Cần có cơ chế đột phá để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2020 chính thức diễn ra từ hôm nay (25/8 đến 28/8) trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. 


 

Chương trình năm nay có thông điệp “Đột phá để phục hồi và phát triển Xanh vì cuộc sống an lành” – Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam (VSEA) hướng tới mục tiêu tạo diễn đàn đối thoại đa bên để tiếp tục đưa ra các đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, loại bỏ các rào cản, phục hồi và tăng trưởng kinh tế Xanh.

Các báo cáo cho thấy, năm 2020 đánh dấu bước ngoặt lịch sử của nhân loại với cú sốc Covid 19 khiến cả thế giới lao đao và chịu thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế, nhưng đồng thời cũng thôi thúc sự chuyển đổi ĐỘT PHÁ về tư duy và mô hình phát triển thích ứng. Covid-19 khiến giá dầu lao dốc, giá than giảm ở mức kỷ lục tại Úc, nhưng năng lượng tái tạo (NLTT) là nguồn duy nhất vẫn tăng trưởng. Đầu tư cho xây dựng các nhà máy nhiệt điện than dự báo giảm 11% trong khi tính đến hết năm 2019, công suất điện mặt trời và điện gió đã tăng 15% so với năm 2018.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, nhà nước đã ban hành các chính sách và cơ chế để thúc đẩy phát triển NLTT như chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, gió cũng như gia tăng bổ sung vào quy hoạch điện các dự án điện gió, điện mặt trời và chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn tới. 

Tính đến tháng 6 năm 2020, tổng công suất nguồn điện NLTT đã đi vào vận hành đạt khoảng 5.500MW, trong đó điện mặt trời áp mái đạt trên 31.750 dự án với tổng công suất là 657,88MWp. NLTT hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện và Việt Nam được biết đến như một quốc gia đang dẫn đầu về tăng trưởng NLTT trong khu vực ASEAN.

Bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) – Cơ quan điều phối Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) dẫn chứng, nắm bắt xu thế của thời đại, Đảng và nhà nước Việt Nam đã ban hành một loạt chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển NLTT, gần đây nhất là Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã đưa ra đường hướng, định hướng cho chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn tới. Và trong Nghị quyết này cũng nhấn mạnh yêu cầu cần phải có chính sách đột phá để khai thác nguồn tiềm năng NLTT trong nước, giảm áp lực phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt tập trung vào khai thác nguồn năng lượng gió và mặt trời. Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc cần tháo gỡ những khó khăn trước mắt, cải thiện cơ chế chính sách để gỡ bỏ độc quyền, thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân và của toàn xã hội vào trong đầu tư và phát triển các nguồn năng lượng cho quốc gia. "Chúng ta mong muốn qua tuần lễ này có cơ hội hợp tác với nhau để có thể biến những cơ hội này thành thực tế, để đóng góp cho sự phục hồi kinh tế sau dịch covid-19, để phát triển nhưng là phát triển Xanh"- bà Khanh nhấn mạnh.

Ngay trong buổi sáng nay, tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ”, là tọa đàm mở cho tất cả những ai quan tâm tới chủ đề này để cùng nhìn lại quá trình phát triển và những lợi ích thiết thực của chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà đã mang lại cho xã hội trong thời gian qua. 

Cơ chế giá khuyến khích đã giúp Việt Nam đạt được 1.000 MW cho điện mặt trời mái nhà chỉ trong vòng 2 năm qua, đồng thời đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính, bảo hiểm..., góp phần làm cho thị trường điện mặt trời tại Việt Nam sôi động. 

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn khiêm tốn so với tiềm năng kỹ thuật vô cùng lớn của điện mặt trời mái nhà. Số liệu của GreenID, tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời mái nhà ước tính tổng công suất lên tới 48.000 MW, trong khi Ngân hàng thế giới đưa ra tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam vào khoảng 13-15.000MW. 

Theo các chuyên gia, việc khai thác để đạt được khoảng 5-6.000MW điện mặt trời mái nhà theo quy mô hộ gia đình ở Việt Nam là hoàn toàn có thể đạt được. Thế nhưng, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thực sự sẵn sàng bởi chính sách hỗ trợ quá ngắn, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm, chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn nên dẫn đến tâm lý lo ngại và chần chừ. Và vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ đặc biệt liên quan đến chính sách, tài chính và sáng kiến giải pháp để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tương xứng với tiềm năng. 

Thực tế phát triển nóng các dự án điện mặt trời trang trại đã gây nên một vấn đề xã hội mới đó là xung đột về sử dụng đất. Tại một số địa phương, đã xảy ra tình trạng lấy đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng để làm trang trại điện mặt trời. Điều này dẫn tới mâu thuẫn và xung đột giữa chủ đầu tư và người dân địa phương. Phát triển ồ ạt các trang trại mặt trời đơn mục tiêu sẽ không còn phù hợp trong điều kiện mới của Việt Nam. 

Một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển điện mặt trời mái nhà được đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra, như: công tác tuyên truyền, quảng bá về phát triển điện mặt trời mái nhà còn hạn chế; Khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, lắp đặt, vận hành, bảo hành thiết bị; Chi phí thiết bị và lắp đặt điện mặt trời mái nhà vẫn còn cao, chưa khuyến khích khách hàng hộ gia đình đầu tư, lắp đặt; Chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thiết bị, hệ thống điện mặt trời mái nhà; Chưa có quy định về việc xin giấy phép xây dựng, về tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà; Nhà đầu tư phát triển dự án tập trung tại một khu vực, dẫn tới khả năng đấu nối và giải tỏa công suất hệ thống bị hạn chế… 

Do vậy, EVN kiến nghị chính phủ cần khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố lắp đặt điện mặt trời mái nhà; có cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu nhằm khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Đồng thời, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN sớm ban hành tiêu chuẩn điện mặt trời mái nhà… Bộ Công Thương sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà hộ gia đình, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, cơ sở hành chính sự nghiệp... giai đoạn sau 31/12/2020.

Ông Trần Viết Nguyên – Phó trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị, "sau cơ chế giá hỗ trợ (gọi là giá FIT2 theo Quyết định 13/BCT thì sang năm 2021 chúng ta sẽ có cơ chế, chính sách mới thì chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Công Thương cũng sớm nghiên cứu để ban hành cơ chế chính sách để gối đầu tiếp việc phát triển điện mặt trời mái nhà ở tại Việt Nam. Và với mục tiêu, kỳ vọng đến năm 2035 có thể đạt được khoảng 30.000MW công suất điện mặt trời mái nhà, thì cơ chế, chính sách rất quan trọng".

Nguồn:Icon.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan