Có nên đánh đổi đất rừng tự nhiên để phát triển điện gió?

Phát triển năng lượng tái tạo là một trong những hướng đầu tư được các tỉnh đặt nhiều kỳ vọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc đánh đổi diện tích rừng tự nhiên để phát triển các dự án điện gió hiện nay cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Từ năm 2020, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã đề xuất chuyển đổi đất rừng (trong đó có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ) sang làm dự án điện gió... Năm 2020, riêng các tỉnh Quảng Trị, Bình Thuận, Bình Định đã chấp thuận đầu tư cho khoảng 10 dự án điện gió, điện mặt trời có sử dụng đất rừng.

Thực tế trong thời gian qua, sau sự thành công của nhiều dự án điện gió và điện mặt trời, có nhiều công ty năng lượng đã đến đăng ký khảo sát và xin cấp phép xây dựng dự án năng lượng điện tái tạo.

Đó là tín hiệu đáng mừng trong thu hút đầu tư phát triển điện lực nhằm khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh của nước ta. Tuy nhiên, vấn đề mà Chính phủ cũng như nhân dân quan tâm là chuyển đổi mục đích rừng và đất lâm nghiệp để thực hiện dự án sao cho phù hợp.

Có nên đánh đổi đất rừng tự nhiên để phát triển điện gió? - Ảnh 1

Trụ điện gió của Nhà máy Điện gió Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh VGP)

Mới đây nhất, ngày 18/8/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2168/QĐ-UBND về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và cho Công ty Cổ phần Điện gió Thành An thuê đất (đợt 1) để thực hiện dự án nhà máy điện gió Tân Hợp.

Theo quyết định, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn dự án xin chuyển mục đích sử dụng khoảng 20,4ha. Trong đó, diện tích đất rừng phòng hộ khoảng 3,9ha, diện tích đất rừng sản xuất khoảng 16,5ha. Phần lớn diện tích đất xin chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện dự án hiện do Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông quản lý (19,5ha).

Tại Hà Tĩnh, ngày 9/9/2021 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ông Đặng Ngọc Sơn đã ký công văn số 5942/UBND-NL4 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT về việc rà soát hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang thực hiện dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh.

Dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2020, có công suất thiết kế 120MW, gồm 25 tuabin gió. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần điện phong HBRE Hà Tĩnh.

Trước việc tại nhiều địa phương lập dự án điện mặt trời, điện gió trên đất rừng, các chuyên gia cảnh báo cần hết sức thận trọng, không nên đánh đổi môi trường bằng mọi giá.

Trao đổi với báo chí, GS.TS Bảo Huy cho rằng, rừng và năng lượng đều rất cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc, đánh giá kỹ tác động môi trường trước khi quyết định đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời. Với những khu vực là nơi sinh sống của động vật hoang dã, rừng đầu nguồn, phòng hộ… ảnh hưởng lớn đến môi trường, sinh thái, đời sống của người dân thì không nên đánh đổi để lấy năng lượng.

Trên thực tế, có rất nhiều lựa chọn khác, nhiều phương án triển khai khác nhau mà vẫn bảo đảm có được dự án cũng đồng thời vẫn bảo vệ được rừng và tài nguyên.

Trao đổi với Đất Việt, GS Nguyễn Ngọc Lung cho rằng, lấy rừng chỉ là một trong nhiều phương án mà chủ đầu tư có thể lựa chọn. Ngoài phương án lấy rừng, người ta vẫn đẩy được dự án ra bờ biển, hoặc đi vào khu vực đất trống, đồi núi trọc, có rất nhiều phương án tối ưu, tốt hơn nhiều. Nhưng lấy rừng là phương án tối ưu cho nhà đầu tư.

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra ngày càng phổ biến, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương, cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân, nhưng dư luận, các chuyên gia đang đặt vấn đề có ảnh hưởng của việc giảm diện tích đất rừng tự nhiên do chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án đã làm thay đổi đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên.

Do vậy, Bộ NN&PTN đề nghị UBND các tỉnh, Thành phố cần cân nhắc, cẩn trọng trong việc đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, đặc biệt, đối với rừng đặc dụng là rừng tự nhiên cũng như các hoạt động tác động vào làm thay đổi cân bằng sinh thái tự nhiên của địa phương.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết tháng 8/2021, đã có 24 nhà máy điện gió vận hành thương mại. Tổng công suất điện gió đã được công nhận COD là 963 MW. Riêng trong tháng 8/2021, đã có thêm 3 dự án mới được công nhận COD, với tổng công suất 48.8 MW.

Trước đó, tính đến đầu tháng 8/2021, có 106 nhà máy điện gió với tổng công suất là 5.655,5 MW đã gửi văn bản và hồ sơ đăng ký đề nghị công nhận COD.

Tác giả: PV
Nguồn:Kinh tế môi trường Sao chép liên kết
Tin liên quan