Những điểm cần lưu ý khi bảo dưỡng điều hòa

Tại miền Bắc và miền Trung đang diễn ra nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao. Tuy nhiên, nhiều gia đình thường bỏ qua thói quen vệ sinh điều hòa mà sử dụng ngay khi có nhu cầu nên hiệu quả làm mát không cao. Trước vấn đề này, các chuyên gia thường khuyên người dùng nên tự vệ sinh máy điều hòa tại nhà sẽ giúp tiết kiệm chi phí sửa chữa không đáng có và giúp máy chạy hiệu quả hơn, bền hơn, khi được vệ sinh máy định kỳ.

Thông thường máy điều hòa sau một thời gian sử dụng sẽ có hiện tượng bị bám bụi ở dàn nóng và dàn lạnh. Do đó, khả năng làm lạnh sẽ ngày càng suy giảm hơn khi bụi bẩn ngày càng dày đặc. Hậu quả, máy điều hòa không thể đáp ứng được nhu cầu làm lạnh cho căn phòng ngay cả khi tiêu tốn nhiều điện năng để làm lạnh hết công suất.

Người dùng cần định kỳ vệ sinh cục nóng của máy điều hòa

Mặc dù biết được nguyên nhân gây kém hiệu quả của điều hòa nhưng đối với nhiều người, vệ sinh thiết bị điện tử là một công việc phức tạp, khó khăn và có thể gây hỏng hóc. Đó là nguyên nhân khiến nhiều chiếc điều hòa không được vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ.

Theo các chuyên gia, mỗi năm người dùng cần vệ sinh máy lạnh ít nhất từ 1 đến 2 lần để bảo đảm chức năng sử dụng, nếu không thì hơi lạnh sẽ tỏa ra rất yếu, không lạnh. Thậm chí một số trường hợp còn làm hỏng cục nóng giải nhiệt trong máy, hoặc cục lạnh không trao đổi nhiệt dẫn đến quá lạnh khiến hơi nước ngưng tụ và xuất hiện hiện tượng chảy nước. Theo đó, người dùng cần thực hiện vệ sinh máy theo một số bước sau:

Để làm sạch vỏ máy điều hòa, đầu tiên, người dùng cần tắt thiết bị. Sau đó, lau sạch bụi trực tiếp bằng vải hoặc khăn ẩm. Khi lau, cố gắng di chuyển khăn theo cùng một hướng, chà trên bề mặt từ trái sang phải tới phần rìa, sau đó gấp giẻ lại, thay đổi sang bên mặt sạch và lau lại. Quá trình này cần thực hiện vài lần, có thể giúp thiết bị trông đẹp như mới.

Tiếp theo, để vệ sinh bộ phận lưới lọc, người dùng cần mở phần mặt trước của máy điều hòa. Trên phần lớn thiết bị, phần bảng điều khiển hoặc tấm nhựa ở mặt trước có thể dễ dàng mở bằng cách chạm nhẹ vào lẫy hoặc các gờ, cạnh của vỏ máy. Việc gỡ bỏ các tấm lưới lọc cũng rất đơn giản khi chỉ cần tìm vị trí của khóa và tháo bỏ bằng cách đẩy nó nhẹ nhàng.

Người dùng cần thường xuyên làm sạch tấm lưới lọc để máy hoạt động hiệu quả hơn

Sau đó, người dùng có thể rửa nó trực tiếp bằng nước sạch. Việc làm sạch này có thể sử dụng một số công cụ nhỏ như bàn chải đánh răng. Sau khi làm sạch, nên để khô một cách tự nhiên, tránh sử dụng máy sấy bởi có thể làm co, hỏng lưới lọc.

Bước cuối cùng là vệ sinh và khử trùng bộ phận cánh tản nhiệt. Đây là bộ phận không thể tháo rời nên mọi cách thức vệ sinh thông thường như dùng khăn lau, bàn chải... đều không đạt được hiệu quả cao, thậm chí có thể làm hư hại các bộ phận bên trong thiết bị. Do đó, người dùng cần sử dụng một công cụ chuyên nghiệp là thiết bị vệ sinh điều hòa dạng chai xịt.

Sau đó, người dùng có thể lắp lưới lọc đã khô và vỏ mặt trước của máy điều hòa vào vị trí cũ. Việc cuối cùng, bật chế độ làm mát và làm lạnh, điều chỉnh công suất đến mức tối đa. Sau khi chạy khoảng nửa giờ, người dùng có thể thấy nước thải cùng bụi bẩn chảy ra khỏi ống xả.

Theo các nhà sản xuất, điều hòa không khí cần vệ sinh mỗi tháng một hoặc hai lần. Mỗi năm một lần, thiết bị cần được vệ sinh toàn diện cả dàn nóng và lạnh bởi chuyên viên kỹ thuật có kinh nghiệm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới độ bền của thiết bị mà cả sức khỏe của mọi thành viên trong gia đình của người sử dụng.

Tất nhiên, ngoài việc giải quyết nguồn ô nhiễm từ điều hòa không khí, trong quá trình sử dụng, người dùng cũng nên để ý sao cho phòng đảm bảo được sự thông thoáng cần thiết, có luồng không khí mới thay thế thường xuyên.

Theo các chuyên gia điện máy, khi vệ sinh máy điều hòa tại nhà cần lưu ý: Tránh sử dụng lực phun nước mạnh ở gần vị trí có bảng mạch (vị trí của nó nằm ở phía trên máy nén) vì có thể ảnh hưởng đến bo mạch; tuyệt đối không được để phần Outdoor tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời hay dầm mưa, để không làm hư bo mạch. Đối với máy xài van, không thể kín tuyệt đối nên cho phép xì ở mức giới hạn và khi kiểm tra cần chú ý tình trạng đường ống và van có bị rò rỉ không để hạn chế tình trạng quá nhiệt, gây hỏng mát dây.

Tác giả: Lê Quốc/Điện & Đời sống
Tin liên quan