Giảm 'nóng' tiền điện trong mùa nắng nóng

Trước mùa nắng nóng gay gắt vào tháng 5, ngành điện dự báo mức tiêu thụ sẽ tăng mạnh. Để giảm bớt nỗi lo tăng giá hóa đơn tiền điện cho người dân, dưới đây là một số khuyến nghị cách sử dụng thiết bị điện đúng cách nhằm tăng tuổi thọ thiết bị cũng như tiết kiệm điện ở mức tối ưu.

Tiêu thụ điện tăng cao do thời tiết nắng nóng kéo dài. (Ảnh: Internet)

Mỗi năm, vào độ mùa nắng nóng, thời tiết gay gắt khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ tăng rất cao. Theo tính toán của chuyên gia kỹ thuật điện, những lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, điện năng tiêu thụ của riêng máy điều hòa trong gia đình có thể chiếm tới 60 - 65% tổng số lượng điện tiêu thụ. Điều này dẫn đến hóa đơn tiền điện cũng tăng chóng mặt.

Để giúp giảm chi phí tiền điện cho người dân và góp phần vận hành ổn định lưới điện thành phố, dưới đây là một số phương pháp hữu ích giúp tăng tuổi thọ thiết bị và tiết kiệm điện ở mức tối ưu nhất.

1. Điều hòa

Vệ sinh máy lạnh định kỳ giúp tăng khả năng làm lạnh, giảm tiêu hao điện năng. (Ảnh: Internet)

Vào lúc trời nóng, máy lạnh phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ làm mát trong phòng. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh tăng khoảng 5 độ dẫn đến điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%.

Do đó, dù thời gian sử dụng máy lạnh không thay đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh vẫn tăng rất nhiều, khiến tiền điện hàng tháng sẽ tăng cao.

Mọi người nên cài đặt máy lạnh nhiệt độ trong phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (khoảng 5 độ C). Có thể sử dụng máy lạnh cùng với quạt để làm mát không khí trong phòng. Vệ sinh máy lạnh theo định kỳ để giúp máy lạnh hoạt động ổn định tăng khả năng làm lạnh và ít tiêu hao điện năng.

2. Máy giặt

Ảnh: Internet

Nên giặt quần áo bằng máy giặt với chế độ nước lạnh để tiết kiệm điện. Điều này sẽ giúp tiết kiệm một khoản đáng kể trong hóa đơn tiền điện. Tập trung giặt lượng đồ phù hợp với từng loại máy. Bạn không thể giặt quá nhiều vì có thể làm giảm tuổi thọ máy, nhưng cũng không quá ít để tiết kiệm nước.

3. Tủ lạnh

Không nên mở tủ lạnh quá thường xuyên và quá lâu. (Ảnh: Internet)

Bạn nên điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh hợp lý theo mùa, thường xuyên kiểm tra gioăng cao su ở cánh tủ; không mở tủ lạnh quá lâu; không để quá nhiều thực phẩm; nơi đặt tủ lạnh cần tránh xa các thiết bị sinh nhiệt (bình nước nóng, bếp, lò nướng…). Và đặc biệt không cắm điện tủ lạnh ngay sau khi vừa di chuyển tủ, có thể gây rò rỉ dầu máy.

4. Bàn là (bàn ủi)

Ảnh: iStock

Không nên ủi quần áo vào giờ cao điểm. Cần lau sạch bề mặt bàn ủi trước khi dùng. Tập trung quần áo để ủi một lần theo thứ tự quần áo mỏng trước rồi đến đồ dày. Sau đó rút phích cắm và tận dụng sức nóng quay trở lại ủi quần áo mỏng. Khi ủi nên kiểm tra cài đặt nhiệt độ của bàn ủi thích hợp cho từng loại vải, tránh dùng trong phòng có bật máy điều hòa nhiệt độ.

5. Nồi cơm điện

Không nên nấu cơm quá sớm, chỉ nên nấu cơm trước khi ăn khoảng 30 - 45 phút để giảm thời gian hâm nóng. Nên lau chùi sạch đáy nồi cơm và mâm nhiệt nồi cơm để điện tiếp xúc tốt hơn, tránh lãng phí điện.

6. Tivi và các thiết bị điều khiển từ xa

Rút phích cắm tivi và các thiết bị điện tử khi không sử dụng. (Ảnh: Internet)

Tivi hay các thiết bị điều khiển từ xa không nên đặt ở chế độ chờ sẵn, không dùng thì tắt hẳn, tránh để chế độ sáng của màn hình quá cao sẽ hao điện và hại mắt.

7. Đèn và các thiết bị điện khác

Chọn đèn compact, đèn led và tận dụng ánh sáng tự nhiên. Nên mua bình nước nóng gián tiếp, bật trước khi tắm 10-15 phút hoặc sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời.

Chọn đèn compact giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ. (Ảnh: Internet)

Theo viện nghiên cứu Berkeley, những thiết bị chưa rút phích, dù không sử dụng, cũng sẽ tiêu thụ khoảng 5% - 10% lượng điện năng tiêu thụ trong gia đình. Do đó, khi không sử dụng trong thời gian dài thì tắt hẳn nguồn và rút phích cắm ra khỏi ổ điện. Ngoài ra, khuyến khích các hộ gia đình lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng (càng nhiều sao càng tiết kiệm điện năng). Thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm./.

Nguồn:Theo Sao Pháp luật Sao chép liên kết
Tin liên quan