Thủ tướng Võ Văn Kiệt với công trình tải điện 500 kV Bắc – Trung – Nam

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm vận hành Đường dây 500 kV Bắc - Nam (mạch 1), Tạp chí Điện và Đời sống xin được giới thiệu tới Quý độc giả bài viết "Thủ tướng Võ Văn Kiệt với Công trình tải điện 500 kV Bắc - Trung - Nam" do GS.VS.TSKH Trần Đình Long hồi tưởng và viết lại những ký ức khi được làm việc trực tiếp cùng Thủ tướng trong quá trình xây dựng và vận hành đường dây 500 kV mạch 1.

Công trình tải điện 500 kV Bắc – Trung – Nam là một mốc lịch sử quan trọng của sự phát triển ngành Điện lực Việt Nam, nó biểu hiện tầm nhìn chiến lược, quyết định đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trí sáng tạo, tinh thần quyết tâm lao động quên mình và trách nhiệm cao của đông đảo đội ngũ cán bộ phụ trách, kỹ sư và công nhân Việt Nam, trong đó phải nói đến vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ: Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ý tưởng xây dựng công trình này được hình thành trong bối cảnh kinh tế xã hội khá phức tạp, nước ta vừa bắt đầu công cuộc đổi mới, khó khăn chồng chất, ngành Điện lực phát triển không cân đối, miền Trung và miền Nam thiếu điện trầm trọng cho nhu cầu sản xuất và dân sinh.

 

Tôi còn nhớ đầu năm 1992, khi Tổng Bí thư Đỗ Mười và Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt đến thăm nhà, sau khi thăm hỏi tình hình gia đình và công việc, Tổng Bí thư nói: “Tôi vừa đi thăm Thành phó Hồ Chí Minh, tình hình cấp điện thật tồi tệ, mỗi tuần thành phố bị cắt điện 4 đến 5 ngày, gây tác động rất xấu không những về kinh tế, sinh hoạt mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xã hội và an ninh của thành phố. Miền Trung còn tồi tệ hơn, chủ yếu sống nhờ vào các máy điện đã cũ kỹ, trong khi đó ở Nhà máy Thủy điện Hòa Bình các tổ máy phát điện lớn lần lượt được đưa vào vận hành thừa điện phải xả nước thật là vô lý. Phải xây dựng công trình tải điện để đưa điện từ Hòa Bình vào miền Trung và miền Nam càng sớm càng tốt’.

Dự án đường dây xuyên Việt 500 kV đã gây rất nhiều tranh luận từ các cấp lãnh đạo Nhà nước, các chuyên gia kỹ thuật trong và ngoài nước đến dư luận xã hội vì những đặc thù có một không hai của nó.

Trước tiên về mặt kỹ thuật, đây là một công trình khó dưới góc độ truyền tải điện vì khoảng cách quá lớn, rất gần với chiều dài được các chuyên gia gọi là “một phần tư bước sóng” (1.500 km), một chiều dài, về lý thuyết, có thể gây ra rất nhiều khó khăn kỹ thuật trong thiết kế và vận hành đường dây như giới hạn ổn định và kéo theo nó là khả năng truyền tải thấp, khó giữ điện áp trong giới hạn cho phép, xác suất mất điện khá lớn vì đường dây mạch đơn, đi suốt chiều dài đất nước, nhiều đoạn qua những địa hình cực kỳ hiểm trở, điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt, mưa bão lũ lụt hàng năm.

Đoàn đại biểu EVN trực tiếp xây dựng và vận hành Đường dây 500 kV mạch 1 thắp hương tưởng niệm tại mộ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Về mặt xã hội, nhiều người băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả kinh tế của công trình do vốn đầu tư lớn, vật tư thiết bị đa phần nhập từ nước ngoài, thời gian dự kiến hoàn thành công trình quá ngắn so với kinh nghiệm thực tế của thế giới, mức độ an toàn của công trình nhìn từ góc độ xã hội có thể gây lo lắng vì nhiều vùng tình hình an ninh phức tạp, có nơi đường dây đi quá gần với biên giới các nước láng giềng….

Tất cả những khó khăn trên đây cùng với những kiến nghị về giải pháp khắc phục đã được báo cáo và phân tích chi tiết, đầy đủ với Thủ tướng: “Nhiệm vụ của cán bộ khoa học và kỹ thuật các anh là phải chứng minh và chịu trách nhiệm về tính khả thi của công trình, những việc khác như tiền nong, nhân lực, các vấn đề về xã hội, an ninh đã có Chính phủ lo”.

Chúng tôi tiếp nhận những lời lẽ ngắn gọn này như một chỉ thị giao phó trách nhiệm đối với dội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia vào việc nghiên cứu, thiết kế và thi công công trình và cũng rất phấn khởi, tin tưởng vào sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thực thi dự án quan trọng này.

Một lần, Thủ tướng bảo tôi: “Giới khoa học các anh, trong đó có cả một số chuyên gia Việt kiều, có nhiều ý kiến ngược nhau đối với đường dây này, bản thân nhà tôi cũng có nhiều băn khoăn về các vấn đề kỹ thuật, về tính hợp lý và khả thi của công trình. Lúc nào bố trí được thời gian mời anh đến thăm nhà và trao đổi để cô ấy hiểu rõ thêm”. Tôi thoáng nghĩ cũng là lẽ thường tình, trong câu chuyện gia đình đôi khi cũng xen lẫn những vấn đề xã hội, gia đình các nhà lãnh đạo quốc gia cũng vậy, chỉ khác là nhiều câu chuyện ở đây có thể liên quan đến công việc của cả nước.

Tôi được biết Phu nhân Thủ tướng Giáo sư Phan Lương Cầm, qua nhiều năm công tác tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Chị là chuyên gia khá quen biết, đã được tặng Giải thưởng Cô-va-lép-xkaia về hoạt động trong lĩnh vực Điện hóa và ăn mòn kính, một lĩnh vực có liên quan đến các vấn đề khoa học và công nghệ, đến tính khả thi và các chỉ tiêu kinh tế của công trình. Chị đặc biệt quan tâm đến vấn đề ăn mòn điện hóa các kết cấu kim loại của công trình với hơn 80.000 tấn sắt thép này, một vấn đề thực sự quan trọng nhưng đáng tiếc là tôi hiểu không sâu lắm. Sau buổi nói chuyện tôi có cảm giác là phu nhân Thủ tướng bớt băn băn khoăn hơn.

Đoàn đại biểu lão thành của EVN về thăm lại "Chiến trường xưa" nhân kỷ niệm 20 năm Đường dây 500 kV

Ý tưởng xây dựng công trình tải điện xuyên Việt đã trở thành hiện thực khi vào đầu năm 1992 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Luận chứng Kinh tế Kỹ thuật Hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc – Nam.

Từ quyết định của Thủ tướng đến ngày đóng điện đầu tiên lên đường dây là hơn bảy trăm ngày lao động sáng tạo, khẩn trương đầy gian khổ với tinh thần trách nhiệm cao của hàng chục vạn con người. Bản thân Thủ tướng mặc dù bề bộn công việc của Chính phủ đã dành rất nhiều thời gian và sự quan tâm đặc biệt đến công trình. Ông tiếp xúc trực tiếp với các nhà khoa học, làm việc thường xuyên với Bộ Năng lượng và các Ban ngành liên quan yêu cầu giành sự ưu tiên cao nhất để giải quyết những vướng mắc về thủ tục, trực tiếp kiểm tra công việc tại những nơi khó khăn nhất. Giờ đây ngồi xem lại những đoạn băng tài liệu ghi cảnh ông trong chiếc áo màu cỏ úa, mái tóc trắng dưới vành mũ bảo hộ lao động đến tận chân các cột điện cao áp thăm hỏi bắt tay công nhân, cán bộ, những người lao động vây quanh ông với nét mặt phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm, cảnh lao động nặng nhọc của những người thợ đường dây xuyên rừng vượt núi, hình ảnh đồng bào dân tộc gùi trên lưng vật liệu xây dựng leo lên những đỉnh núi cao chót vớt mà không xe cộ nào có thể đến được, coa thể hình dung lại bức tranh lao động hào hùng trên hàng chục công trình trải dài khắp đất nước thời gian này.

Chất lượng công trình và tiến độ là hai vấn đề được Thủ tướng đặc biệt quan tâm, luôn nhấn mạnh và nhắc nhở. Việc lựa chọn công nghệ và thiết bị ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và lần đầu tiên trên quy mô lớn, công nghiệp điện lực Việt Nam được tiếp xúc với những thành tựu mới nhất của công nghệ truyền tải điện siêu cao áp trên thế giới. Vật tư, thiết bị dùng cho công trình được lựa chọn từ các nhà sản xuất nổi tiếng của Pháp, Nhật, Thụy Điển, Đức, Anh, Italia, Phần Lan, Tây Ban Nha, Nga, Hàn Quốc….

Cũng lần đầu tiên những thiết bị bù hiện đại, hệ thống các dụng cụ đo lường, bảo vệ, điều khiển và tự động kỹ thuật số đã được đưa vào sử dụng trong Hệ thống điện Việt Nam. Trục cáp quang xuyên Việt đã được xây dựng và sử dụng không những chỉ phục vụ cho nhu cầu của ngành điện mà còn cho quốc phòng và mạng bưu chính viễn thông của cả nước.

EVN giao lưu với Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê và GS.VS.TSKH Trần Đình Long tại Lễ kỷ niệm 20 năm Đường dây 500 kV Bắc - Trung - Nam

Rút ngắn tối đa thời gian thi công là mục tiêu quan trọng bậc nhất quyết định đến tính hiệu quả của công trình, trong đó việc xây lắp đường dây thông thường là khâu gây cấn nhất. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy để xây lắp khoảng 400 – 500 km đường dây 500 kV với hai trạm biến áp đầu và cuối thường phải mất ba đến bốn năm. Mục tiêu việc xây dựng hệ thống tải điện Bắc – Nam với chiều dài khoảng gần 1.500 km và gần 3.400 vị trí cột đi qua 14 tỉnh, thành phố, bốn trạm biến áp và một trạm bù trong thời gian hai năm đối với nhiều người, kể cả chuyên gia tư vấn nước ngoài, thoạt đầu đều cho là không tưởng.

Một cuộc chạy đua với thời gian diễn ra quyết liệt, công trình được khởi công khi chưa có thiết kế chi tiết đầy đủ, công việc được tiến hành theo phương châm “vừa thiết kế, vừa thi công”. Cán bộ khảo sát và giám sát thi công được phân thành hàng trăm tổ rải đều trên toàn tuyến để kịp thời phát hiện và hiệu chỉnh những bất hợp lý trong thiết kế. Quá trình thiết kế chi tiết, xem xét đấu thầu chọn nhà mạng cung cấp thiết bị, nhập và vận chuyển những máy móc “siêu trường, siêu trọng” hàng trăm tấn qua hệ thống cầu đường còn rất ọp ẹp thời bấy giờ đến tận chân công trình cũng được tiến hành rất sáng tạo và khẩn trương.

Để đẩy nhanh tiến độ xây lắp, Thủ tướng đã chỉ đạo chia việc thi công đường dây thành nhiều đoạn làm việc song song. Đây là một giải pháp rất khoa học đảm bảo rút ngắn một cách cơ bản thời gian xây lắp đường dây, nhiệm vụ phức tạp và nặng nề nhất của dự án. Thực ra ý tưởng chia một một công việc lớn, nếu làm tuần tự đòi hỏi nhiều thời gian, thành nhiều việc nhỏ tiến hành song song nhau cũng thường được sử dụng trong bài toán “rút ngắn đường căng” để đảm bảo thời gian hoàn thành công trình trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng và tổ chức thi công các hệ thống lớn. Tuy nhiên ở các nước công nghiệp phát triển, áp dụng giải pháp này trong xây dựng các đường dây tải điện không có lợi về kinh tế vì đòi hỏi phải huy động đồng thời một số lượng lớn xe, máy, phương tiện thi công cơ giới để rải trên toàn tuyến công trình.

Trong điều kiện Việt Nam, phần lớn công việc xây lắp đường dây được thưucj hiện thủ công hoặc bán thủ công đặc biệt là công tác vận chuyển vật liệu, cột, dây sứ và phụ kiện đến chân công trình, với nguồn nhân lực rẻ và dồi dào, giải pháp này tỏ ra rất hữu hiệu.

Tôi còn nhớ lại tại Hội nghị khoa học thường kỳ của CIGRÉ (Hội đồng Quốc tế về các hệ thống điện lớn) tổ chức ở Paris mùa hè năm 1994, sau khi nghe chúng tôi trình bày báo cáo khoa học về hệ thống tải điện 500 kV của Việt Nam, bên cạnh những câu hỏi liên quan đến các vấn đề kỹ thuật, nhiều câu hỏi về phương tiện và biện pháp tổ chức thi công để hoàn thành công trình trong một thưoif gian kỷ lục được đặt ra. Chuyên gai của cá nước đang phát triển đánh giá việc tổ chức xây dựng đường dây 500 kV Việt Nam là một kinh nghiệm quý giá đối với họ.

Trong buổi gặp mặt “Mừng dòng điện 500 kV” cuối năm 1994 tại Dinh Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, khi các vị khách nước ngoài hỏi về kinh nghiệm chỉ đạo của Chính phủ và bản thân Thủ tướng đối với công trình quan trọng này, Thủ tướng tươi cười nói: “Nhiều kinh nghiệm chỉ đạo kháng chiến trước đây của chúng tôi bây giờ lại rất hữu ích trong xây dựng kinh tế, kinh nghiệm nhiều mũi giáp công”. Chia đường dây thành nhiều đoạn để thi công song song, kết hợp giữa hiện đại và thô sơ, giữa máy móc và thủ công, phát huy tối đa tính sáng tạo của mọi tầng lớp lao động đã đảm bảo hoàn thành công trình trong thời gian mà hai năm trước đây nhiều người khó tin.

Hệ thống tải điện 500 kV Bắc – Nam đã được đưa vào sử dụng đúng như dự kiến với mọi chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đều đạt và vượt yêu cầu của luận chứng ban đầu. Sau hơn tám năm hoạt động công trình vẫn đứng vững trước những đợt thiên tai lớn chưa từng có ở những địa phương đường dây đi qua, đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu điện trầm trọng và triền miên ở miền Trung và miền Nam trước đây. Với mức chênh lệch giá điện giữa các loại nguồn điện khác nhau ở ba miền của đất nước trong những năm vừa qua, công trình 500 kV có chỉ tiêu hoàn vốn vào loại nhanh nhất so với nhiều dự án điện lực lớn khác. Hệ thống tải điện 500 kV đặc biệt có hiệu quả trong 3 năm đầu vận hành (1995 – 1997): Chỉ sau 3 năm vận hành, hệ thống tải điện 500 kV Bắc – Nam đã hoàn vốn đầu tư. Đây là công trình có thời gian hoàn vốn vào loại nhanh nhất so với nhiều dự án điện lực cũng như các dự án lớn khác (mặc dù tổng vốn đầu tư là rất lớn):

Tổng vốn đầu tư phê duyệt quyết toán (theo Quyết định phê duyệt quyết toán số 569/QĐ-BTC ngày 23/05/2000 của Bộ Tài chính) là: 5.204.161.653.199 đồng (trên tổng số vốn dự toán được duyệt là 5.713.980.000.000 đồng)

Đường dây 500 kV được hợp nhất ba hệ thống điện Bắc – Trung – Nam hoạt động riêng lẻ trước đây thành hệ thống điện Quốc gia thống nhất với Trung tâm điều độ - cũng là một hạng mục của công trình 500 kV– đặt tại thủ đô Hà Nội. Đây là tiền đề quan trọng để cuối năm 1994, chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định về thành lập Tổng công ty Điện lực Việt Nam, một trong những doanh nghiệp lớn của nhà nước được ra đời trong thời kỳ này hoạt động theo hướng xây dựng và phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước.

Trong dịp kỷ niệm 5 năm ngày đưa đường dây vào vận hành, tại Hà Nội đã tổ chức một Hội thảo khoa học quốc tế lớn với sự tham gia của đại biểu từ hàng chục nước khác nhau để thảo luận các vấn đề liên quan đến công nghệ tải điện siêu cao áp hiện đại và những kinh nghiệm rút ra từ công trình tải điện của Việt nam. Sau hội thảo chúng tôi đã đến thăm và báo cáo với ông, lúc bấy giờ đã là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng những kết quả chính của Hội thảo. Tuy không còn trực tiếp đứng đầu chính phủ, nhưng ông vẫn rất quan tâm đến sự phát triển của ngành điện và nhiều vấn đề kinh tế xã hội quan trọng khác của đất nước. Nói về khả năng xây dựng đường dây 500 kV Bắc – Nam thứ hai, ông liên hệ với dự án quốc lộ Hồ Chí Minh, trục giao thông thứ hai của Tổ quốc nhằm giải quyết cơ bản ách tắc giao thông của cả nước trong mùa mưa bão và phát triển kinh tế các địa phương trên đường Trường Sơn cũ. Khi chúng tôi báo cáo về công nghệ mới được các chuyên gia Nhật Bản sử dụng để xây kênh cấp thoát nước cho khu nhiệt điện Phú Mỹ, ông nói ngay đến ý tưởng kết hợp xây dựng đồng bộ hệ thống kênh thoát nước và công trình ngầm với mạng lưới đường giao thông thành phố. Đè cập đến cuộc tranh cãi kéo dài “Không phân thắng bại” về công trình thủy điện Sơn La, ông nhận xét “Hòi ấy giá cứ để tranh luận triền miên kiểu này thì không thể nào có đường dây 500 kV được. Việc thảo luận công khai, dân chủ, tranh cãi cho hết lẽ đối với những vấn đề quan trọng của đất nước là rất cần thiết, tuy nhiên cuối cùng phải có ai đó đứng ra giải quyết, dám chịu trách nhiệm của mình và có giải pháp, quyết tâm thực thi thì vấn đề mới được giải quyết”.

Ngẫm lại, những Kim Tự Tháp, Vạn Lý Trường Thành, thành phố Saint – Peterbourg, Đạp thủy điện Tam Môn Hiệp … đều gắn liền với một tên tuổi nhất định. Một chính trị gia đương đại nói: “Lịch sử được viết lên bằng những con người hành động”.

Đất nước trên con đường tiến hóa cần biết bao những nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao đối với những quyết định liên quan đến sự tồn vong của Tổ quốc.

 

Tác giả: GS.VS.TSKH Trần Đình Long/Tổng biên tập Tạp chí Điện và Đời sống
Tin liên quan