Năng lượng mới định hình thế giới mới

Chuyển đổi năng lượng sạch là nhu cầu tất yếu của nhân loại. Nhưng, để làm được điều đó, chúng ta cần sự nỗ lực rất lớn từ không chỉ một vài quốc gia.

Khi hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp với những tác động ngày càng lớn đến cuộc sống của con người thì không một quốc gia nào có thể lờ đi tác hại của nó. Theo thống kê của các nhà khoa học, việc sử dụng năng lượng hóa thạch hiện nay tạo ra khí nhà kính, dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.Vì thế, việc tìm kiếm nguồn năng lượng mới "sạch hơn" là yêu cầu bức thiết nhất để chống lại hiện tượng này.

Năng lượng hóa thạch với lợi thế rẻ, sẵn có, phổ biến trong hàng trăm năm luôn là ưu tiên của những nhà sản xuất. Đây là vấn đề hóc búa của giới khoa học cũng như các chính phủ khi không thể cân bằng giữa phát triển kinh tế và chống biến đổi khí hậu. Nhưng, báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) được công bố vào đầu tháng 4 vừa qua đã hé lộ những thay đổi.

Biến đổi khí hậu đang là vấn đề được quan tâm trên toàn cầu.

Đây là phần thứ 3 của bản báo cáo thứ 6 mà IPCC bắt đầu thực hiện từ 8 năm trước.Nó tập hợp nghiên cứu của hơn 200 nhà khoa học trên khắp thế giới để đưa ra những cảnh báo cũng như khuyến nghị cụ thể. Đặc biệt, bản báo cáo lần này tập trung vào một câu hỏi vô cùng thực tế: Chúng ta có khả năng ngăn chặn lượng khí thải làm tăng nhiệt do đốt nhiên liệu hóa thạch không? Và, câu trả lời là: Có, chúng ta có khả năng đó.

Bằng những lời lẽ thẳng thắn nhất, IPCC cảnh báo rằng nhiên liệu hóa thạch "phải được loại bỏ dần" để ngăn tình trạng nóng lên tồi tệ hơn. Với mục tiêu giữ cho khí hậu trái đất không tăng quá 1,5°C, báo cáo chỉ rõ việc sử dụng than sẽ phải dừng "gần như toàn bộ" vào năm 2050, còn tiêu thụ dầu khí phải giảm dần từ năm 2030.

Nhưng, ý tưởng này chắc chắn sẽ bị nhiều nhà kinh tế, chính trị phản đối kịch liệt.Bởi đây là hai nguồn tài nguyên có trữ lượng khổng lồ và đem lại giá trị cao nhất trên thế giới hiện nay.Hãy nhớ rằng, thế giới vẫn còn lượng than lên tới gần 1 nghìn tỷ tấn, giá trị ước tính 450 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, trữ lượng dầu mỏ còn lại là khoảng 1,4 triệu tỷ thùng, với giá trị khoảng 140 triệu tỷ USD nữa. Những con số đủ khiến nhiều người xiêu lòng.

Phần lớn lượng than và dầu mỏ đang được sử dụng để sản xuất điện.Hệ thống vận tải sử dụng nhiên liệu từ dầu mỏ góp phần lớn tạo nên lượng phát thải còn lại cũng sẽ được thay thế bằng năng lượng điện trong tương lai gần.Như vậy, ngành điện là nguồn xả khí carbon lớn nhất ra môi trường.

Bởi vậy, đây cũng là cơ hội tốt nhất để chúng ta khử lượng carbon này. Khi lưới điện trở nên sạch hơn thì ô tô, xe buýt và các tòa nhà, cỗ máy chạy bằng điện - cũng tức là chạy bằng năng lượng sạch hơn thay vì chạy bằng than, dầu và khí đốt. IPCC đã cho chúng ta giải pháp rõ ràng bằng cách tập trung vào những nguồn sản xuất điện sạch có khả năng tái tạo như gió hay mặt trời. Mặc dù gió và mặt trời mới chỉ chiếm phần tương đối nhỏ trong ngành điện với 8% tổng lượng điện năng hiện nay nhưng chi phí đang giảm dần khiến chúng trở thành điểm sáng trong báo cáo của IPCC lần này.

Đây là điểm khác biệt quan trọng so với lần cuối cùng IPCC xem xét chủ đề này vào năm 2014. Khi đó pin gió, năng lượng mặt trời và pin lithium-ion đều đắt hơn hiện nay nhiều lần, buộc IPCC phải dự đoán tương lai với nhiên liệu hóa thạch vẫn là phần chính, do ưu thế giá thành của nó. Một điều bất cập là vì thế các chính phủ giàu đã phải trợ cấp cho những nhà sản xuất năng lượng điện từ nguyên liệu hóa thạch số tiền không nhỏ để xử lý lượng carbon thải ra nhằm bảo vệ môi trường.Nhưng, một cách gián tiếp, những trợ cấp đó lại khuyến khích không ít nhà phát triển năng lượng gia tăng sản lượng từ nguồn nguyên liệu độc hại này.

