Truyền tải điện Hà Nội: Áp dụng công nghệ Camera giám sát hành lang vào vận hành đường dây

Với mục đích nâng cao năng suất lao động và tăng cường chất lượng giám sát hệ thống lưới điện truyền tải cao áp, trong 03 ngày 15-18/8/2020 vừa qua, Truyền tải điện (TTĐ) Hà Nội thuộc Công ty truyền tải điện 1 (PTC1) - Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã triển khai dự án lắp đặt thử nghiệm camera trên cột để giám sát hành lang cung đoạn 32-38 đường dây 220 kV Tây Hà Nội - Chèm.

Dự án được thực hiện cho tuyến đường dây 220kV Tây Hà Nội- Chèm. Đây là đường dây mạch kép, gồm 2 cung đoạn đường dây từ VT 01B÷VT 44 thuộc công trình ĐZ 220kV rẽ nhánh TBA 220kV Tây Hà Nội và cung đoạn đường dây từ VT 13 ÷ VT 45 thuộc công trình ĐZ 220kV Hà Đông - Chèm, với chiều dài 26,858km. Toàn bộ tuyến ĐZ này cấp điện chủ yếu cho các phụ tải quan trọng phía Tây Hà Nội và tăng cường khả năng cung cấp điện ổn định cho hệ thống truyền tải điện thành phố Hà Nội và khu vực.

Vị trí cột 38 đường dây 220kV Tây Hà Nội - Chèm được lắp Camera giám sát

Theo đó, dự án sẽ gia công, lắp đặt 04 bộ camera tại 04 vị trí cột 32,34,36,38 trên tuyến đường dây. Đặc trưng của hệ thống camera là sử dụng điện năng lượng mặt trời, Công nghệ truyền tín hiệu RF (công nghệ vô tuyến) để truyền tín hiệu về phòng điểu khiển trung tâm, điện thoại của công nhân quản lý vận hành. Camera có thể quan sát được toàn bộ hành lang tuyến đến cột điện tiếp theo và có thể quay 360 độ, dù ban ngày ban đêm thì đều có thể nhìn rất rõ các hình ảnh, đảm bảo chuyên viên kỹ thuật hay công nhân vận hành đều có thể nhìn toàn bộ tuyến đường dây của mình. Ngoài ra các camera này cũng hoàn toàn có thể tháo dỡ di chuyển để lắp cho các vị trí mới một cách dẽ dàng nhằm đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình vận hành khi cần điều động.

 

Ông Đinh Thế Hùng - Phó Giám đốc Truyền tải điện Hà Nội cho biết- thực hiện Nghị quyết 488/NQ-HĐTV ngày 03/02/2016 của Hội đồng thành viên EVNNPT, trong đó Lãnh đạo EVNNPT đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới trong các hoạt động của EVNNPT. Dự án này được triển khai nhằm đảm bảo vận hành an toàn, phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động tiềm ẩn vi phạm hành lang lưới điện toàn bộ khu vực đường vành đai 3.5 đang thi công, sát hành lang đường 220kV Tây Hà Nội - Chèm.

Lắp đặt Camera giám sát tại VT Cột 38 đường dây 220kV Tây Hà Nội-Chèm

Theo đó, cung đoạn từ vị trí 32 đến vị trí 38 của tuyến đường dây 220 kV Tây Hà Nội- Chèm nằm trong dự án Xây dựng đường vành đai 3,5 đang gấp rút thi công trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức đang làm thủ tục hạ ngầm đường dây 220kV với EVNNPT và thi công nền đường bên trái để làm hào cáp ngầm 220kV, bên phải ngoài hành lang. Việc lắp camera giám sát giúp đảm bảo công tác quản lý vận hành tuyến đường dây này được an toàn, giảm tải sức lao động cho công nhân, nâng cao năng suất lao động khi mà tuyến đường dây được giám sát 24/24 giờ mỗi ngày.

Bộ Camera sau khi lắp đặt xong tại vị trí 38 đường dây 220kV Tây Hà Nội - Chèm

Cũng theo ông Đinh Thế Hùng, Camera giám sát không những giúp giảm thiểu công việc của người công nhân phải đi kiểm tra trực tiếp đường dây mà còn giúp giám sát được 24/24 giờ đường dây trên tuyến. Công nghệ này rất phù hợp đối với các tuyến đường dây đi qua các khu vực có địa hình phức tạp, khó khăn, các điểm thường xuyên sạt lở... Trong khi, các tuyến đường dây do Truyền tải điện Hà Nội quản lý thường đi qua các khu vực dân cư, các khu vực giao cắt với hệ thống giao thông, giao chéo với các đường dây trung thế.... nhất là nhiều tuyến đường giao thông của Hà Nội hiện nay đang được thi công trong và ngoài hành lang lưới điện rất nhiều. Toàn bộ hành lang tuyến con người không thể đi kiểm soát thường xuyên được thì camera giải quyết được vấn đề này ở mọi lúc mọi nơi. Cán bộ kỹ thuật/người công nhân chỉ cần có kết nối camera với điện thoại là có thể nắm tình hình của đường dây được mà không cần phải đi trên tuyến, những nguy cơ vi phạm hành lang đường dây truyền tải sẽ kịp thời được phát hiện và xử lý bất kể thời gian nào.

Qua đánh giá ưu điểm nổi bật của việc lắp đặt camera giám sát đã giúp cho người vận hành giám sát liên tục được hình ảnh các vị trí cột hay cung đoạn đường dây cần giám sát để giảm sức người. Camera giám sát cho chúng ta có được hình ảnh rõ nét để đánh giá chính xác tình trạng kỹ thuật, hiện trạng thực tế trong quá trình vận hành cũng như khi chịu tác động của ngoại cảnh. Ví dụ như giám sát hình ảnh móng cột có nguy cơ bị sạt lở; theo dõi giám sát hành lang đường dây; các khoảng cột nằm trong khu vực công trường đang thi công, thường xuyên có xe, phương tiện vận chuyển, máy qua lại khoảng giao chéo quan trọng như cảng, đường giao thông, khu đông dân cư, các khoảng cột... Để từ đó có phương án nâng cao chất lượng quản lý vận hành đường dây, sớm ngăn ngừa sự cố./.

Mạnh Hùng

Tác giả: Mạnh Hùng
Tin liên quan