Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Vắng khách khi thu phí

Ngày 21-11, tàu Cát Linh - Hà Đông đã kết thúc 15 ngày hoạt động miễn phí cho người dân và bắt đầu chuyển sang giai đoạn khai thác thương mại. Khi tổ chức bán vé, thu tiền, lượng hành khách giảm rõ rệt so với những ngày miễn phí.

Mất thời gian, tăng chi phí 

Trong ngày đầu tiên vận chuyển hành khách có thu tiền, lượng hành khách đã giảm mạnh với những ngày chạy miễn phí trước đó. Trong tuần miễn phí, số lượt khách đi lại dao động ở mức 16.000-20.000 lượt/ngày, cuối tuần trên 20.000 lượt thì trong ngày đầu tiên thu tiền, lượng hành chỉ có khoảng 10%, thậm chí một số chuyến tàu hầu như không có khách.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), trong ngày đầu tiên, phần lớn hành khách mua vé lượt và vé ngày. Nhiều hành khách còn lúng túng nhưng tỏ ra thích thú trải nghiệm mua vé trên máy bán vé tự động. Metro Hà Nội bố trí hơn 100 nhân viên tại các ga hỗ trợ người dân cách sử dụng. Ngoài vé lượt có thể mua ở máy bán vé tự động, tất cả các loại vé còn lại được  bán tại quầy bán vé trực tiếp. 

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bàn giao thế nào?

Ảnh minh họa

Nhiều người dân sau khi trải nghiệm cho biết, chỉ sử dụng dịch vụ để đi chơi, thăm người thân chứ chưa thuận tiện để sử dụng hàng ngày đi làm. Bởi vì để sử dụng dịch vụ này, nhiều người phải đi bộ xa, phải đổi phương tiện nhiều lần nên mất thời gian, tăng chi phí so với sử dụng phương tiện cá nhân.

Trả lời về vấn đề này, đại diện Metro Hà Nội cho biết, cần có thêm thời gian để người dân làm quen với loại hình phương tiện mới. Hơn nữa, trong khi mạng lưới giao thông công cộng Hà Nội chưa đồng bộ thì tuyến Cát Linh - Hà Đông chưa thể phát huy hiệu quả như mong muốn. Trong thời gian tới, khi đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được khai thác (dự kiến vào cuối năm 2022), 2 tuyến này được kết nối với nhau. Đặc biệt, trong tương lai, 8 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội được xây dựng và hoàn thành sẽ giúp hành khách di chuyển thuận tiện hơn.

Còn nhiều lộn xộn tại chân các nhà ga

Sau 15 ngày vận hành, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cơ bản đảm bảo giờ chạy tàu chính xác như biểu đồ. Hầu hết các ý kiến người dân tỏ ra hài lòng về chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, một vấn đề cần được quan tâm là tình trạng hàng quán đang đua nhau mọc lên rất lộn xộn, nhếch nhác tại khu vực các nhà ga. Trong đó, ga Văn Khê đang bị 4-5 cửa hàng tự phát bán đồ ăn vặt, quán nước, bán nón bảo hiểm, dịch vụ gửi xe và xe ôm bủa vây. Tương tự, ga Thượng Đình cũng nhanh chóng trở thành tụ điểm mua bán. Khu vực ga Thái Hà từ số 193 đến 217 Hoàng Cầu cũng có nhiều điểm trông giữ xe tự phát của các hộ dân... 

Để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19, hành khách đến ga đều được yêu cầu thực hiện 5K, tại quầy vé, trên toa tàu đều có dán mã QR để người dân tiện khai báo y tế. Cũng từ ngày 21-11, tàu Cát Linh - Hà Đông tăng thời gian, tần suất chạy tàu lên 10 phút/chuyến, từ 5 giờ - 23 giờ.

Tác giả: Theo Sggp.org.vn
Tin liên quan