Những lợi ích khi phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam

Tuần lễ Năng lượng tái tạo sẽ được diễn ra từ ngày mai (25/8) đến ngày 28/8/2020. Đây là sự kiện thường niên do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) và Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam khởi xướng từ năm 2016. 


Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 

Tuần lễ Năng lượng tái tạo năm nay có chủ đề “Đột phá để phục hồi và phát triển Xanh vì cuộc sống an lành”, với các hội thảo chuyên đề như "Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ"; "Chuyển dịch năng lượng công bằng qua thúc đẩy phát triển điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp và điện mặt trời nổi"; "Chuyển dịch năng lượng sạch: xu thế toàn cầu và hành động địa phương"; "Phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam: Những đột phá kì vọng?"… các nhà tổ chức mong muốn đưa ra những đề xuất, đóng góp cho việc thực hiện Nghị Quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch Điện VIII mà Bộ Công Thương đang xây dựng. 

Câu chuyện thời sự hôm nay, chúng tôi bàn về một nội dung được nhiều người quan tâm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đó là: Những lợi ích khi phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Vị khách mời tham gia chương trình là ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam). 

PV: Trân trọng cảm ơn ông Hà Đăng Sơn đã nhận lời tham gia chương trình. Thưa ông, là một người nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng tái tạo nhiều năm, xin ông cho biết cụ thể về tiềm năng phát triển điện mặt trời (ĐMT) nói chung, ĐMT mái nhà nói riêng ? 

Ông Hà Đăng Sơn: Theo 1 nghiên cứu của Ngân hàng thế giới năm 2017 thì tiềm năng ĐMTMN tại TPHCM là 6.379 MW & tại Đà Nẵng là 1.140 MW. Báo cáo này cũng đưa ra ước tính trên quy mô toàn quốc có thể đạt được tối đa khoảng 370 GW điện mặt trời mái nhà – tuy nhiên ước tính này có độ tin cậy chưa cao do thiếu thông tin thực tế về hiện trạng các mái nhà có thể lắp đặt RTS. Bộ Công Thương hiện đang đặt mục tiêu tới 2025 sẽ có 100.000 hệ thống ĐMTMN được lắp đặt với tổng công suất 1.000 MWp. Nghiên cứu của chúng tôi có đưa dự báo vào khoảng 2.200 MW được lắp đặt vào năm 2025 và 6.000 MWp, nhưng có vẻ các dự báo này sẽ sớm lạc hậu.

PV: Việc phát triển ĐMT mái nhà ở Việt Nam đem lại những lợi ích gì cho người tiêu dùng cũng như cho hệ thống điện VN, thưa ông?

Ông Hà Đăng Sơn:  Về phía người tiêu dùng sẽ giảm tiền điện, chủ động nguồn cung trong điều kiện nắng nóng – khô hạn (sạc dự phòng). Về hệ thống điện sẽ giảm phụ tải và áp lực về cung ứng điện cũng như xây dựng đường dây truyền tải mới. Như chia sẻ của ông Sebatian Paust – đại diện SQ Đức tại Hội thảo khởi động Chương trình thúc đẩy phát triển ĐMTMN tại VN cuối tháng 7/2019, nước Đức có tới 70% công suất ĐMT đang vận hành là ĐMTAM, điều này cho thấy vai trò quan trọng của loại hình nguồn điện tái tạo này trong cơ cấu nguồn điện quốc gia.

PV: Vâng, thưa ông, lợi ích của ĐMT mái nhà rất rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, lắp đặt ĐMT mái nhà ở khu vực miền Bắc – do có số thời gian nắng ít hơn - nên không hiệu quả. Ý kiến này có đúng không? Và ông có lời khuyên gì với người dân – khi còn đang băn khoăn trong việc lắp đặt ĐMT mái nhà?  

Ông Hà Đăng Sơn: Rõ ràng là khu vực miền Trung và miền Nam có lợi thế hơn hẳn miền Bắc về số giờ nắng và độ trong của không khí, cũng như mức độ ít biến động của nhiệt độ và độ ẩm, nên hiệu quả của các hệ thống RTS sẽ cao hơn. Tuy nhiên với mục tiêu lắp đặt RTS để cắt giảm phụ tải thì hiệu quả sẽ bao gồm việc giảm tiền điện tiêu thụ ở các bậc giá điện cao và phần điện năng dư bán lên lưới theo biểu giá FIT quy định tại Quyết định 13/2020 là 1943 đồng/kWh (~ 8,38 USc/kWh). 

 


Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 

PV: Hiện Việt Nam đã có những cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà như thế nào? 

Ông Hà Đăng Sơn: Định hướng hỗ trợ phát triển ĐMTMN đã được nêu rõ trong chiến lược phát triển NLTT với mục tiêu tạo nguồn phân tán để giảm phụ tải tại chỗ, tránh gây áp lực phải xây dựng các tuyến truyền tải mới.

Về cơ chế chính sách, Chính phủ đã ban hành cơ chế giá FIT theo QĐ 11 năm 2017, theo đó các dự án ĐMTAM được hưởng mức giá 2086 đồng/kWh (tương đương 9,35 xu Mỹ/kWh). Sau khi QĐ11 hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2019, dù Chính phủ chưa ban hành QĐ thay thế nhưng Bộ Công Thương đã ban hành QĐ 2023 vào tháng 7/2019 phê duyệt Chương trình thúc đẩy ĐMTMN tại VN giai đoạn 2019-2025, nhờ vậy đã có hơn 650 MWp ĐMTMN được lắp đặt tính tới cuối tháng 5/2020.

Với việc ban hành QĐ13 vào tháng 4/2020 theo đó ĐMTMN được hưởng mức giá FIT cao nhất trong 3 loại hình đầu tư ĐMT là 1943 đồng/kWh (tương đương 8,38 xu Mỹ/kWh), chắc chắn đầu tư ĐMTMN sẽ bùng nổ trong giai đoạn tới cuối năm 2020 và vượt mục tiêu công suất 1000 MWp đã nêu trong QĐ 2023 của Bộ CT.

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, Việt Nam là nước nông nghiệp, cơ chế gì để khuyến khích được NLTT đi cùng với nông dân thì nên ủng hộ, ví như thúc đẩy phát triển điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp và điện mặt trời nổi – một trong những nội dung mà Tuần lễ NLTT cũng có hội thảo/tọa đàm chuyên sâu về vấn đề này. Quan điểm của ông thì sao?

Ông Hà Đăng Sơn: Cần xây dựng cơ chế riêng cho điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp, chứ không thể lẫn lộn giữa điện mặt trời trang trại (dù công suất chỉ 1 MW) với điện mặt trời mái nhà như thời gian qua.

PV: Chính sách không theo kịp sự phát triển, thậm chí có những thực tế chưa xác định được tiêu chí về điện mặt trời mái nhà và hệ thống điện mặt trời nối lưới.  Ví dụ như 1 số hệ thống ĐMT quy mô trang trại tại Ninh Thuận đang gặp vướng - Công ty Điện lực Ninh Thuận chưa thể thực hiện ký hợp đồng và thanh toán tiền điện mua từ các hệ thống điện mặt trời này do chưa xác định được giá mua điện từ các hệ thống này là điện mặt trời mái nhà hay điện mặt trời mặt đất theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Có ý kiến cho rằng đây là ĐMT mái nhà, nhưng có ý kiến lại cho rằng (rooftop) nghĩa là phải có mái rồi đặt tấm pin lên mới gọi là áp mái. Theo ông thì nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào? 

Ông Hà Đăng Sơn: Xin nhắc lại nguyên tắc xây dựng cơ chế về điện mặt trời mái nhà đã được nêu trong chiến lược phát triển NLTT ban hành theo QĐ 2068/QĐ-TTg năm 2015: "Các khách hàng sử dụng điện cuối cùng đang mua điện từ hệ thống điện quốc gia, thực hiện phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo với mục đích chính là tự đảm bảo cho nhu cầu điện của mình, được áp dụng cơ chế thanh toán bù trừ.”

Mặc dù khi Bộ Công thương xây dựng các hướng dẫn về cơ chế bù trừ đã gặp khó khăn trong việc thống nhất về cách thức xuất hoá đơn với Bộ Công thương, khiến cho cơ chế net-metering bị điều chỉnh cơ chế thanh toán thành gross-metering, nhưng nguyên tắc vận hành cơ chế không thay đổi. Ở một số quốc gia khác còn có quy định rõ ràng về tỷ lệ % giữa điện tự dùng và điện bán lên lưới, để tránh gây quá tải lưới.

PV: Những khó khăn/nút thắt lớn nhất khi phát triển ĐMT mái nhà hiện nay là gì, thưa ông?

Ông Hà Đăng Sơn: Về phía cơ quan nhà nước, có sự chưa thống nhất về giải thích văn bản hướng dẫn, cũng như các quy định liên quan (ví dụ như về “công trình xây dựng”, “công trình nông nghiệp công nghệ cao”, hay yêu cầu về sửa đổi giấy phép xây dựng.) Về nhà đầu tư, rõ ràng có nhiều trường hợp cố tình hiểu sai để lợi dụng chính sách.

PV: Theo ông, giải pháp để phát triển có hiệu quả điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam trong thời gian tới là gì? 

Ông Hà Đăng Sơn: Vẫn tiếp tục duy trì cơ chế giá FIT, với những quy định chặt chẽ hơn về quy mô công suất. Các hệ thống ĐMT mới lên đến 100 kWp nhận được FIT cố định; Các hệ thống ĐMT mới từ 100 đến 750 kWp phải bán năng lượng của chúng bằng cách tiếp thị trực tiếp cho bên mua; Hệ thống ĐMT mới trên 750 kWp được yêu cầu tham gia vào các cuộc đấu thầu và không được sử dụng để tự sản xuất nội bộ.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Nguồn:Icon.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan