PC Thanh Hóa đẩy mạnh công tác chuẩn hóa thông tin khách hàng

Thông qua việc đẩy mạnh công tác chuẩn hóa thông tin khách hàng, Công ty Điện lực (PC) Thanh Hóa đã nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số từ việc áp dụng nền tảng ứng dụng công nghệ vào chương trình quản lý của ngành điện.

Công nhân Điện lực dán thay thế tem thông tin khách hàng mới được chuẩn hóa theo quy định.

Việc làm này sẽ giúp khách hàng xác định được chính xác thông tin về vị trí cột, hòm công tơ, công tơ của gia đình mình để cùng với ngành điện tham gia kiểm soát cũng như có những phản ánh kịp thời về tình hình sử dụng điện.

Nâng cao quản lý, điều hành

Công ty Điện lực Thanh Hóa (PC Thanh Hóa) đang quản lý 802.813 công tơ bán điện cho khách hàng bao gồm: công tơ 1 pha là 761.741 chiếc (trong đó công tơ điện tử 363.560 chiếc, chiếm 47,73% công tơ 1 pha trên lưới); công 3 pha 41.072 chiếc (trong đó công cơ điện tử là 30.760 chiếc, chiếm 92,03% công tơ 3 pha trên lưới).

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của EVN và Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc giai đoạn 2021 - 2022, ngay từ đầu năm, PC Thanh Hóa đã đẩy nhanh triển khai điện tử hoá hệ thống điện và chương trình tự động hoá lưới điện nhằm hướng tới cung cấp dịch vụ điện một cách hiện đại, chuyên nghiệp, chuẩn hóa, công khai, minh bạch, dễ dàng và thuận tiện cho người dân.

Để thực hiện hiệu quả các nội dung trong công tác chuẩn hóa thông tin theo kế hoạch đề ra, cùng với việc tổ chức lớp tập huấn đào tạo chương trình số hóa hợp đồng mua bán điện sinh hoạt và chuẩn hóa thông tin khách hàng cho các đơn vị, Giám đốc PC Thanh Hóa yêu cầu các Phòng\Ban, đơn vị điện lực trực thuộc và các cá nhân liên quan phải tăng cường hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; tập trung nhân lực và phúc tra, đôn đốc triển khai theo đúng kế hoạch công ty giao theo từng tháng. Đối với các đơn vị điện lực trực thuộc tiếp tục tiến hành rà soát, tổ chức thực hiện trải đều trong tháng, hạn chế tình trạng dồn số lượng lớn về cuối tháng do đặc thù khối lượng công việc cuối tháng trong công tác kinh doanh nhiều, khó hoàn thành kế hoạch trong tháng đề ra; phân công thực hiện phúc tra ngay các TBA và khách hàng đã chuẩn hóa để khớp đúng giữa chương trình Cmis 3.0 và hiện trường. Khi có thay đổi kết dây, san tải hoặc phát triển khách hàng mới yêu cầu các bộ phận cá nhân phải thực hiện chuẩn hóa kịp thời không để những TBA đã chuẩn hóa bị loại ra khỏi chương trình, phải có tính chuyên nghiệp khi thực hiện công việc này.

Đối với các bộ phận Phòng\Ban có trách nhiệm đôn đốc các điện lực trực thuộc thực hiện đảm bảo tiến độ chuẩn hóa, đặc biệt tiến độ chuẩn hóa ngoài hiện trường đúng theo đăng ký với công ty. Tăng cường phúc tra công tác chuẩn hóa thông tin khách hàng tại các điện lực theo tiến độ hoàn thành của từng đơn vị. Yêu cầu các đơn vị trong quá trình thực hiện treo biển tên lộ, dán và sơn đánh số tên cột đường dây đúng kế hoạch, tiến độ và an toàn trong công tác quản lý vận hành. Tiến hành phúc tra tính chính xác của sơ đồ một sợi thực tế tại hiện trường và trên chương trình OMS. Đồng thời, bổ sung vật tư thiết bị phục vụ cho công tác chuẩn hóa ngoài hiện trường đang còn thiếu cho các đơn vị; xử lý toàn bộ số phôi tem nhận diện khách hàng cấp năm 2020 kém chất lượng đã được dán ngoài hiện trường, tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ của các đơn vị điện lực trực thuộc nói riêng và của toàn công ty nói chung.

Thực tế triển khai

 

Nhân viên PC Thanh Hóa kiểm soát chuẩn hóa thông tin khách hàng trên ứng dụng.

Trước đây, hồ sơ mua bán điện của khách hàng đều được PC Thanh Hóa và điện lực các huyện, thành phố thực hiện bằng văn bản, việc bảo quản, lưu trữ, tìm kiếm thông tin khách hàng trong quá trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, dễ gây nhầm lẫn. Cùng với đó là tình trạng hòm hộp công tơ trên cột điện của ngành điện nói chung và tại PC Thanh Hóa chưa được quy ước thống nhất trong cách đánh số; mẫu và vật liệu tem ghi chữ thông tin khách hàng sau thời gian ngắn bị mờ, hoen ố, và bong rách; nhiều cột, tủ trạm, hộp công tơ bị in, dán đè quảng cáo….. gây ảnh hưởng không ít đến thẩm mĩ và đặc biệt là quá trình nhận diện để khai thác thông tin phục vụ cho công tác sản xuất kinh doanh.

Trước thực trạng đó, PC Thanh Hóa đã nhanh chóng tiến hành việc khảo sát, lên kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện chuẩn hóa thông tin. Theo đó, PC Thanh Hóa đã tiến hành thanh lý các hợp đồng mua bán điện cho mục đích sinh hoạt hiện đang ký với khách hàng bằng bản giấy để chuyển sang ký lại theo mẫu hợp đồng điện tử được quản lý trên hệ thống. Đến nay, 100% khách hàng và 8.607/8.615 TBA bao gồm 3.877 TBA công cộng, 4.730 TBA chuyên dùng đã được chuẩn hóa thông tin cơ sở dữ liệu trên hệ thống phần mềm quản lý CMIS3.0 đạt 99,91% so với tổng kế hoạch giao đến hết tháng 8. Toàn công ty thực hiện đánh tạm được 87.463/319.804 hòm công tơ, đạt 27,35% kế hoạch giao. Công ty cũng đã thực hiện treo được 6.166/29.526 biển tên lộ chuẩn hóa được cấp, đạt 20,88% kế hoạch giao.

 

Lãnh đạo công ty cùng bộ phần phòng/ban kiểm tra việc chuẩn hóa thông tin khách hàng.

Thực tế triển khai tại 5 điện lực trực thuộc gồm TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn và Hoằng Hóa là những đơn vị được cấp vật tư để dán biển tên cột. Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đã thực hiện dán được 6.229/43.708 biển tên cột, đạt 27,23% kế hoạch giao; dán được 12.764 tem nhận diện khách hàng. 22 đơn vị điện lực còn lại được yêu cầu thực hiện sơn tạm và in dán theo nhu cầu đặt ra. Lũy kế đã thực hiện được 139.042/199.948 biển tên cột, đạt 69,54% kế hoạch giao và 191.995 tem nhận diện khách hàng.

Cùng với việc đẩy nhanh triển khai điện tử hoá hệ thống điện và chương trình tự động hoá lưới điện, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang có những diễn biến phức tạp, một mặt công ty tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, mặt khác tích cực áp dụng những ứng dụng đã được số hóa vào chương trình làm việc của ngành, của đơn vị.
Đồng thời, Công ty phối hợp với các ngân hàng, tổ chức, kết nối đến từng khách hàng gia tăng dịch vụ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điện tử về chăm sóc khách hàng của ngành điện… Qua đó giúp hạn chế tiếp xúc, đảm bảo tránh được nguy cơ rủi ro lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, đáp ứng kịp thời yêu cầu ngày càng cao bằng những dịch vụ chất lượng với tiêu chí “tin cậy – hiệu quả” đến với khách hàng.

Nguồn:Theo: Báo Thanh Hóa Sao chép liên kết
Tin liên quan