Công ty Điện lực Bắc Kạn: Đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định trong điều kiện thời tiết cực đoan

Bước vào năm 2020, trước tình hình thời tiết diễn biến khó lường, Công ty Điện lực Bắc Kạn đã nỗ lực tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định trong điều kiện thời tiết cực đoan.

sdffsf

CBCNV Điện lực Ngân Sơn chung tay bảo vệ an toàn hành lang lưới điện.

 

Ngay từ những tháng đầu năm đã xảy ra nhiều trận mưa đá, dông lốc gây thiệt hại nặng nề cho ngành điện. Trong các tháng 5, 6, 7/2020, thời tiết nắng nóng đỉnh điểm làm giảm hiệu suất mang tải của thiết bị, tăng nguy cơ xuất hiện sự cố bất thường… Với lưới điện trải rộng, có nhiều tuyến, đoạn đường dây băng qua rừng đặc dụng, núi, đồi; mưa bão thường kèm theo dông, lốc xoáy tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các sự cố trên lưới điện như sụt lún, gãy đổ cột điện, đứt đường dây; nhiều trường hợp sự cố do cây cối đổ, va quẹt vào đường dây… gây mất an toàn lưới điện.

Thống kê tỷ lệ sự cố trong mùa mưa bão thường tăng cao so với mùa khô, gây ảnh hưởng trực tiếp đến độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng. Không những thế, việc khắc phục, xử lý sự cố không hề đơn giản. Sự cố do cây cối trong rừng đặc dụng đổ lên hoặc đe dọa an toàn đường dây thì việc khắc phục phải qua rất nhiều cấp, ngành liên quan; hoặc nhiều cánh rừng trồng của người dân đang lớn, việc xử lý cũng rất nan giải, gây khó khăn cho Công ty Điện lực Bắc Kạn. Đã có nhiều cánh rừng trồng của người dân mọc ngay dưới đường dây tải điện nhưng phát quang được là điều không dễ. Hầu hết các chủ sở hữu các công trình nhà ở, cây trồng nằm dưới các tuyến hành lang vẫn chưa thực sự phối hợp. Việc xử lý vi phạm chỉ dừng lại ở mức độ tỉa cành hằng tháng nhằm hạn chế sự cố, còn việc chặt hạ vẫn chưa thể thực hiện do nhiều cây có giá trị kinh tế cao, giá cả đền bù vẫn chưa đạt được thỏa thuận hoặc nhiều lý do khác. Khó khăn lớn nhất là các tuyến đường dây điện đi qua sông, suối, rừng, núi cây cối rậm rạp, khi có dông bão, sét đánh cây đổ vào đường điện.

Dự báo trước những khó khăn, Công ty Điện lực Bắc Kạn đã chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện, lắp đặt các thiết bị nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất, hoàn thành các hạng mục sửa chữa lớn lưới điện. Duy trì chế độ điện áp tính toán tối ưu, đảm bảo điện áp vận hành thiết bị và giảm tổn thất trong truyền tải. Theo dõi điều chuyển các máy biến áp cho phù hợp công suất tải nhằm giảm tổn thất và nâng cao chất lượng điện áp phía 0,4kV phục vụ khách hàng. Khai thác tối đa các thiết bị rửa sứ hotline, camera nhiệt, máy đo phóng điện cục bộ trong công tác kiểm tra ngày đêm; sửa chữa khắc phục các khiếm khuyết trong công tác quản lý vận hành, xử lý sự cố. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát chất lượng và quản lý vận hành cáp, đầu cáp và hộp nối cáp trung thế, tăng cường củng cố lưới điện phòng ngừa sự cố.

Hiện nay, Công ty Điện lực Bắc Kạn có khoảng 80% đường dây tải điện nằm vắt qua những cánh rừng núi cao, vực sâu, càng đặt nhiệm vụ bảo vệ an toàn lưới điện trong mùa mưa bão với nhiều gian nan. Mạng lưới điện của Công ty quản lý hiện đã mở rộng với 02 TBA 110kV và 143 km đường dây cao thế 110kV, 1.677 km đường dây trung thế, 2.022km đường dây hạ thế... mà có tới 80% đường dây đều đi qua các cánh rừng. Mùa mưa bão tới, diễn biến rừng thay đổi rất nhanh, chỉ sau vài tiếng là cây cối đã có thể đổ vào đường dây điện, do vậy công việc quản lý đường dây tải điện trong mùa mưa bão rất vất vả.

Đặc biệt, đường dây cao thế Phú Lương – Bắc Kạn và Bắc Kạn – Chợ Đồn. Đây là đường dây chủ đạo cấp điện toàn tỉnh nên công tác quản lý được đặt lên hàng đầu. Anh Nguyễn Văn Nghĩa– Đội trưởng Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế Bắc Kạn cho biết: Cả tuyến đường dây dài 143 km, có nhiều vị trí cột điện trên đỉnh núi đá, giữa sườn núi cao... leo cả buổi mới đến. Việc kiểm tra được thực hiện thường xuyên bất kể thời tiết, lúc mưa, bão, dông lốc càng phải đi nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời sự cố.

Trong những ngày nắng nóng, hạn chế cắt điện để sửa chữa, trường hợp không thể trì hoãn được, các chi nhánh điện đã tập trung nhân lực, vật tư thiết bị đầy đủ thực hiện cắt điện vào sáng sớm. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra các tuyến đường dây thuộc đơn vị quản lý, để kịp thời phát hiện các trường hợp người dân tự ý san gạt đất trái phép gần các công trình đường dây điện, hoặc tự trèo lên đường dây bắt chim, điều khiển phương tiện thi công dẫn đến mất an toàn lưới điện. Có biện pháp nhắc nhở, phòng ngừa, ngăn chặn để tránh được các nguy cơ gây sự cố, tai nạn cho con người và lưới điện.

Nhằm chủ động phòng, chống, xử lý nhanh, kịp thời các sự cố có thể xảy ra, trên cơ sở theo dõi, thống kê, tổng hợp và xử lý các trường hợp vi phạm về hành lang, Công ty đã thông báo kịp thời các trường hợp này đến gia đình, đơn vị chủ quản nhà ở, công trình… Đồng thời, tiến hành tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện, thiết bị điện, đánh giá, phân loại, thống kê những tồn tại, không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn trong vận hành để khắc phục xử lý. Thay thế các bộ van chống sét không bảo đảm kỹ thuật; Tổ chức thay cách điện của các đường dây và các trạm biến áp, xử lý các móng cột, móng néo có nguy cơ bị sạt lở, thay thế các đoạn dây điện bị xơ, tướp quá tiêu chuẩn, chủ động vật tư, thiết bị dự phòng để sẵn sàng thay thế, sửa chữa lưới điện bị hư hỏng, tổ chức phát quang cây cối dọc tuyến đường dây tải điện…

Có thể thấy, việc đảm bảo cấp điện ổn định an toàn trong điều kiện thời tiết mùa mưa bão, nắng gắt là gian nan, vất vả. Cùng với đó, việc xử lý các vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cũng rất phức tạp, kéo dài, do vậy, cần nhất là sự đồng thuận, phối hợp từ phía người dân dọc hành lang lưới điện; sự hỗ trợ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương để công tác bảo vệ an toàn lưới điện đạt hiệu quả, góp phần cấp điện ổn định, an toàn trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phục vụ đời sống, xã hội của Nhân dân trong tỉnh.                                                   

Nguồn:Theo: Báo Bắc Kạn Sao chép liên kết
Tin liên quan