PC Bắc Ninh nỗ lực với chương trình điều chỉnh phụ tải

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, ngành điện về chương trình điều chỉnh phụ tải (DR), thời gian qua Công ty Điện lực Bắc Ninh đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền vận động các doanh nghiệp tham gia song vẫn cần sự vào cuộc, phối hợp của các cấp chính quyền địa phương để đạt được mục tiêu đề ra.

dieu chinh phu tai o bac ninh can tang cuong cong tac phoi hop
PC Bắc Ninh cam kết hỗ trợ cho DN tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải
 

Ông Tạ Đăng Đoan – Giám đốc sở Công Thương Bắc Ninh cho biết, trong những năm qua tỉnh Bắc Ninh đã tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp, thương mại phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Bắc Ninh đã đạt được những thành tựu đáng kể trong tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các ngành mà nổi bật nhất là ngành công nghiệp. Đã có nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai xây dựng, đi vào hoạt động.

 

Năm 2018, tỷ trọng cơ cấu kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó công nghiệp, xây dựng chiếm 76,6%; Dịch vụ chiếm 20,7%; Lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản chỉ còn 2,7%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 140 triệu đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 34,85 tỷ USD tăng 10,7%.

 

Có được kết quả như trên, phải kể đến đóng góp to lớn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Công ty điện lực Bắc Ninh (PC Bắc Ninh) trong việc xây dựng hệ thống và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho sản xuất với sản lượng điện thương phẩm năm 2018 đạt 6.487 triệu kWh; 6 tháng đầu năm 2019 đạt 3.18 triệu KWh. Trong đó thành phần công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 82,27%; tăng trưởng 13,77%.

 

Bên cạnh những nỗ lực cung cấp điện, trong giai đoạn vừa qua, PC Bắc Ninh cũng đã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, nhất là Sở Công Thương Bắc Ninh tổ chức nhiều chương trình tiết kiệm điện, quản lý nhu cầu điện và chương trình DR.

 

Cụ thể, PC Bắc Ninh đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 31/5/2017 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh (Sở Công Thương tham mưu); phối hợp với Sở Công Thương, các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền tiết kiệm điện bằng nhiều hình thức khác nhau đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Điển hình như tổ chức Giờ Trái đất hàng năm, chương trình gia đình, trường học tiết kiệm điện…

 

Dù đã có chuyển biến tích cực song công tác tiết kiệm điện vẫn còn những tồn tại hạn chế. Trên địa bàn vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng dây truyền thiết bị sản xuất công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn, công suất tiết kiệm chưa được nhiều; Nguồn lực tài chính của một số doanh nghiệp còn hạn chế khi thực hiện các giải pháp mô hình quản lý năng lượng; Cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhiều khi còn chung chung; chưa có sự vào cuộc của các tổ chức tín dụng; nhiều chế tài còn chưa cụ thể, còn mang tính khuyến cáo chưa đủ sức nặng. Hay việc đầu tư một số dự án công trình điện theo quy hoạch phát triển điện lực còn chậm so với tiến độ đề ra, ảnh hưởng đến sự điều hòa của hệ thống lưới điện.

 

Đối với chương trình DR, PC Bắc Ninh cũng đã phối hợp với Sở Công Thương lập và ban hành danh sách khách hàng sử dụng điện quan trọng và ưu tiên trên địa bàn tỉnh là cơ sở để đơn vị triển khai thực hiện trong trường hợp thiếu nguồn điện.

 

Báo cáo của PC Bắc Ninh cho thấy, hiện trên địa bàn khoảng 1.800 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng sản lượng điện lớn từ 1 triệu kWh trở lên. Mặt khác sản lượng điện thương phẩm của PC Bắc Ninh lớn nhưng tập trung ở một số ít doanh nghiệp quy mô lớn, nhu cầu điện cần liên tục. Một số khu vực sản xuất công nghiệp có lượng điện tiêu thụ nhiều đã chuyển sản xuất vào ban đêm (giờ thấp điểm) nên khả năng mời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chương trình DR khó khả thi vì không còn khả năng điều chỉnh giảm.

 

Theo ông Tạ Đăng Đoan, để nâng cao vai trò của cơ quan quản lý địa phương trong chương trình tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải, Sở đã xây dựng các giải pháp như: Phối hợp và thực hiện lồng ghép với các chương trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, lộ trình phát triển lưới điện thông minh và định hướng phát triển các dạng nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh; Thực hiện đầu tư, nâng cấp hệ thống điện theo lộ trình quy hoạch phát triển điện lực, đặc biệt là hệ thống hạ tầng đo đếm tiên tiến, hệ thống công tơ đọc và thu thập số liệu đo đếm từ xa để thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện (DSM) trên địa bàn tỉnh; Xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện quản lý nhu cầu điện phù hợp các khả năng cung cấp; tiếp tục triển khai chương trình tiết kiệm điện; xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu hàng năm, lộ trình cụ thể thực hiện đảmb ảo đồng bộ với các mục tiêu của Chương trình quốc gia DSM; chủ động tổ chức thực hiện các nội dung được UBND tỉnh giao; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất công nghiệp trong việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Đồng thời, lựa chọn áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, biện pháp công nghệ phù hợp và thiết bị công nghệ có hiệu suất cao.

 

Sở Công Thương cũng đề nghị ngành điện chủ động nghiên cứu phụ tải điện, khai thác dữ liệu nghiên cứu phụ tải điện, theo dõi, quản lý chặt chẽ biểu đồ phụ tải điện của khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các khách hàng có đóng góp và ảnh hưởng nhiều đến biểu đồ phụ tải điện; định kỳ hàng quý cung cấp dữ liệu về DSM thuộc lưới điện tỉnh Bắc Ninh báo cáo Sở Công Thương để phối hợp chỉ đạo. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan báo, đài, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, khách hàng sử dụng điện và các đơn vị điện lực về nội dung, lợi ích của Chương trình quốc gia DSM.

 

Sở Công Thương cũng kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành đồng bộ và đầy đủ các quy định, cơ chế chính sách khuyến khích, các chế tài cụ thể, phân cấp quản lý cho địa phương, để tạo hành lang pháp lý, cơ sở triển khai thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng và điều chỉnh phụ tải điện.

 

Ông Đoan cũng đề nghị UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý, xây dựng các đề án, chương trình và giải pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và quản lý nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Chỉ đạo Sở tài chính bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình đề án trên sao cho đạt tiến độ và hiệu quả.

 

Đối với Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị điện lực địa phương phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm với các cơ quan quản lý chuyên ngành tại các tỉnh để thực hiện tốt và đạt được mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và quản lý nhu cầu điện do Chính phủ và Bộ Công Th ương đề ra. Tập trung và đẩy mạnh thực hiện công tác nghiên cứu phụ tải điện, quản lý vận hành khoa học, tuyên truyền phổ biến đến khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; Bố trí nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện đáp ứng được theo lộ trình Quy hoạch phát triển điện lực đặt ra, đáp ứng được tiêu chí lưới điện thông minh và N-1.

 

Ông Tạ Đăng Đoan cho biết, nhà nước cần ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thiết thực nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mô hình quản lý năng lượng, các giải pháp tiết kiệm năng lượng và thay thế các dây truyền sản xuất lạc hậu.

Nguồn:Theo: Báo Công Thương Sao chép liên kết
Tin liên quan