Điện mặt trời rất thích hợp để phát triển tại Bình Dương

Do nhu cầu năng lượng sạch ngày càng cao, Bình Dương xác định sự phát triển của điện mặt trời sẽ đáp ứng một phần nguồn năng lượng, phù hợp với xu thế phát triển bền vững của thế giới. 

Bình Dương đang liên kết để phát triển năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất và cuộc sống, đó là nguồn năng lượng sạch, phù hợp cho nhu cầu thành phố thông minh Ảnh: XUÂN THI

 

Phóng viên (PC) đã có cuộc trao đổi với ông Trần Công Danh, phụ trách phát triển năng lượng mặt trời, Sở Công thương.

 

PV: So với quy định trước đây thì giá mua điện mặt trời thay đổi như thế nào, thưa ông?

 

Ông Trần Công Danh: Đối với dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23- 11-2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 1-7-2019 đến hết ngày 31-12-2020 thì được áp dụng biểu giá mua điện, như sau: Đối với dự án trên mặt đất là 1.644 đồng/kWh (7,09 Cent/ kWh). Đối với dự án nổi trên mặt nước là 1.783 đồng/kWh (7,69 Cent/kWh).

 

So với giá mua điện áp dụng từ trước ngày 30-6-2019, giá mua điện từ dự án điện mặt trời theo quyết định lần này có giảm đáng kể. Nguyên nhân giảm là do giá mua điện mặt trời phải đưa vào thông số đầu vào trong phương án giá điện bán hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cần có sự điều chỉnh hợp lý, hài hòa lợi ích giữa các đối tượng trong xã hội, vừa bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư, hạn chế tăng giá bán điện bình quân ảnh hưởng đến mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội.

 

PV: Người dân, doanh nghiệp hiện nay cũng rất quan tâm đến điện mặt trời trên mái nhà. Xin ông cho biết thêm về các quy định cho loại hình dự án này?

 

Ông Trần Công Danh: Trước tiên, có thể hình dung đây là hệ thống điện mặt trời có các tấm pin quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng. Hệ thống phải có công suất lắp đặt không vượt quá 1 MWp, được đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện.

 

Các hệ thống điện mặt trời mái nhà được phép bán một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất ra cho bên mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp không sử dụng lưới điện của tập đoàn. Trường hợp bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền, thực hiện thanh toán lượng điện năng từ hệ thống điện mặt trời mái nhà phát lên lưới điện quốc gia, theo giá mua điện quy định là 1.943 đồng/kWh (8,38 Cent/kWh), áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1-7-2019 đến 31- 12-2020; được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện, đồng thời phải tuân theo hợp đồng mua bán điện mẫu.

 

Trường hợp bên mua điện không phải là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền, giá mua điện và hợp đồng mua điện do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp quy định của pháp luật hiện hành.

 

PV: Tại Bình Dương, việc phát triển nguồn năng lượng này sẽ có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

 

Ông Trần Công Danh: Việc cung ứng năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tại Bình Dương nói riêng hiện nay đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề do chênh lệch ngày một tăng giữa tốc độ phát triển phụ tải so với tốc độ phát triển nguồn phát điện. Do vậy, chiến lược từng bước đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, trong đó có điện mặt trời, được coi là một trong những giải pháp phát triển bền vững.

 

Năng lượng điện mặt trời cũng có tiềm năng rất lớn ở Bình Dương, đặc biệt là trong khu vực đô thị. Với cơ sở hạ tầng hiện có, cùng với tiến trình xây dựng thành phố thông minh, điện mặt trời sẽ là nguồn năng lượng tối ưu trong điều kiện hiện nay.

 

PV: Phát triển nguồn năng lượng này Bình Dương có những thuận lợi và khó khăn nào?

 

Ông Trần Công Danh: Theo đánh giá của các chuyên gia, Bình Dương có vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng năng lượng mặt trời được đánh giá là tốt so với trung bình cả nước. Số giờ nắng trong năm trên địa bàn tỉnh từ 2.200 - 2.800 giờ, với lượng bức xạ mặt trời trung bình vào khoảng 4,5 kWh/m2/ngày.

 

Sở Công thương đã được UBND tỉnh cho lắp đặt thử nghiệm 2 dự án trên mái nhà. Một tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp và một tại gia đình mẹ Việt Nam anh hùng ở ấp Long Hưng, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng. Kết quả đánh giá 2 dự án này cùng nhiều dự án tương tự khác trên địa bàn tỉnh cho thấy, điện mặt trời trên mái nhà rất thích hợp để khuyến khích phát triển tại Bình Dương.

 

Các dự án không tốn diện tích đất, giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình. Các dự án có quy mô nhỏ, lắp đặt phân tán nên được đấu nối vào lưới điện trung, hạ áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải. Nếu những dự án này được lắp đặt nhiều ở các mái nhà trong thành phố, khu công nghiệp sẽ có tác dụng làm giảm quá tải từ nguồn điện truyền thống.

 

Với những dự án lớn (vài trăm MWp), ngoài vấn đề tìm kiếm được nhà đầu tư năng lực, vấn đề khó khăn nhất chính là vận hành an toàn và hiệu quả hệ thống điện khi công suất điện mặt trời lớn. Nguồn bức xạ mặt trời thường biến đổi liên tục trong ngày do thiên nhiên, thời tiết thay đổi đột ngột (mây, mưa, bụi...), dẫn đến công suất phát điện của hệ thống biến đổi theo, khó khăn cho việc điều độ, vận hành toàn bộ hệ thống điện.

 

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn:Theo: Báo Bình Dương Sao chép liên kết
Tin liên quan