Tuy nhiên, kể từ năm 2010, chi phí cho năng lượng gió đã giảm 55%, với năng lượng mặt trời là 85%. Do chi phí giảm, IPCC dự tính vào cuối thập kỷ này có thể vận hành một ngành điện gần như hoàn toàn bằng năng lượng sạch, thay vì nhiên liệu hóa thạch. Khuyến nghị rõ ràng hơn ở chỗ nó vẽ lên lộ trình cho các chính phủ để chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch trong tương lai, giúp giảm 10% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030. Như vậy, những hỗ trợ của các chính phủ có thể đảo chiều từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch để lộ trình thay đổi càng nhanh hơn.

Cơ hội cho những "vùng đất mới"

Khi đưa năng lượng mặt trời và gió lên vị trí đầu bảng trong cơ cấu sản xuất 20 năm tới, thật "tình cờ" bản báo cáo đã đẩy châu Phi lên vị trí mới trên bản đồ năng lượng. Sở hữu tiềm năng điện mặt trời lên tới 7.900 gigawatt, chỉ riêng "lục địa đen" đã đủ đáp ứng tổng nhu cầu điện của thế giới. Tỷ lệ đó tương đương với toàn bộ ngành điện than khi đạt đỉnh vào năm 2017. Một sự thay thế hoàn hảo! Chưa kể đến những lợi thế khổng lồ đến từ nguồn điện gió, châu Phi có thể là câu trả lời cho bài toán chuyển đổi năng lượng sạch của thế giới trong những thập kỷ tới.

Thực tế, ở châu Phi cũng đang bùng nổ các hoạt động kinh doanh năng lượng tái tạo. Nhiều quốc gia tại châu lục đang tăng cường các giải pháp năng lượng tái tạo để xây dựng mạng lưới điện của mình. Morocco, Ai Cập, Ethiopia, Tanzania và Nam Phi hiện dẫn đầu trong việc áp dụng năng lượng sạch trên quy mô lớn. Có lợi thế về thời tiết, khí hậu cũng như những vùng đất rộng đáp ứng nhu cầu của các nhà máy công suất lớn, châu Phi có thể chuyển đổi năng lượng sạch nhanh hơn nhiều vùng đất khác.Những trang trại năng lượng mặt trời, gió và cả địa nhiệt đã mọc lên khắp nơi, châu Phi đang hướng tới cuộc "cách mạng năng lượng xanh" của mình.

Tuy nhiên, luôn có nhiều khó khăn với các nước nghèo. Châu Phi mới chỉ thu hút khoảng 2% trong tổng số 2,8 nghìn tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trong 2 thập kỷ qua. Châu lục đầy tiềm năng này cũng chỉ chiếm 3% công suất năng lượng tái tạo hiện tại của thế giới. Tiềm năng là rất lớn nhưng với châu lục đen, vấn đề nằm ở cơ sở hạ tầng bao gồm hệ thống truyền tải và phân phối yếu kém - những thứ mà châu lục đen không thể khắc phục được nếu không có trợ lực từ các nước giàu. Ngay ở thời điểm này, số người không được sử dụng điện trên lục địa châu Phi vẫn lên tới 600 triệu người. Con số này nhiều hơn cả dân số của Bắc và Trung Mỹ cộng lại.

Châu Phi có tiềm năng lớn về năng lượng sạch.

Cả Mỹ, Trung Quốc và EU đều đang thực hiện những dự án lớn ở châu Phi để có thể phổ biến năng lượng sạch ở đây. Nhưng, cuộc cách mạng năng lượng xanh không thể khởi động được nếu nguồn điện không được phân phối rộng rãi.

Những dự án như việc xây nhà máy xe điện tại Ai Cập hay sản xuất điện sạch ở các quốc gia châu Phi có vẻ rất tuyệt vời nhưng nếu thiếu những hệ thống truyền tải và phân phối đồng bộ như ở các nước phát triển thì tất cả cũng trở nên vô dụng. Chiếc xe điện ở Cairo sẽ lấy đâu ra điện khi các trạm sạc của nó không được cung cấp nguồn điện đầy đủ, ổn định?

Hệ thống phân phối và truyền tải cần vốn đầu tư lớn, lâu dài cũng như sự đảm bảo an toàn trở thành vấn đề lớn, khi các quốc gia châu Phi không đủ tin cậy chính trị để thực hiện những cam kết kiểu này. Vậy là, thay vì đầu tư sang châu Phi, các tập đoàn lớn vẫn giữ nguồn vốn của mình ở châu Á hay Mỹ Latin hoặc tại chính các nước phát triển, nơi mọi thứ có vẻ an toàn hơn nhiều.

Như thế, hố sâu ngăn cách lại được tô đậm hơn giữa các nước phát triển và đang phát triển.Ở phương Tây và châu Á, các chính phủ, tập đoàn đã gấp rút xây dựng phát điện sạch, trong khi bắt buộc điện khí hóa ô tô trong 20 năm tới.Tuy nhiên, những nơi như châu Phi sẽ tiếp tục phụ thuộc vào động cơ đốt trong sau năm 2050. Công nghệ lạc hậu sẽ còn chạy sang châu lục này để tiếp tục làm hại môi trường thêm nhiều thập kỷ nữa. Ở chính những nơi có tiềm năng nhất, bước tiến lại đang chậm nhất.

Nguồn:Theo ANTG Sao chép liên kết
Tin liên quan