Truyền tải điện Hoà Bình hoàn thành sửa chữa thay cách điện đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình

Với việc thực hiện thi công sửa chữa liên tục trong 72 giờ đồng hồ,  Truyền tải điện (TTĐ) Hòa Bình cùng Truyền tải điện Tây Bắc 2 thộc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1), thực hiện sửa chữa cắt điện đường dây 500 kV thuộc cung đoạn Focctic T500SL - 210 đường dây 580 Sơn La (T500SL) – 574 Hòa Bình (T500HB) để kiểm tra, thay thế chuỗi cách điện theo phương án thi công và biện pháp an toàn đã được duyệt.

Ông Phan Đông Minh, Phó giám đốc TTĐ Hòa Bình chủ trì họp phương án tổ chức sửa chữa thay cách điện đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình (Ảnh: Mạnh Hùng)

Tuyến đường dây 580 Sơn La (T500SL) – 574 Hòa Bình (T500HB) được đưa vào vận hành đến nay đã được 11 năm. Để đảm bảo vận hành an toàn cho tuyến đường dây quan trọng này, đơn vị đã tổ chức kiểm tra và chụp ảnh lại tất cả các chuỗi cách điện để xem xét có hiện tượng rách, rạn nứt, dọc thân cách điện có hiện tượng thủng, nứt vỏ, rách ăn sâu vào lõi, cách điện rạn nứt phần quanh khớp nối đầu cuối có bị rỉ, mòn, các hiện tượng bị phóng điện không. Qua đó đưa ra những biện pháp kịp thời xử lý tránh gây sự cố, đồng thời cũng là để lưu trữ tư liệu quản lý vận hành của đường dây.

Trong khoảng thời gian cắt điện thực hiện sửa chữa cắt điện đường dây 500 kV thuộc cung đoạn Focctic T500SL - 210 đường dây 580 Sơn La (T500SL) – 574 Hòa Bình (T500HB). Chúng tôi được biết, có gần 150 cán bộ, công nhân được PTC1 huy động đến từ các đơn vị truyền tải: Tây Bắc 2, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nội. Công trình được thi công từ ngày 9-11/10 và chỉ có 72 giờ cắt điện để cho công tác thi công.

Một khối lượng công việc rất lớn đã được chuẩn bị trước đó để công tác thi công được thông suốt, đảm bảo an toàn và đúng tiến độ. Gần 80 tấn thiết bị, phụ kiện và dụng cụ phục vụ cho công tác thi công đã được vận chuyển đến chân các vị trí cột. Trong đó, các đơn vị TTĐ đã phải huy động gần 100 lao động là người dân tại địa phương để cùng với công nhân gùi, vác, cõng hàng tấn thiết bị, phụ kiện trèo đèo, lội suối, băng rừng lên đến vị trí thi công.

Trong quá trình thực hiện thi công sửa chữa đường dây, các đơn vị tuyệt đối thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn đã được phê duyệt như: Thực hiện giám sát an toàn bằng hình ảnh; tiếp địa chống điện cảm ứng cả 3 pha tại tất cả các vị trí làm việc, đưa ra biển báo, tín hiệu cảnh báo nguy hiểm; trang bị phương tiện, kỹ thuật đầy đủ cho công nhân khi thực hiện nhiệm vụ….

Tuyến đường dây 580 Sơn La (T500SL) – 574 Hòa Bình (T500HB) đi chung cột với đường dây 500kV Sơn La – Nho Quan qua địa hình hiểm trở của huyện Mai Sơn, Yên Châu (Sơn La) có đồi núi cao và rừng già khu vực dốc thung khe nhiều vị trí cột rất xa và khó đi. Tại thời điểm thi công bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 7 nên thời tiết không thuận lợi, liên tục có mưa lớn, đồi núi cao, hiểm trở, địa hình trơn trượt, gây ảnh hưởng nhiều đến công việc thi công.

Thông báo và phân công các công việc cho công nhân phải thực hiện trước khi trèo lên cột tại vị trí 377 (Ảnh: Mạnh Hùng)

Ông Phan Đông Minh- Phó Giám đốc Truyền tải điện Hòa Bình - cho biết: Đường dây 500kV Sơn La- Hòa bình có ý nghĩa rất quan trọng trong hệ thống lưới điện quốc gia, đây là tuyến đường dây huyết mạch nhằm giải tỏa công suất cho Nhà máy Thủy điện Sơn La, phục vụ an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam. Sau 10 năm vận hành do đường dây chủ yếu đi qua vùng đồi núi cao, vượt thung lũng sâu, khí hậu khắc nghiệt, thay đổi bất thường theo mùa, mùa hè thì năng nóng nhiệt độ môi trường lên đến 39-40 độ C, mùa đông lại lạnh giá nhiệt độ môi trường xướng dưới 5 độ C. Do đó, cách điện Composite sau khi vận hành khoảng 10 năm đã xuất hiện các tán cách điện vật liệu Silicone bộc lộ lão hóa và có hiện tượng rách tán rạn, rêu bám dày đã làm suy giảm khả năng cách điện, đặc biệt tại tuyến đường dây 580 Sơn La (T500 SL) -574 Hòa Bình (T500 HB) có 73 vị trí phải sửa chữa thay thế trong đó 20 vị trí nằm ở Mai Châu của tỉnh Hòa Bình, còn lại 53 vị trí thuộc các địa bàn huyện Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ của tỉnh Sơn La.

Người công nhân phải treo mình trên độ cao 40-50m để thay thiết bị (Ảnh: Mạnh Hùng)

“Điều này là khó khăn không nhỏ cho công tác tổ chức thi công bởi công tác phòng chống dịch hiện nay ở mỗi tỉnh có những quy định khác nhau. Để vận chuyển gần 100 trăm tấn thiết bị, phụ kiện và di chuyển hơn 100 lao động tại các địa phương khác đến Hòa Bình và Sơn La thi công chúng tôi đã phải đảm bảo đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và của các địa phương có vị trí thi công đưa ra”, ông Phan Đông Minh chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, với công tác chuẩn bị chu đáo trước đó nhiều ngày, cùng với sự phân công tổ chức thi công rõ ràng, biện pháp an toàn đầy đủ cho từng nhóm công tác, và đặc biệt anh em CBCNV thi công trên tuyến còn nhận được sự quan tâm động viên, khích lệ kịp thời của cấp trên. Vì vậy việc sửa chữa đường dây chỉ diễn ra trong 72 giờ cắt điện chính thức, đơn vị đã hoàn thành kiểm tra tất cả các vị trí cột theo phương án, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và thiết bị, trả điện đúng giờ theo kế hoạch.

Tác giả: Quốc Chiêu
Nguồn:Điện và Đời sống Sao chép liên kết
Tin liên quan