Truyền tải điện Nghệ An: Đảm bảo vận hành lưới điện ổn định trước các diễn biến bất thường của thời tiết

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Truyền tải điện Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp như: Chủ động ngăn ngừa xói mòn chân cột, thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nằm trong hành lang lưới điện… nhằm đảm bảo hệ thống lưới truyền tải luôn được vận hành an toàn, ổn định.

Theo dự báo, mùa mưa bão năm 2022 diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hình thái thời tiết khó lường. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, Truyền tải điện (TTĐ) Nghệ An đã đưa ra nhiều giải pháp phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) để chủ động trước mỗi sự cố xảy ra trên hệ thống lưới truyền tải thuộc địa bàn quản lý

Để có thể đến được vị trí chân cột, công nhân Truyền tải điện Con Cuông phải mất nhiều giờ đồng hồ vượt qua những cung đường đất có độ dốc dựng đứng

Nhiều giải pháp ứng phó với mưa bão được đưa ra…

TTĐ Nghệ An hiện đang quản lý toàn bộ lưới điện trên địa bàn của toàn tỉnh. Đặc biệt tới đơn vị sẽ tiếp nhận hệ thống lưới truyền tải 220kV (phía Việt Nam) nối Tương Dương – Nậm Mô (Lào) phục vụ cho việc nhập khẩu điện.

Với địa hình các tuyến đường dây tương đối phức tạp, đặc biệt đường dây 220kV Tương Dương  – Nậm Mô (Lào) đây là đường dây nối với nước bạn Lào đi qua địa hình đồi núi phức tạp đặc biệt là thuộc khu vực rừng quốc gia, nhiều vị trí chân cột nằm ở vị trí trọng yếu có nhiều nguy cơ sự cố do vi phạm hành lang, xạt lở. Vì thế, công tác tuyên truyền tại các khu vực trọng yếu đã được TTĐ Nghệ An triển khai thực hiện sâu, rộng và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân.

 

Nhiều điểm chân cột có nguy cơ sạt lở, được TTĐ Nghệ An thường xuyên giám sát kiểm tra trực tiếp nhằm đưa ra những giải pháp xử lý kịp thời

Bên cạnh đó, Đơn vị sẽ chủ động phối hợp với Ban chỉ huy PCTT & TKCN địa phương, Điện lực địa phương và các Truyền tải điện lân cận khi xảy ra sự cố, công tác khắc phục hậu quả do lụt bão,.. cứu hộ và cứu nạn. Song song đó, TTĐ Nghệ An đã chủ động phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Đội, Trạm, Tổ TTLĐ tiến hành kiểm tra hệ thống thoát sét tại các trạm, các tuyến đường dây; kiểm tra tình trạng thoát nước tại các trạm khi có mưa lớn kéo dài; thực hiện rà soát, tuyên truyền người dân chằng néo mái nhà, vật bay gần trạm điện, đường dây truyền tải điện; phát quang hành lang lưới điện; chủ động triển khai các phương án PCTT-TKCN, phương án cấp điện khi xảy ra thiên tai theo thực tế lưới điện và phụ tải; tổ chức diễn tập PCTT-TKCN; phương án xử lý sự cố với nhiều tình huống giả định cụ thể, sát thực tế để các Đội, Trạm, Tổ TTLĐ ứng phó, khôi phục cấp điện nhanh nhất và đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai.

Theo ông Phạm Thanh Hải - Phó Giám đốc Truyền tải điện Nghệ An, Công ty Truyền tải điện 1, cho biết: Truyền tải điện Nghệ An hiện quản lý toàn bộ hệ thống lưới điện 220kV và 500kV trên địa bàn tỉnh. Để ứng phó với tình hình thời tiết khắc nghiệt, và mưa bão bất thường, chúng tôi đã lên kế hoạch ứng phó với phương châm 4 tại chỗ. Theo đó, các đội quản lý tại các trạm được phân công chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, vật tư, con người, kết hợp với người dân địa phương để ứng phó khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, trên tuyến đường dây hàng năm, trước mùa mưa bão đều tổ chức các phương án diễn tập phòng chống bão lụt tại các đội, trạm…. Đối với những chỗ không đi kiểm tra được, đơn vị sẽ ứng dụng công nghệ bay Flycam để kịp thời phát hiện sớm các khiếm khuyết, chủ động đưa ra các phương án xử lý trước mùa mưa bão, từ đó giúp hạn chế những thiệt hại không đáng có.

 “Hiện nay, khối lượng đường dây của Truyền tải điện Nghệ An quản lý nhiều tuyến là đường dây cũ, địa hình chủ yếu miền núi, nhiều điểm lưu lượng mưa lớn gây xói lở chân cột, cùng với đó người dân thường phát cây dưới chân cột để canh tác cũng đã gây ra nhiều nguy cơ sạt lở…. Trước những khó khăn đặc thù đó, TTĐ Nghệ An đã chỉ đạo các đội truyền tải đào các rãnh thoát nước xa khu vực móng cột, gia cố các khu vực có nguy cơ sạt lở cao bằng cách đóng cọc tre, liên kết giọ đất đá… ngoài ra các phòng, tổ, đội, trạm bố trí nhân lực ứng trực, chuẩn bị đầy đủ các vật tư, thiết bị, hệ thống thông tin, liên lạc, tổ chức tổng kiểm tra, khắc phục ngay những khiếm khuyết, tồn tại trên lưới nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại với hệ thống lưới truyền tải.” ông Phạm Thanh Hải chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, để đảm bảo vận hành hệ thống lưới điện an toàn trong mùa mưa bão, TTĐ Nghệ An đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các Đội Truyền tải kiểm tra các điểm xung yếu có khả năng sạt lở, ngập úng như: Các móng cột, móng néo gần các taluy, gần bờ biển, bờ sông, suối; Chuẩn bị phương án dùng đá hộc, cọc tre gia cố chân móng cột, móng néo; Kiểm tra, bổ sung thiết bị thông tin liên lạc để đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống. Khi thiên tai xảy ra, TTĐ Nghệ An sẽ tổ chức rà soát tại các vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện được vận hành an toàn.

Hàng năm các Đội Truyền tải điện luôn duy trì công tác kiểm tra hệ thống tiếp địa các đường dây thường xuyên bị ngập nước. Thực hiện các biện pháp hạn chế sự cố do sét trên các đường dây như vệ sinh mặt tiếp xúc giữa dây tiếp đất và thân trụ, siết lại bu lông, kẹp dây nối đất dây chống sét với đỉnh trụ, lắp đặt tăng cường dây tiếp địa cho các đường dây…

Nhằm đảm bảo vận hành an toàn lưới điện

Theo ông Phạm Thanh Hải – Phó Giám đốc TTĐ Nghệ An: Cung đoạn do Đội Truyền tải điện Con Cuông quản lý không những có địa hình khó khăn, phức tạp và vất vả bên cạnh đó do đồi núi nhiều nên cây cối phát triển rất nhanh sau những đợt mưa kéo dài nên đội phải thường xuyên tổ chức cho công nhân phát quang cây cao, cây tái sinh trong và ngoài hành lang để đảm bảo vận hành.

Chia sẻ về những khó khăn mà Đội đang gặp phải, ông Hồ Ngọc Quyết – Đội trưởng Đội Truyền tải điện Con Cuông cho biết: Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Đội Truyền tải Con Cuông đã tổ chức phát quang cây cao và cây tái sinh trong và ngoài hành lang được 50 khoảng cột có cây cao vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Hàng tháng, hàng quý đội đã tổ chức công nhân đi kiểm tra định kỳ cả ngày và đêm, đặc biệt Đội sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất sau mưa bão nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hư hỏng và khắc phục để đường dây đảm bảo vận hành đường dây.

