Chính thức công bố lưu hành vaccine thương mại dịch tả lợn Châu Phi

Chiều 3/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ công bố kết quả nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, vaccine thương mại có tên là NAVET-ASFVAC.

Việt Nam công bố sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến thông tin về kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi - Ảnh VGP/Nguyễn Đức

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, lần đầu tiên, Việt Nam sản xuất thành công vaccine thương mại phòng dịch tả lợn Châu Phi. "Kết quả thử nghiệm cho thấy tác dụng phòng bệnh của vaccine rất tốt".

Tại Việt Nam, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lần đầu tiên xâm nhiễm vào tháng 2/2019, sau đó lây lan ra phạm vi cả nước, buộc phải tiêu hủy trên 6 triệu con lợn, thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số CPI năm 2020. Đến nay, dịch bệnh còn xảy ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.

Nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao nếu không có vaccine phòng bệnh hiệu quả, do đặc điểm của virus DTLCP rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, chưa bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học.

Ngay từ khi bệnh DTLCP xuất hiện tại Việt Nam, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, tổ chức nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh.

Từ đó, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Thú y và các doanh nghiệp có tiềm năng, nguồn lực, kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu, sản xuất, đăng ký lưu hành vaccine DTLCP.

Tháng 11/2019, sau khi các nhà khoa học của Hoa Kỳ công bố nghiên cứu thành công chủng virus DTLCP nhược độc đã được cắt bỏ đoạn gene ASF-G-Delta I177L, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã cử lãnh đạo Cục Thú y sang Hoa Kỳ dự họp, gặp trực tiếp với các chuyên gia Hoa Kỳ để bàn phối hợp nghiên cứu, sản xuất vaccine DTLCP.

Từ tháng 2/2020, việc nghiên cứu, sản xuất vaccine chính thức được thực hiện cùng với sự phối hợp của các chuyên gia Hoa Kỳ. Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y thống nhất và ký Thỏa thuận chung (MOU) hợp tác kỹ thuật với Viện Nghiên cứu nông nghiệp (ARS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) để làm cơ sở cho các bên triển khai thực hiện.

Việt Nam công bố sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 3.

Vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco - Ảnh VGP/Nguyễn Đức

Từ tháng 7/2020, Bộ chỉ đạo cho phép nhập khẩu chủng giống virus DTLCP nhược độc cắt gene dùng để nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống bệnh DTLCP tại Việt Nam.

Ngay sau khi tiếp nhận chủng giống ASFV-G-∆I177L từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vào tháng 9/2020, Công ty Navetco đã khẩn trương triển khai nghiên cứu, trải qua 5 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Bộ NNPTNT đã thành lập các hội đồng khoa học cấp cơ sở, cấp bộ và tổ chức hàng chục cuộc họp với sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, nhà quản lý và nhà sản xuất vaccine thú y để nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, hồ sơ đăng ký lưu hành vaccine DTLCP NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco.

Kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco sau khi được các nhà khoa học độc lập đánh giá rất kỹ lưỡng đã được chấp nhận công bố trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới và Tạp chí Khoa học thú y của Việt Nam.

Ngày 17/5/2022, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đã có thư chính thức gửi Cục Thú y Việt Nam xác nhận vaccine NAVET-ASFVAC bảo đảm an toàn, hiệu lực.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Việt Nam có thể tự tin sản xuất vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi đáp ứng được nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trong nước và hướng tới xuất khẩu sản phẩm vaccine. "Đến thời điểm này, chưa có quốc gia nào công bố sản xuất thành công vaccine thương mại. Vì vậy, dư địa xuất khẩu vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi được sản xuất tại Việt Nam sang các nước là rất lớn”.

Nguồn:Theo chinhphu.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan