùng nổ với khoảng 20.000 MW năm 2021, chiếm tỷ trọng công suất trên 30%, nhưng sản lượng điện phát chỉ chiếm 12% tổng sản lượng. Do đó, việc cung cấp điện các năm tới vẫn phải phụ thuộc vào các nguồn năng lượng sơ cấp truyền thống như thủy điện, điện than. Hơn nữa, nhiệt điện tăng lên bởi có những yếu tố về sự định hướng trong vận hành, đảm bảo an ninh năng lượng. Và đặc biệt, với nhiệt điện than, có thể sẽ an toàn hơn về hệ thống vận hành, rủi ro gần như rất ít.

Lý giải về việc Quy hoạch điện VIII vẫn quy hoạch các nhà máy điện than và sự thay đổi cơ cấu công suất nguồn điện, ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT thông tin (Bộ Công Thương) thông tin: Quy hoạch điện VIII hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới, các dự án nhiệt điện than hầu hết (trên 95%) là những dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ông Dũng cho biết thêm, về tổng nguồn nhiệt điện than của Quy hoạch điện VIII năm 2030 là 40,7 GW, thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh (55,3 GW năm 2030 tại kịch bản cơ sở). Như vậy, có khoảng gần 15 GW nguồn nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã bị loại bỏ, thay thế bằng nguồn điện khác.

Bên cạnh đó, về tỷ trọng, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2030 nhiệt điện than chiếm khoảng 42,7% cơ cấu công suất, trong khi theo Quy hoạch điện VIII chỉ khoảng 31% năm 2030 trong kịch bản cơ sở và 28% với kịch bản cao. Như vậy, tỷ trọng nhiệt điện than đã giảm rất nhiều, sau năm 2035 sẽ không phát triển thêm nữa.

Đối với tổng nguồn điện NLTT tại dự thảo Quy hoạch điện VIII theo phương án cơ sở và phương án cao năm 2030 là khoảng 11.820 MW điện gió (tăng gần 6.000 MW), trong khi nguồn điện mặt trời, gồm cả điện mặt trời mái nhà ở phương án cơ sở cũng tăng hơn 6.000 MW, và ở phương án cao tăng khoảng 10.000 MW so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Như vậy, Quy hoạch điện VIII so với quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhiệt điện than giảm khá nhiều, trong khi NLTT cũng tăng lên đáng kể. Điều đó cho thấy, Quy hoạch điện của chúng ta hoàn toàn phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng của khu vực và thế giới – ông Dũng khẳng định.

Còn nguyên nhân của việc điện than tăng lên 3.000 MW so với dự thảo trước, ông Dũng cho biết, theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ điện ở miền Bắc sẽ tăng nhanh. Miền Trung, nhu cầu điện thấp, nhưng có lợi thế rất lớn về tiềm năng năng lượng sơ cấp, nhất là năng lượng gió và mặt trời, nên trong dự thảo trước, dự kiến phát triển ở đây một số nguồn điện lớn nhằm cấp điện cho miền Bắc. Nếu vậy thì phải xây dựng thêm các đường dây truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc với tổng mức đầu tư lớn, điện năng truyền tải ở mức độ cao gây nhiều tổn thất. Do đó, miền Bắc cần chủ động xây dựng thêm các nguồn điện để đảm bảo cân đối nguồn – tải nội miền, hạn chế tối thiểu nhận điện từ miền Trung.

Khi đã phát triển nguồn điện cho miền Bắc đủ, công suất của miền Trung đẩy ra miền Bắc giảm, dẫn tới quy hoạch công suất nguồn điện NLTT ở miền Trung sẽ giảm. Điều này cũng đảm bảo yêu cầu rà soát của Chính phủ về đầu tư nguồn điện hợp lý, tránh đầu tư lãng phí, cân đối theo vùng miền, đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy.

Thực tế cho thấy, miền Bắc không có lợi thế về năng lượng mặt trời, năng lượng gió như miền Trung, tiềm năng thủy điện cơ bản đã khai thác hết. Vì vậy, chúng ta phải phát triển thêm nhiệt điện khí và than với cơ cấu hài hòa. 3.000 MW điện than tăng thêm so với dự thảo trước, là tăng ở miền Bắc và nhằm cung cấp đủ điện cho miền Bắc – ông Dũng nêu rõ.

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho biết, đối với vấn đề nhiên liệu, môi trường cũng đã được xem xét, và tính toán kỹ trong quy hoạch. Trong đó, về vấn đề môi trường, so sánh kết quả dự báo phát thải khí nhà kính của Quy hoạch điện VIII với kết quả dự báo trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của ngành sản xuất điện cho thấy tỷ lệ giảm phát thải CO2 đạt mức 10,44% vào năm 2030.

Đặc biệt, các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030 sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện và ràng buộc đặt ra, trong đó bắt buộc phải sử dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại như công nghệ siêu tới hạn trở lên, trang bị đầy đủ các thiết bị bảo vệ môi trường hiệu suất cao, giảm thiểu tối đa các phát thải ảnh hưởng tới môi trường.

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trừ một số nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than như Phả Lại 1 và Ninh Bình với công suất rất thấp, thì các NMĐT hiện nay đều hiện đại. Nhiều NMNĐ than được đầu tư công nghệ đốt than phun với thông số hơi cận tới hạn, siêu tới hạn... Việt Nam cũng đã ứng dụng thành công hệ thống điều khiển và tự động hóa các NMNĐ than.

Đặc biệt, các NMNĐ than được đầu tư công nghệ xử lý môi trường hiện đại, đạt hiệu quả cao như: Hệ thống ESP lọc bụi tĩnh điện, khử SOx, NOx…, đáp ứng các quy định theo tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam.

Nguồn:Theo Báo Công Thương Sao chép liên kết
Tin liên quan