Nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu: Đủ điều kiện chống lũ năm 2020

Đó là khẳng định của ông Khương Thế Anh – Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La khi trao đổi với PV về công tác chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão năm 2020.


Thủy điện Lai Châu sẵn sàng ứng phó mùa mưa bão năm nay. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 

PV: Thưa ông, tính đến thời điểm này, Công ty đã chuẩn bị như thế nào để ứng phó với mùa mưa bão đang cận kề ?

 

Ông Khương Thế Anh: Công ty Thủy điện Sơn La quản lý, vận hành 2 nhà máy thủy điện lớn nhất và thứ 3 tại Việt Nam gồm NMTĐ Sơn La (công suất 2.400MW) và NMTĐ Lai Châu (công suất 1.200MW) đây đều là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Chính vì vậy, công tác phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão (theo quy định từ ngày 15/6) đã được Công ty chuẩn bị kỹ lưỡng.

 

Đến đầu tháng 6, Công ty đã kết thúc toàn bộ công tác sửa chữa, bảo dưỡng những hạng mục liên quan trực tiếp đến phòng chống bão lũ như các tổ máy, đập tràn xả lũ, hệ thống điện tự dùng, thiết bị thông tin liên lạc,... chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng thiết yếu.

 

Công ty cũng đã tổng hợp kết quả quan trắc, tình trạng đập và hồ chứa để báo cáo các cơ quan chức năng. Hoàn thiện các phương án bảo đảm an toàn đập, an toàn hạ du trong mùa mưa bão và Quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác PCTT&TKCN. 

 

Công ty đã thành lập Ban chỉ huy PCTT&TKCN, thành lập Đội xung kích PCTT&TKCN với số lượng thành viên là 359 thành viên trong đó có ban hành kế hoạch triển khai công tác PCTT&TKCN và phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên...

 

Các phòng/phân xưởng thực hiện tổng kiểm tra hiện trạng các vị trí được giao quản lý trước mùa mưa bão năm 2020. Lập báo cáo kết quả đánh giá an toàn, ổn định đập và hồ chứa thủy điện Sơn La, Lai Châu gửi Hội đồng tư vấn KH&CN về an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà. Lập báo cáo hiện trạng an toàn đập Sơn La, Lai Châu gửi Sở Công Thương tỉnh Sơn La, Lai Châu theo đúng quy định.

 

Tính đến ngày 8/6, mực nước hồ Sơn La đạt xấp xỉ 188 mét, cách mực nước dâng bình thường 27m mét (tương ứng dung tích phòng lũ là 4,9 tỷ m3 ). Đây là dung tích phòng lũ rất lớn để sẵn sàng đón lũ, cắt, giảm lũ cho hạ du.

 

PV: Đối với bà con nhân dân vùng hạ du thủy điện, công tác tuyên truyền vận động thu dọn lòng sông được Công ty phối hợp với chính quyền địa phương triển khai như thế nào?

 

Ông Khương Thế Anh: Công ty Thủy điện Sơn La đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo hạ du đập thủy điện Sơn La, Lai Châu với mục đích trong quá trình phát điện, xả lũ hệ thống tự động phát ra cảnh báo đến bà con nhân dân địa phương ven sông nắm bắt được thông tin mực nước, lưu lượng thay đổi. Cụ thể, hệ thống cảnh báo hạ du đập Sơn La, Công ty lắp đặt 16 biển cảnh báo, 14 hệ thống loa cảnh báo tự động phát tín hiệu đặt tại các xã ven sông như Tạ Bú, Chiềng San, Mường Chùm, Chiềng Hoa huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

 

Hạ du đập thủy điện Lai Châu, Công ty lắp đặt 5 biển cảnh báo, 5 hệ thống loa cảnh bảo tự động phát tín hiệu đặt tại xã Nậm Hàng, xã Lê Lợi, thị trấn Nậm Nhùn huyện Nậm Nhùn tỉnh Lai Châu, phường Sông Đà thị xã Mường Lay tỉnh Điện Biên.

 

Đặc biệt, Công ty đã có quy chế với chính quyền địa phương trong công tác vận hành xả lũ hồ chứa thủy điện Sơn La, Lai Châu hàng năm. Trong đó có quy chế phối hợp trong công tác vận hành xả lũ hồ chứa thủy điện Sơn La hàng năm giữa Công ty Thủy điện Sơn La và Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La. Quy chế phối hợp trong công tác vận hành xả lũ hồ chứa thủy điện Lai Châu hàng năm giữa Công ty Thủy điện Sơn La và Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lai Châu.

 

Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả nguồn nước cũng như phối hợp nhịp nhàng giữa các thủy điện trên bậc thang sông Đà, Công ty đã có quy chế với Công ty Thủy điện Hòa Bình, Công ty Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát trong công tác vận hành điều tiết chống lũ trên lưu vực sông Đà hàng năm.

 

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, đối với các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng việc tính toán lưu lượng nước về hồ cần theo giá trị thực để hạn chế thiệt hại do mưa lũ bất thường. Ông nghĩ sao về quan điểm này? Công ty đã có giải pháp gì để tính toán lưu lượng nước thực nhằm khai thác hiệu quả, tránh xả thừa gây lãng phí tài nguyên?

 

Ông Khương Thế Anh: Các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hồng đang được vận hành theo Quy trình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hồng ban hành kèm theo Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019; trong Quy trình vận hành liên hồ chứa này quy định mực nước giới hạn cho các hồ tương ứng với các thời kỳ lũ sớm, lũ chính vụ và lũ muộn.
 

Việc tính toán lưu lượng về các hồ trên lưu vực sông Hồng theo giá trị thực là hết sức cần thiết để vừa phòng lũ và vừa nâng cao hiệu quả phát điện của các hồ, thực tế việc tính toán lưu lượng về hồ này chưa đạt được độ chính xác cao do hệ thống các trạm thủy văn, trạm đo mưa trên lưu vực còn thưa thớt không đáp ứng được mật độ của Tổ chức khí tượng thế giới.

 

Theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Thủy điện Sơn La đã phối hợp với đơn vị tư vấn lập Đề án “Tối ưu hóa vận hành hồ chứa bậc thang thủy điện sông Đà và sông Gâm theo thời gian thực” và đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét phê duyệt. Trong đó mục tiêu của đề án nhằm nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo an toàn đập và đáp ứng quy định Luật Khí tượng thủy văn phục vụ công tác chống, giảm nhẹ thiên tai và phát triển kinh tế xã hội trên lưu vực sông Đà và sông Gâm; Nâng cao chất lượng dự báo KTTV theo thời gian thực phục vụ vận hành các hồ chứa thủy điện trên bậc thang sông Đà và sông Gâm.

 

Cùng với đó sẽ tạo tính chủ động trong công tác lập kế hoạch cho các đơn vị vận hành hồ chứa thủy điện trên bậc thang sông Đà và sông Gâm. Kết quả của đề án là cơ sở để Bộ TN&MT, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất với Chính phủ điều chỉnh hợp lý Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

 

Hiện tại, Công ty Thủy điện Sơn La đã lắp đặt đưa vào vận hành 01 trạm thủy văn tự động đặt tại Kẻng Mỏ thượng lưu sông Đà giáp ranh với biên giới Việt Nam – Trung Quốc và 20 trạm đo mưa tự động trên lưu vực hồ chứa thủy điện Sơn La, Lai Châu; Công ty thủy điện Hòa Bình đã lắp đặt đưa vào vận hành 11 trạm đo mưa tự động trên lưu vực hồ chứa thủy điện Hòa Bình. Như vậy, việc tính toán lưu lượng nước về cũng tương đối đảm bảo nhằm phục vụ tốt công tác vận hành hồ chứa trong mùa mưa bão hàng năm.

 

PV: Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Kim Thái
Nguồn:Icon.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan