Các hồ chứa thủy điện phía Bắc đang có tổng dung tích phòng lũ cao

Mặc dù đang trong mùa mưa bão, nhưng hiện nay lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên lưu vực sông Hồng đang rất thấp. Hiện tổng dung tích phòng lũ của các nhà máy thủy điện trên lưu vực gần 15 tỷ m3 nước.

Hồ thủy điện Hòa Bình đang cách mực nước dâng bình thường gần 18 mét, hiện đang có dung tích phòng lũ rất cao.

Thông tin trên vừa được Ban An toàn (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết.

Lượng nước thiếu hụt trong mùa mưa bão

Theo Ban An toàn (EVN), từ đầu năm đến nay, lượng nước về phần lớn các hồ trên lưu vực sông Hồng vẫn ở mức thấp. Những ngày đầu tháng 7 đã dần cải thiện, lưu lượng về có lớn hơn trước. Tuy nhiên, tính đến 9h ngày 21/7, mực nước tại đa số các hồ trên lưu vực sông Hồng ở mực thấp, trong đó, hồ Sơn La là 179,7/215 mét so với mực nước dâng bình thường, hồ Hòa Bình là 99,48/117 mét, hồ Lai Châu là 273/295, hồ Tuyên Quang là 93,3/120 mét, hồ Thác Bà là 48,4/58 mét. Tổng dung tích phòng lũ tính đến mực nước dâng bình thương khoảng 15 tỷ m3.

Để đảm bảo an toàn cho vận hành hồ chứa trong mùa mưa lũ, tại các nhà máy đều trang bị hệ thống camera giám sát xả nước, tín hiệu được truyền trực tiếp về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các đơn vị liên quan.

Các đơn vị đều trang bị thiết bị đo mực nước và lưu lượng qua tổ máy tự động, việc đo lưu lượng xả qua cửa xả tràn vẫn được tính toán kịp thời theo đặc tính độ mở cửa và mực nước thượng lưu. Ngoài ra, các đơn vị đã tổ chức xây dựng, lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo khu vực hạ du như loa phóng thanh, biển cảnh báo, còi hú. Trước mùa mưa lũ hàng năm, các đơn vị thực hiện kiểm tra bảo dưỡng hệ thống cảnh báo đảm bảo sẵn sàng hoạt động. 

Hiện tại Tập đoàn đang triển khai xây dựng đề án “Tối ưu hóa vận hành hồ chứa bậc thang thủy điện sông Đà và sông Gâm theo thời gian thực” trong đó dự kiến sẽ mua số liệu khí tượng thủy văn của 81 trạm đo mưa, 16 trạm thủy văn và 02 trạm rada đặt tại Mộc Châu, Sơn La và Mường Tè, Lai Châu để phục vụ vận hành tối ưu thời gian thực các hồ chứa trên các bậc thang này.

Theo Ban An toàn (EVN), theo dự báo, nguồn nước từ tháng 7-12/2020 trên các lưu vực sông tại Bắc Bộ thiếu hụt từ 20-40%, thiếu hụt nhiều trong các tháng 7-8. Như vậy, nguồn nước phục vụ cho phát điện, tưới tiêu khu vực này sẽ bị ảnh hưởng.

Các Quy trình vận hành liên hồ chứa ưu tiên mục tiêu cắt giảm lũ cho hạ du trong mùa mưa và đảm bảo nhu cầu nước hạ du trong mùa cạn. Chính vì vậy, mực nước trước lũ, đón lũ của các hồ chứa đều giảm so với Quy trình đơn hồ trước đây, đồng thời quy định thời gian tích nước thường muộn nên không tích được nước. Ngoài ra, trong thời kỳ mùa cạn các quy trình đưa ra các quy định rất chặt chẽ trong suốt cả thời kỳ thông qua yêu cầu vận hành phát điện hoặc xả nước (không qua phát điện) đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho hạ du.

Thực hiện các quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP, Thông tư số 09/2019/TT-BCT về quản lý an toàn đập, hồ chứa: Các đơn vị đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các quy định liên quan đến việc xây dựng, trình phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, phương án ứng phó thiên tai; quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; ...

Cần cho tích nước sớm để đảm bảo an ninh năng lượng, nguồn nước năm 2021

Để vận hành an toàn, hiệu quả, kinh tế các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Hồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trên cơ sở dự báo khí tượng thủy văn và tính toán lưu lượng về hồ, cho phép vận hành linh hoạt hồ chứa trên lưu vực sông để cắt từng cơn lũ đảm bảo an toàn cho công trình, an toàn cho hạ du và hiệu ích kinh tế cho phát điện.

Trên cơ sở dự báo khí tượng thủy văn, cho phép tích nước sớm để đảm bảo nguồn nước phòng chống hạn hán, bảo đảm an ninh năng lượng và đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt năm 2021.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng song song với việc triển khai thực hiện Đề án “Tối ưu hóa vận hành hồ chứa bậc thang thủy điện sông Đà và sông Gâm theo thời gian thực”.

Đề nghị BCH PCTT&TKCN các tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuỷ điện xử lý các vụ lấn chiếm, vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình đập, hồ chứa các thủy điện.

Ngoài ra, EVN cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và bàn giao đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến bản đồ ngập lụt các lưu vực sông Cả, sông Đồng Nai; cập nhật hiệu chỉnh các lưu vực khác như sông Hồng - Thái Bình để EVN triển khai xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Tác giả: Kim Thái
Nguồn:Icon.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan