Tăng độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng

Chạy đua với thời gian, các dự án xây mới và cải tạo hệ thống trạm biến áp 110kV đã và đang được ngành điện Hải Dương gấp rút triển khai nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, góp phần phát triển kinh tế địa phương và khu vực.

Dồn sức cho các dự án trọng điểm

Các lực lượng đẩy nhanh thi công Trạm biến áp 110kV Kim Thành.

Tháng 11, trên công trường xây dựng đường dây và trạm biến áp 110kV Kim Thành, thuộc địa phận xã Kim Anh, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, không khí lao động khẩn trương. Công nhân làm việc liên tục 3 ca/ngày, ngày nắng làm bù cho những ngày mưa.

Theo đại diện nhà thầu thi công dự án, cuối tháng 10 và đầu tháng 11 mưa lớn liên tục, kéo dài đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Ngay khi thời tiết thuận lợi, nhà thầu đã huy động thêm nhân lực, máy móc, trang thiết bị từ các công trình khác để tập trung cao độ cho dự án, phấn đấu ngày 20/11 sẽ hoàn thiện nhà điều hành trạm để lắp đặt thiết bị và hoàn thành việc kéo dây trong tháng 11/20221, đáp ứng tiến độ cam kết với chủ đầu tư tháng 12/2022 sẽ bàn giao.

Dự án đường dây và trạm biến áp 110kV Kim Thành có tổng mức đầu tư khoảng 74 tỷ đồng, do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư và giao ủy thác cho Công ty Điện lực Hải Dương thực hiện nhằm chống quá tải cho trạm biến áp 110kV Lai Khê (huyện Kim Thành) đang quá tải nặng. Theo đó, dự án sẽ xây dựng hơn 1km đường dây mạch kép 110kV đấu nối với VT24 của đường dây 110kV Thanh Hà và xây dựng trạm biến áp với công suất 2x63MVA, giai đoạn 1 lắp 1 máy biến áp 63MVA.

Theo ông Lê Hồng Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Dương, khoảng 8 năm qua, các dự án 110kV đều do các đơn vị của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc thực hiện. Mới đây, dự án trạm biến áp 110kV Thanh Hà và 110kV Kim Thành lần này Tổng Công ty giao Điện lực Hải Dương làm quản lý dự án với kế hoạch đưa ra tháng 3/2021 đóng điện trạm Kim Thành và tháng 6/2022 đóng điện trạm Thanh Hà.

Xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, Điện lực Hải Dương đã tập trung cao độ, thực hiện nhanh nhất có thể, điều hành 3 ca 4 kíp, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ. Theo đó, dự kiến đóng điện trạm 110kV Kim Thành trong tháng 12/2021, vượt tiến độ ít nhất 3 tháng so với yêu cầu của tổng công ty. Trạm này hoàn thành có ý nghĩa rất lớn, giúp nâng cao độ tin cậy lưới điện, cung cấp điện, cung cấp nguồn ổn định chất lượng cao cho các phụ tải công nghiệp, dân sinh trên địa bàn huyện Kim Thành và các huyện lân cận.

Song song với đó, dự án xây dựng trạm biến áp 110kV Thanh Hà và các nhánh rẽ đang được triển khai. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 175 tỷ đồng gồm xây dựng hơn 16 km đường dây mạch kép 110kV đi qua 3 huyện Thanh Hà, Kim Thành và thị xã Kinh Môn; xây trạm biến áp 110kV với công suất 2x40MVA; trong đó, giai đoạn 1 lắp 1 máy biến áp 40MVA.

Đường dây 110kV Thanh Hà được xây dựng để cung cấp nguồn cho 2 trạm biến áp 110kV Thanh Hà, 110kV Kim Thành và tạo mạch vòng liên lạc giữa trạm biến áp 220kV Hải Dương 2 và trạm biến áp 220kV Thanh Hà sẽ xây dựng trong thời gian tới.

Đây là trạm biến áp 110kV đầu tiên được xây dựng trên địa bàn huyện Thanh Hà, có mục tiêu cung cấp nguồn ổn định, chất lượng cao cho các phụ tải công nghiệp và dân sinh trên địa bàn Thanh Hà và các huyện lân cận.

Theo đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Dương, việc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án này vào tháng 7/2021 và dự kiến sẽ hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành trong quý I/2022. Tuy nhiên, do đường dây đi qua nhiều địa phương; trong đó, có khu vực chuyên canh trồng vải và ổi ở huyện Thanh Hà nên việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, ngành điện đề nghị UBND tỉnh, huyện và các xã phối hợp tuyên truyền vận động để nhân dân ủng hộ.

Cải tạo trạm biến áp xuống cấp

Lãnh đạo Điện lực Hải Dương kiểm tra lại trang thiết bị sau khi lắp tại Trạm biến áp 110kV Đồng Niên

Song song với việc triển khai các dự án xây mới trạm biến áp 110kV, trong năm 2021, Điện lực Hải Dương cũng cải tạo, thay thế thiết bị trạm biến áp 110kV Đồng Niên. Đây là một trong những trạm biến áp quy mô lớn và lâu đời nhất trong khu vực miền Bắc. Hơn 30 năm vận hành, đến nay, trạm biến áp đã xuống cấp, thiết bị lạc hậu không đảm bảo vận hành. Do đó, dự án tiến hành thay thế các thiết bị và bổ sung các thiết bị thông tin và SCADA để đáp ứng tiêu chí của một trạm biến áp không người trực.

Ông Lê Hồng Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Dương cho biết, đây là dự án có khối lượng thi công rất lớn, tính chất phức tạp cao. Cái khó là do đây là trạm đầu mối nên quá trình cải tạo trạm phải làm sao giảm thiểu thời gian mất điện ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Thêm vào đó, thời điểm dịch COVID-19, các nhà thầu lớn đều ở Hà Nội nên không thể triển khai trong tháng 7 đến tháng 9. Đến tháng 10/2021, dự án mới được đi vào triển khai. Mặc dù triển khai muộn, nhưng dự án đã hoàn thành vượt tiến độ 3 tháng, đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị trong suốt quá trình triển khai.

Để khắc phục khó khăn trong quá trình thực hiện dự án này, Điện lực Hải Dương đã thành lập Ban chỉ đạo, do Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty làm Trưởng ban, chỉ đạo huy động nhân lực tối đa, làm 3 ca, 4 kíp để đảm bảo dự án hoàn thành trong 1 tháng, giảm thiểu thời gian mất điện. Mặc dù trong quá trình cải tạo trạm, có 17 giai đoạn cắt điện chính và nhiều giai đoạn cắt điện nhỏ lẻ nhưng việc thi công thường vào ban đêm nên việc mất điện đã giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.

Tỉnh Hải Dương quản lý 13 trạm biến áp 110kV. Dự kiến, tới cuối năm 2021, tất cả các trạm biến áp 110kV trên địa bàn tỉnh sẽ được chuyển sang vận hành theo chế độ không người trực. Việc chuyển đổi này có nhiều lợi ích, vừa giảm số lượng nhân viên tại trạm, vừa giảm chi phí vận hành hệ thống và nâng cao năng suất lao động.

Tỉnh Hải Dương hiện có 11 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích trên 1.700ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân là 80%. Đầu năm 2021, Hải Dương đã trao quyết định thành lập mới 4 khu công nghiệp An Phát 1, Phúc Điền mở rộng, Gia Lộc và Kim Thành.

Việc ngành điện hoàn thiện các dự án trọng điểm trạm biến áp 110kV Kim Thành và Thanh Hà, đưa toàn bộ trạm biến áp sang vận hành không người trực được kỳ vọng sẽ tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao, góp phần phát triển kinh tế của địa phương và của khu vực.

Nguồn:Theo TTXVN Sao chép liên kết
Tin liên quan