Trung tâm thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung: Từ nhiệm vụ nghiên cứu đến Giải Vàng Chất lượng Quốc gia

Từ một xưởng sản xuất điện tử trực thuộc Công ty Viễn thông và Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung- Tổng Công ty Điện lực miền Trung, với chức năng chính là nghiên cứu để chế tạo sản phẩm công tơ điện tử, thiết bị đọc chỉ số công tơ từ xa…Trung tâm thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung đã đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2018. 

Dây chuyền sản xuất, lắp ráp công tơ điện tử. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 

Với đà phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin, từ năm 2001, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã giao cho Công ty Viễn thông và Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung (IT&T) nghiên cứu tổ chức xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng kịp thời các yêu cầu trong công tác quản lý và SXKD điện năng và viễn thông trong toàn EVNCPC, tạo tiền đề quan trọng để các đơn vị trực thuộc ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý điều hành hoạt động SXKD  đạt hiệu quả tốt. Đặc biệt, là công tác nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để ứng dụng các thành tựu kỹ thuật mới vào phục vụ SXKD điện năng như công nghệ đọc chỉ số công tơ từ xa, sản xuất công tơ điện tử 1 pha phục vụ công tác đo đếm điện năng. 
 

Từ nhiệm vụ nghiên cứu…

 

Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, IT&T đã thành lập Xưởng sản xuất điện tử với chức năng chính là sản xuất công tơ điện tử; sản xuất thiết bị đọc chỉ số công tơ từ xa; nghiên cứu, phát triển, triển khai và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực điện tử ứng dụng, điện tử công nghiệp. Từ năm 2001, IT&T đã tập trung nguồn lực vào việc nghiên cứu và đã chế tạo thành công sản phẩm công tơ điện tử 1 pha, 3 pha DT01P, DT01P/16, DT01P/08, DT03P với những thử nghiệm thực tế trên lưới điện, cùng những điều kiện kỹ thuật nghiêm ngặt khác, đảm bảo đầy đủ các thủ tục pháp lý, tuân thủ đúng các quy định của pháp lệnh đo lường về quản lý phương tiện đo. Các sản phẩm có những tính năng vượt trội, nhỏ gọn, độ chính xác cao, mức tiêu thụ điện thấp, giá thành hợp lý, đã được các đơn vị trong EVNCPC tiếp nhận. Sản phẩm đã được thử nghiệm ở những điều kiện khắc nghiệt, đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 7589:2007 và IEC 62053-21:2003 và được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường cấp quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo sản xuất. Tháng 7-2009, IT&T đã triển khai lắp đặt thí điểm lên lưới điện Điện lực Bắc Sông Hương thuộc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế. Toàn bộ số công tơ lắp thí điểm đều hoạt động tốt và được đánh giá cao tính ưu việt công nghệ của sản phẩm so với công tơ cơ khí, như: An toàn cho người ghi chỉ số công tơ, tiết kiệm thời gian, nhân lực trong khâu ghi, nhập chỉ số, từ đó giúp tăng năng suất lao động; có độ chính xác cao, đặc biệt thể hiện rõ tính năng tiết kiệm điện so với loại công tơ cơ trước đây; từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại đơn vị và dịch vụ khách hàng.

 

Sản phẩm công tơ DT01P-RF  đã đạt nhiều giải thưởng về sáng tạo khoa học kỹ thuật tại thành phố Đà Nẵng, đã tham gia hội chợ công nghệ Việt Nam (Techmart). Với tính năng tiết kiệm điện năng so với công tơ cơ khí và mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm DT01P-RF đã được Ban tổ chức triễn lãm “Sản phẩm hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo” năm 2010 (ENCON EXPO 2010) cấp chứng nhận “Sản  phẩm hiệu quả năng lượng”. Dựa trên cơ sở kết quả đã đạt được, IT&T đã triển khai dự án đầu tư xây dựng mở rộng dây chuyền sản xuất công tơ điện tử giai đoạn 2 tại Khu Công nghiệp Hoà Cầm – thành phố Đà Nẵng, công suất 500.000 công tơ/năm, tổng mức đầu tư là 14,9 tỷ đồng.

 

Cùng với sản phẩm công tơ điện tử DT01P-RF, trong năm 2010, IT&T đã nhiên cứu phát triển thành công hệ thống thu nhập số liệu công tơ đo đếm tại các trạm 110 kV; hệ thống này được triển khai tại 56 trạm 110 kV trong toàn EVNCPC với gần 700 điểm đo. Trong năm 2011, IT&T tiếp tục sản xuất sản phẩm công tơ điện tử 3 pha nhiều giá, nhiều tính năng và tích hợp công cụ truyền dữ liệu từ xa bằng công nghệ CDMA 450MHz với giá thành phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

 

 đến Giải Vàng Chất lượng Quốc gia

 


Khu vực kiểm định công tơ điện tử. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 

Năm 2015, trên cơ sở tách ra từ IT&T, Tổng công ty Điện lực miền Trung quyết định thành lập Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (EVNCPC EMEC). Sự ra đời của CPC EMEC đã đánh dấu quá trình phát triển mới trong lĩnh vực sản xuất thiết bị đo của EVNCPC và từng bước trở thành nhà cung cấp hàng đầu Việt Nam về thiết bị đo đếm điện từ xa. 

 

Với nhiệm vụ sản xuất thiết bị đo đếm phục vụ công tác quản lý kinh doanh mua bán điện trên địa bàn 13 tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên, CPCEMEC đã được EVNCPC đầu tư các trang thiết bị công nghệ mới, nâng cấp và tối ưu hóa dây chuyền sản xuất để đảm bảo công suất theo tiến độ yêu cầu của EVNCPC và các Hợp đồng ngoài ngành và tiến đến xuất khẩu.

 

Trong năm 2018, CPCEMEC đã nâng cao ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công tác thử nghiệm và sản xuất như xây dựng phòng thử nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 và quy trình thử nghiệm của Đo lường Việt Nam 237:2011 bằng việc trang bị các thiết bị thử nghiệm va đập, thiết bị thử cháy, thiết bị thử nghiệm IPX1/2/3/4, hệ thống các thiết bị thử nghiệm sóng hài, hệ thống các thiết bị thử nghiệm miễn nhiễm điện từ trường… giúp chủ động việc thử nghiệm, đánh giá/điều chỉnh sản phẩm mới trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm, tiết kiệm chi phí và giảm thời gian chờ đợi kết quả thử nghiệm từ các đơn vị bên ngoài, góp phần hoàn thiện quy trình nghiên cứu, đánh giá sản phẩm trong thời gian ngắn; giúp kiểm soát chất lượng và rút ngắn thời gian kiểm tra linh kiện trước khi đưa vào dây chuyền sản xuất; chủ động đánh giá và kiểm tra ngẫu nhiên các lô sản phẩm trước khi bàn giao cho khách hàng.

 

CPCEMEC đã nghiên cứu chế tạo sản phẩm song hành với phát triển giải pháp từ khi phôi thai đến lúc trưởng thành và hoàn thiện. Đến nay, CPCEMEC đã trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công tơ điện tử phục vụ đo đếm điện năng; cung cấp các giải pháp thu thập, quản lý hệ thống đo đếm điện năng; phát triển và tích hợp giải pháp quản lý các nguồn năng lượng sạch và tái tạo góp phần vào công cuộc hiện đại hóa hệ thống lưới điện thông minh của ngành điện.

 

Tính đến cuối năm 2018, CPCEMEC đã có tổng cộng 27 chủng loại sản phẩm công tơ được cấp phê duyệt mẫu bao gồm: 1 pha, 3 pha, 1 biểu giá, nhiều biểu giá, tích hợp/không tích hợp tính năng đo xa… đáp ứng đầy đủ nhu cầu đo đếm điện năng của ngành điện. CPCEMEC đã sản xuất, cung cấp trên 4 triệu sản phẩm công tơ điện tử các loại cho thị trường.

 

Đi liền với các thiết bị phục vụ đo đếm điện năng là những giải pháp đo xa bao gồm: Hệ thống thu thập số liệu công tơ từ xa qua sóng vô tuyến bằng thiết bị cầm tay (Handheld Unit) và hoàn toàn tự động (RF-Spider), Hệ thống thu thập & quản lý số liệu đo đếm (MDMS) tại các Trạm biến áp - Nhà máy điện đã phục vụ đắc lực cho công tác quản lý kinh doanh điện năng của EVNCPC và ngành điện cả nước. Tính đến hết quý I-2019, hệ thống thu thập chỉ số công tơ từ xa hoàn toàn tự động RF-Spider đã được ứng dụng trên toàn EVNCPC với 2.4 triệu điểm đo/12.750 TBA công cộng, chiếm tỷ lệ 74,95% trên tổng số công tơ điện tử được lắp đặt trên lưới. Hệ thống này cũng đã được kết hợp với dữ liệu thông tin bản đồ địa lý GIS, cùng với dữ liệu hiện trường được thu thập & cập nhật ngày càng hoàn chỉnh giúp cho người quản lý biết được chính xác vị trí của từng điểm đo khách hàng.

 

Các thiết bị kết nối internet (IoT) do đội ngũ kỹ sư của CPCEMEC nghiên cứu chế tạo phục vụ nâng cao hiệu quả và độ tin cậy cung cấp điện, góp phần hình thành lưới điện thông minh bao gồm: Bộ giám sát chất lượng lưới điện, bộ cảnh báo sự cố trên lưới trung áp, bộ điều khiển tụ bù, thiết bị giám sát và điều khiển phụ tải từ xa,…

 

Ngoài ra, CPCEMEC đã nghiên cứu phát triển và tích hợp giải pháp quản lý các nguồn năng lượng sạch và tái tạo như: Cung cấp các dịch vụ tư vấn khảo sát, thiết kế, thi công lắp đặt, giám sát, bảo trì các công trình điện mặt trời; chế tạo, sản xuất trạm sạc nhanh phục vụ cho tương lai phát triển của xe ô tô điện…

 

Đề tài Nghiên cứu khoa học của CPCEMEC đang thực hiện được đánh giá phục vụ đắc lực cho ngành điện, như: Nghiên cứu, thiết kế ứng dụng mô hình robot phục vụ công tác lễ tân tại văn phòng EVNCPC; nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung thế; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện theo chuẩn CHAdeMO; giải pháp giám sát và điều khiển phụ tải từ xa phục vụ cho chương trình quản lý nhu cầu sử dụng điện (DSM)...những nỗ lực của tập thể CBCNV CPCEMEC đã được đền bù xứng đáng, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia cho CPCEMEC.

 

Các đề tài NCKH của CPCEMEC đoạt các giải thưởng cao, như: Giải Ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2015, giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 13 (2014-2015), giải Khuyến khích Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2016, giải Ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2017 và Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2018.

 

Tác giả: Thanh Mai
Nguồn:Icon.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan