Tập trung hoàn thành toàn diện kế hoạch EVN giai đoạn 2016-2020

Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết về việc tập trung hoàn thành toàn diện Kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giai đoạn 2016-2020. 


EVN phấn đấu khởi công NMTĐ Hòa Bình mở rộng trong năm 2020.
 

Trong đó mục tiêu chính gồm đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; Đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ.

 

Vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia

 

Một trong những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trên là Tập đoàn sẽ lập kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường điện hàng tháng gắn với ước tính các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn. Triển khai các giải pháp, các đề án, chương trình nâng cao độ tin cậy, hiệu suất vận hành các nhà máy điện, đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định các nhà máy điện (đặc biệt là các NMNĐ than), lưới điện truyền tải và phân phối; thiết lập kỷ cương và nâng cao kỷ luật vận hành, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật vận hành. Lập và tổ chức thực hiện bảo dưỡng sửa chữa đúng kế hoạch các nhà máy điện và các công trình lưới điện, nâng cao hệ số khả dụng, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than. Đẩy nhanh tiến độ triển khai áp dụng quy trình sửa chữa nguồn và lưới điện theo tình trạng vận hành và bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy ổn định của thiết bị.

 

Ngoài ra Tập đoàn hoàn thiện Quy định về công tác sửa chữa lớn, trong đó hướng dẫn việc sửa chữa theo yêu cầu của nhà sản xuất và theo tình trạng thiết bị. Rà soát chặt chẽ công tác mua sắm vật tư thiết bị sửa chữa, vật tư thiết bị dự phòng, tuyệt đối không mua mới khi vật tư thiết bị vẫn còn dư trong kho của các đơn vị; nghiên cứu xây dựng mức tồn kho tối ưu đối với vật tư thiết bị dự phòng theo hướng quản lý tập trung, phù hợp với công nghệ hiện tại của thiết bị nhằm đảm bảo an toàn cho vận hành và sản xuất.

 

Thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện; khai thác tối ưu các nguồn năng lượng, đặc biệt là thủy điện, nguồn nhiên liệu khí và nguồn than cho sản xuất điện, bao gồm giải pháp sử dụng than trộn, than nhập khẩu; nghiên cứu phương án ký hợp đồng mua than theo nhiệt trị, làm cơ sở đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch về suất tiêu hao nhiên liệu trong sản xuất điện.

 

Tính toán tổng hợp tổn thất điện năng kỹ thuật, phân tích các bài toán tối ưu phương thức vận hành, đề xuất giải pháp quản lý kinh doanh giảm tổn thất điện năng... Xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, chương trình, lộ trình giảm tổn thất điện năng trong các khâu truyền tải và phân phối điện năng.

 

Chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, tăng tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt và triển khai kết nối cổng thông tin một của quốc gia thực chất và hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019. Tính toán lộ trình lắp đặt công tơ điện tử phù hợp với tuổi thọ của công tơ cơ lắp trên lưới và tồn kho, trong đó: ưu tiên lắp đặt công tơ điện tử tại các khu vực thành thị, sử dụng hết công tơ cơ khí còn có khả năng sử dụng.

 

Đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, triển khai các chương trình, đề án ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động, trong đó tập trung vào công tác bảo dưỡng thiết bị, tối ưu vận hành và chào giá trên thị trường điện.

 

Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án điện cấp bách cho miền Nam

 

Tập đoàn sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn vay nước ngoài, có kế hoạch giải ngân nguồn vốn vay ODA theo tiến độ đã ký kết trong hiệp định vay vốn. Đa dạng các hình thức huy động nguồn vốn trong nước và quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư nguồn và lưới điện. Chủ động xây dựng, tính toán nhu cầu vốn theo các dự án, chương trình đầu tư để làm việc với các đối tác thương mại.

 

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện di dân tái định cư các công trình nguồn điện và các chương trình mục tiêu cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo.

 

Tập trung thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện và lưới điện, trong đó tập trung nguồn lực hoàn thành sớm các dự án trọng điểm: NMNĐ Duyên Hải 3 MR, NMTĐ Đa Nhim MR, DD 500kV mạch 3 Vũng Áng –Dốc Sỏi- Pleiku 2... các dự án lưới điện cấp bách cấp điện cho miền Nam, giải tỏa công suất ĐMT, thủy điện nhỏ, mua điện Trung Quốc, Lào, cấp điện cho Hà Nội... 

 

Thường xuyên rà soát quy hoạch để đảm bảo việc đầu tư xây dựng các dự án điện đạt hiệu quả cao, giảm áp lực thu xếp vốn đầu tư xây dựng và góp phần giảm chi phí giá thành. Các dự án đầu tư xây dựng thu xếp được vốn mới được phép khởi công.

 

Tập trung đầu tư vào các dự án điện quan trọng cấp bách, đề xuất điều chỉnh tiến độ đối với các dự án khác, đảm bảo hiệu quả đầu tư, phù hợp với nhu cầu phát triển phụ tải.

 

Rà soát tổng mức đầu tư các dự án đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành; kiểm soát chặt chẽ tất cả các bước trong hoạt động đầu tư xây dựng từ chuẩn bị đầu tư, tổ chức đấu thầu, mua sắm vật tư thiết bị, thi công xây dựng và nghiệm thu bàn giao, đảm bảo chất lượng công trình theo đúng thiết kế, tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư xây dựng.

 

Ngoài ra, Tập đoàn tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành điện theo Quyết định số 852/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thiện việc ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ toàn Tập đoàn về quản trị, điều hành với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, hệ thống viễn thông dùng riêng, trung tâm dữ liệu, …Từng bước áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp thông minh trên nền tảng hệ thống số hóa thông tin, các thiết bị công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo..

Tác giả: Lê Linh
Tin liên quan