Đội Truyền tải điện Con Cuông thuộc Truyền tải điện Nghệ An nằm trên địa bàn huyện Con Cuông cách xa trụ sở Truyền tải điện Nghệ An đến 120km, địa bàn do Đội quản lý có đến 85% là khu vực đồi núi cao, rừng sâu, trải dài qua nhiều sông, suối. Có những vị trí cột nằm gần biên giới với nước bạn Lào, để đến được vị trí chân cột những người thợ truyền tải phải đi bộ trèo đồi gần 3h đồng hồ mới đến nơi” Ông Hồ Ngọc Quyết chia sẻ thêm.

Đội Truyền tải điện Con Cuông kiểm tra tại vị trí cột 02 tuyến đường dây mạch kép 220 kV Bản Vẽ - Tương Dương và Bản Vẽ - Khe Bố

Có mặt tại vị trí cột số 2 tuyến đường dây mạch kép 220 kV Bản Vẽ - Tương Dương và Bản Vẽ - Khe Bố, nhóm phóng viên nhận thấy một phần chân móng của cột đã bị sạt lở, gây ra nhiều nguy cơ đe dọa đến an toàn vận hành tuyến đường dây.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Hồ Ngọc Quyết, cho biết: Để đảm bảo an toàn cho tuyến đường dây cũng như vị trí cột số 2, đơn vị đã phối hợp cùng với công ty quản lý đường bộ kè hơn 100m phía dưới đường giao thông - khu vực chân móng để chống sạt lở. Đồng thời, từ vị trí chân móng của cột trở xuống Đội Truyền tải Con Cuông đã đắp đất, đóng cọc tre xử lý gia cố không để hiện tượng sạt lở tiếp diễn. Để xử lý dứt điểm những nguy cơ có thể xảy đến tại vị trí cột này, tháng 5/2022 vừa qua, đoàn khảo sát của Viện Năng lượng đã vào thăm dò và khoan địa chất để báo cáo khả thi, thiết kế để có phương án kè vĩnh cửu bằng đá và bê tông. Dự kiến năm 2023 vị trí cột, móng 02 sẽ được tiến hành kè vĩnh cửu, qua đó giúp xóa được điểm đen về mất an toàn đường dây.

Theo báo cáo của Đội Truyền tải điện Con Cuông, trong cung đoạn do Đội quản lý thì đường dây Bản Vẽ - Khe Bố, Bản Vẽ - Tương Dương, Khe Bố - Đô Lương và Tương Dương - Đô Lương có 283 vị trí cột. Qua đợt mưa lũ và hoàn lưu của các cơn bão trong năm 2020 - 2021 thì đã có 3 vị trí có địa chất và móng tương tự như vị trí số 2 bị sạt lở.

TTĐ Nghệ An thực hiện công tác kiểm tra các vị trí cột trên các tuyến đường dây nhằm sớm phát hiện các khiếm khuyến

“Để đảm bảo an toàn cho tuyến đường dây, đơn vị quản lý đã đổ đất, trồng tre, đóng cọc để đảm bảo an toàn ngay kiểm tra có dấu hiệu khả nghi, riêng vị trí 168 đơn vị quản lý đã phải kè cả rọ đá để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện. Đối vớt tất cả những vị trí này sau khi được Viện Năng lượng khoan thăm dò, khảo sát sẽ có báo cáo, thiết kế để tiến tới chọn nhà thầu tiến hành kè vĩnh cửu trong năm 2023 sắp tới”, ông Hồ Ngọc Quyết chia sẻ thêm

Có thể khẳng định rằng, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Truyền tải điện Nghệ An, kết hợp cùng tinh thần chủ động, sáng tạo trong khắc phục khó khăn và xử lý tình huống của những người lính truyền tải, đặc biệt là những giải pháp cấp bách nhằm PCTT&TKCN thì TTĐ Nghệ An sẽ không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ vận hành quản lý, mà còn đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người, cũng như giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản cho ngành Điện trong mùa mưa bão 2022 này.

Tác giả: Quốc Chiêu
Tin liên quan